Đại gia tuần qua: Những đại gia nào đã ủng hộ hàng trăm tỷ để mua vắc xin COVID-19?
Hàng loạt tập đoàn lớn nhỏ của các đại gia đã đứng ra ủng hộ cả về hiện kim và hiện vật cho công cuộc chống dịch.
Các "ông lớn" đồng loạt ủng hộ Quỹ vắc xin COVID-19
Trước sự cấp bách của việc phòng chống đại dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn đã đứng lên ủng hộ, góp chút sức lực về tài chính vào công cuộc phòng, chống COVID-19 cũng như ngân quỹ để mua vắc xin.
Một trong số những doanh nghiệp đi tiên phong là Tập đoàn Vingroup, đây đồng thời cũng nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam bao gồm sản xuất máy thở, cung ứng sinh phẩm, chẩn đoán,...
Hàng loạt tập đoàn lớn nhỏ của các đại gia đã đứng ra ủng hộ Quỹ Vắc xin COVID 19.
Vingroup đã trao tặng 4 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Bộ Y tế. Giả sử nếu lấy giá vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất là 10 USD/liều (khoảng 230.000 đồng/liều), ước tính Vingroup cũng đã ủng hộ khoảng 920 tỷ đồng vào quỹ vắc xin.
Mới đây, loạt các ngân hàng cũng đã ra tay tiếp sức ủng hộ Chính phủ. HDBank ủng hộ 60 tỷ đồng vào quỹ mua vắc xin. Nhóm ngân hàng Big4 gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank đã góp tổng cộng 100 tỷ đồng vào quỹ mua vắc xin phòng chống COVID-19.
Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cũng đã hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong – TPBank góp 10 tỷ đồng; Tập đoàn Phenikaa hỗ trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng SHB hỗ trợ 15 tỷ đồng; Tập đoàn An Phát Holdings gửi tặng Bộ Y tế 20 tỷ đồng.
Với nhóm các doanh nghiệp bất động sản, Tập đoàn Novaland đã trao tặng 11 tỷ đồng cho phong trào xã hội hóa nguồn kinh phí mua vắc xin COVID-19; Tập đoàn Đất Xanh đã trích 5 tỷ đồng đồng để tặng cho người dân cùng các y, bác sĩ tuyến đầu tỉnh Bắc Giang.
Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã ủng hộ 1.000 tấn gạo và 5 tỷ đồng nhằm chung tay hỗ trợ và tiếp sức cho hai tỉnh này chống dịch...
Tập đoàn Thiên Long có có tân Tổng giám đốc
Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG) đã thông báo nghị quyết về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh quản lý của công ty.
Cụ thể, HĐQT của Tập đoàn Thiên Long vừa thông qua nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm và quyết định miễn nhiệm ông Nguyễn Đình Tâm thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc Điều hành, Phó Tổng Giám đốc thường trực Khối Sản xuất và Phó Tổng Giám đốc Sản xuất từ ngày 1/6.
Bà Trần Phương Nga.
HĐQT cũng thông qua miễn nhiệm bà Trần Phương Nga thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực Khối kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc Tài chính Kế toán và Trợ lý Chủ tịch HĐQT của Thiên Long từ ngày 1/6.
Đồng thời, tập đoàn đã bổ nhiệm Trần Phương Nga giữ chức vụ Tổng Giám đốc Điều hành của Thiên Long. Như vậy, ông Nguyễn Đình Tâm sẽ chuyển giao lại vị trí này cho bà Trần Phương Nga sau 4 năm nắm giữ.
Chủ tịch FLC GAB quay lại làm Chủ tịch FLC Stone (AMD)
CTCP Đầu tư khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) cho biết cả Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Công và Chủ tịch HĐQT Vũ Thị Minh Huệ đều đã xin từ nhiệm vào ngày 24/5. Ông Công sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch thay cho bà Huệ, còn ghế Tổng Giám đốc tạm thời để trống.
Cùng ngày 24/5, một lãnh đạo khác của FLC Stone là Phó Tổng Giám đốc Trần Thị Thúy Liễu cũng xin từ nhiệm.
Ông Công không thể làm cả hai chức vụ Chủ tịch và Tổng Giám đốc của FLC Stone vì theo Nghị định 71/2017 có hiệu lực từ 1/8/2020, Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) của cùng một công ty đại chúng.
Năm ngoái, ông Công có thời gian kiêm nhiệm chức Chủ tịch và Tổng Giám đốc của ba doanh nghiệp là FLC Stone, CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (Mã: GAB) và CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF). Về sau, ông đã thôi chức Chủ tịch của cả ba công ty, giữ lại ba ghế Tổng Giám đốc.
Chức Chủ tịch của FLC GAB và FLC Stone do bà Vũ Thị Minh Huệ đảm nhiệm thay. Ghế Chủ tịch KLF do ông Nguyễn Thanh Tùng nắm giữ.
Novaland của ông Bùi Thành Nhơn lên phương án tăng vốn điều lệ vượt 14.600 tỷ
Theo thông tin công bố, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) dự kiến phát hành gần 386 triệu cp. Trong đó, cổ đông sở hữu 555 cổ phiếu sẽ được nhận tối đa 198 cổ phiếu mới.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện là 10/6. Công ty sẽ dùng thặng dư vốn cổ phần 3.970 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2020) để phục vụ cho việc phát hành.
Tính đến hiện tại, vốn điều lệ của Novaland hơn 10.817 tỷ đồng. Nếu đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên gần 14.677 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu NVL của Novaland đã tăng hơn 105% từ đầu năm đến nay, có thời điểm lập đỉnh mới tại 132.000 đồng/cp và vượt thị giá của cổ phiếu VIC.
Hiện nay, Novaland đang tập trung đẩy mạnh tiến độ tại các dự án trọng điểm, đặc biệt là NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) để về đích sớm hơn dự kiến 5 năm.
Theo lộ trình 2021-2023, Novaland sẽ có lợi nhuận 2 tỷ USD từ ba dự án gồm NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), và Aqua City (Đồng Nai).
PVEP có tân chủ tịch và tổng giám đốc
Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã tổ chức Lễ công bố và trao các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo tổng Công ty.
Ông Trần Hồng Nam thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) để giữ chức vụ thành viên HĐTV kiêm Tổng Giám đốc PVEP còn ông Trần Quốc Việt thôi giữ chức Tổng Giám đốc để đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐTV PVEP.
Ngoài ra, tổng công ty cũng luân chuyển và bổ nhiệm ông Trịnh Việt Thắng, trưởng Ban Tổng hợp tập đoàn giữ chức thành viên HĐTV PVEP.
Về tân Tổng Giám đốc Trần Hồng Nam, ông sinh năm 1977, trình độ chuyên môn kỹ sư và tiến sỹ chuyên ngành dầu khí. Năm 2009, ông Nam từng giữ vai trò là Phó Giám đốc sau đó là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc tại công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển đông POC).
Nguồn: [Link nguồn]
Tỉnh này có công nghiệp phát triển nhanh, nhiều khu công nghiệp và thu hút hàng chục ngàn lao động.