Đại gia tuần qua: Ngồi trên núi tiền, vì sao ông Trịnh Văn Quyết than buồn?
Ông Trịnh Văn Quyết đã lên tiếng sau khi nhiều nhà đầu tư băn khoăn vì sao FLC đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn nhưng giá cổ phiếu luôn thấp.
Ông Trịnh Văn Quyết lý giải nguyên nhân giá cổ phiếu FLC thấp
Tuần qua, Tập đoàn FLC đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Theo đó, năm 2018, FLC đạt tổng doanh thu 12.016 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 677 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 470 tỷ đồng.
Với năm 2019, phía FLC đã thông qua mục tiêu doanh thu tăng vọt lên 20.000 tỷ đồng và chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 720 tỷ đồng và 570 tỷ đồng.
Với năm 2019, phía FLC đã thông qua mục tiêu doanh thu tăng vọt lên 20.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại đại hội, nhà đầu tư băn khoăn vì sao FLC đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn nhưng giá cổ phiếu FLC luôn thấp. Trả lời, ông Trịnh Văn Quyết thừa nhận: "Bản thân tôi cũng thấy buồn lắm, buồn đến mức cả tháng tôi không xem bảng điện tử".
Theo ông, hiện nay, nhiều cổ phiếu trên thị trường có giá cổ phiếu không đúng giá trị thực của doanh nghiệp và FLC là một trong những trường hợp như thế. Ông cho rằng, hiện nhà đầu tư đánh giá không đúng giá trị thực của Tập đoàn.
Thuận Thảo của nữ đại gia Phú Yên dự báo lỗ năm thứ 6
Kế hoạch kinh doanh trong năm nay được ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Thuận Thảo (GTT) trình cổ đông thông qua trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.
Cụ thể, kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế năm nay lần lượt là 42 tỷ đồng và 170 tỷ đồng. Như vậy, Thuận Thảo được dự báo sẽ có năm thứ 6 liên tiếp báo lỗ.
Gần đây nhất, năm 2018, Thuận Thảo chỉ đạt vỏn vẹn 30 tỷ đồng doanh thu và lỗ ròng sau thuế 190 tỷ đồng. Trong quý đầu năm nay, công ty này tiếp tục báo lỗ thêm 40 tỷ đồng do doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí lớn.
Thuận Thảo là doanh nghiệp do nữ đại gia nổi tiếng Phú Yên Võ Thị Thanh thành lập. Bà Thanh hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. Doanh nghiệp của bà Thanh từng nổi tiếng trong giới vận tải phía Nam. Tuy vậy, sau khi dấn thân vào lĩnh vực bất động sản, Thuận Thảo liên tục gặp khó khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh nợ nần.
Hiện tại, công ty vẫn có khoản nợ ngân hàng lên tới 640 tỷ đồng, trong đó có tới gần 630 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.
Quốc Cường Gia Lai bị tuýt còi vì chậm công bố hàng chục báo cáo
Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có thông báo xử phạt 70 triệu đồng với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có thông báo xử phạt 70 triệu đồng với Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Theo thông báo, QCG đã công bố không đúng thời hạn hơn 20 báo cáo, nghị quyết hội đồng quản trị trên trang thông tin điện tử của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM.
Một số báo cáo được nhắc tới như: Báo cáo tài chính (BCTC) quý 1/2017, quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm kế toán trưởng, Công bố thông tin về việc từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát , BCTC bán niên đã soát xét năm 2017, BCTC quý 4/2017, Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2017, BCTC quý 1/2018, BCTC quý 2/2018,...
Trước đó, hồi cuối năm 2018, QCG đã bị Sở GDCK TP.HCM nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường vì lỗi chậm công bố thông tin về loạt giao dịch trị giá 3.200 tỷ đồng mà Quốc Cường Gia Lai.
Báo cáo quý 1 của Quốc Cường Gia Lai cho thấy, công ty đạt 378 tỷ đồng doanh thu và hơn 6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 87% so với cùng kỳ, chỉ đạt 3% kế hoạch lợi nhuận).
Thu khủng từ đồng hồ, đại gia Thế Giới Di Động bán thêm mắt kính
Theo kết quả mới công bố, sau 5 tháng đầu năm, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đạt doanh thu thuần hợp nhất 42.784 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.792 tỷ đồng. Những con số này lần lượt tăng 15% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về kết quả thử nghiệm việc bán đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 18 cửa hàng Thế giới Di động và Điện máy xanh, theo báo cáo, trung bình mỗi tháng, một cửa hàng bán ra trên 500 đồng hồ, tương ứng với mức doanh thu từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.
Trung bình mỗi tháng, một cửa hàng của Thế Giới Di Động bán ra trên 500 đồng hồ, tương ứng với mức doanh thu từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, sau thử nghiệm bán đồng hồ, Thế Giới Di động đã tiếp tục thử nghiệm kinh doanh mắt kính tại cửa hàng đầu tiên ở TP.HCM. Lãnh đạo công ty này cho biết, ngoài mục đích tăng doanh thu, mắt kính và đồng hồ có thể kéo thêm khách hàng đến với các điểm bán, qua đó giúp ngành hàng điện thoại tăng trưởng thêm.
Năm 2019, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu thu hơn 108.000 tỷ và lãi ròng hợp nhất 3.571 tỷ đồng.
Ông Đào Ngọc Thanh phủ nhận việc tẩu tán tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng
Tuần qua, Đại hội cổ đông thường niên của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) đã diễn ra.
Tại đây, một số cổ đông đã lên tiếng cho rằng An Quý Hưng-cổ đông lớn nhất của của VCG, đang có nợ lớn và nghi ngờ việc ban lãnh đạo tẩu tán tài sản tại VCG để chuyển tiền về An Quý Hưng.
Trả lời sau đó, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Vinaconex phủ nhận việc này. Theo ông, đầu năm 2019, số dư tiền mặt của tổng công ty là 1.840 tỷ đồng. Sau khi tạm ứng cổ tức 441 tỷ và mua trái phiếu 140 tỷ đồng, hiện số dư tiền mặt là 1.811 tỷ đồng.
Ông khẳng định chưa ký bất cứ hợp đồng nào gây thiệt hại cho cổ đông và doanh nghiệp. Ông lấy ví dụ trường hợp dự án 1.000 tỷ đồng tại Bình Định có thể mang về 100-120 tỷ đồng lợi nhuận nhưng cũng chưa hề phê duyệt.
Bloomberg dẫn thông tin cho thấy Vietnam Airlines đang xem xét đặt hàng mua 50 chiếc máy bay và quyền chọn (option) mua 50 chiếc khác.