Đại gia tuần qua: Lên như diều gặp gió, ông chủ "Samsung của Việt Nam" làm nên lịch sử
Ngày 21/2 là phiên giao dịch đáng nhớ của ông Phạm Nhật Vượng khi nhóm bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) đột phá mạnh mẽ giúp ông Vượng ghi dấu lịch sử.
Cổ phiếu tăng vũ bão, ông Phạm Nhật Vượng giàu chưa từng thấy
Phiên giao dịch ngày 21/2, VIC đã tăng mạnh 1.900 đồng/cp lên mức giá cao kỷ lục 118.400 đồng/cp. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng ghi nhận kịch trần khi có thêm 6.300 đồng lên 96.700 đồng/cp. Trong khi ấy, Vincom Retail (VRE) tăng 5,9% lên 34.000 đồng/cp.
Theo tính toán, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng có thể gần đạt 8 tỷ đô, mức cao nhất từ trước tới nay.
3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) đột phá mạnh mẽ giúp ông Vượng ghi dấu lịch sử.
Trước đó, theo tính toán của Forbes, khối tài sản của ông Vượng là 7,7 tỷ USD, xếp thứ 195 trong số những người giàu nhất hành tinh.
Gần đây, cái tên Phạm Nhật Vượng cũng được nhắc tới khi 8world News - kênh truyền hình của Channel NewsAsia (CNA), thuộc Tập đoàn truyền thông danh tiếng Singapore (Mediacorp) làm chương trình về kinh tế Việt Nam. Chương trình thậm chí nhắc tới ý kiến: Nhiều người ví Vingroup là “Samsung của Việt Nam”.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn 51% cổ phần của Trung Nguyên
Phiên xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo gây xôn xao dư luận tuần qua.
Đáng chú ý, bà Thảo đề nghị rút đơn ly hôn, đề nghị tòa xem xét việc phân chia tài sản. Tuy nhiên, ông Vũ không đồng ý, đề nghị tòa tiếp tục giải quyết ly hôn.
Ông Vũ đề nghị chia tài sản 70/30 nhưng bà Thảo không chấp nhận. Luật sư của bà Thảo đưa ra phương án mới, đề nghị tòa chia cho bà Thảo 51% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, ông Vũ nhận 49 % cổ phần công ty này. Ngoài ra, đại diện cho bà Thảo cũng đề xuất chia đôi cổ phần đối với những công ty khác.
Về phương án ông Vũ đề nghị cấp dưỡng 10 tỷ đồng/năm/4 người con, bà Thảo cho biết đồng ý và đề nghị làm rõ hơn là ông Vũ sẽ cấp dưỡng đến thời điểm nào.
Hé lộ nhà đầu tư bỏ hơn 1.000 tỉ đồng mua Masan
Arnolis Investment Pte.Ltd - Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore đã mua vào gần 14 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan. Thương vụ này giúp Arnolis Investment tăng tỷ lệ sở hữu từ 4,47% lên 5,67% vốn và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Thị trường trước đó đã đổ dồn vào MSN khi cổ phiếu này ghi nhận nhiều giao dịch thỏa thuận đột biến.
Trước đó, đúng vào Lễ tình nhân (14/2), thị trường đổ dồn vào MSN khi cổ phiếu này ghi nhận nhiều giao dịch thỏa thuận đột biến tổng cộng hơn 14 triệu cổ phiếu với giá bình quân 84.000 đồng/cổ phiếu.
Hồi cuối năm 2018, Tập đoàn SK Group cũng đã chi gần 11.000 tỉ đồng mua lại 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan với mức giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Sau giao dịch này, SK Group trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất nắm giữ 9,45% cổ phần của Masan.
Năm 2018, Masan ghi nhận doanh thu hơn 38.200 tỷ đồng doanh thu và 5.622 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Với năm 2019, mục tiêu doanh thu thuần khoảng 45.200-50.000 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18-31% so với năm trước.
Vua cá tra muốn mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup
CTCP Hùng Vương (Mã: HVG) trong tuần đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương cho biết, đến nay nợ của Hùng Vương đã giảm 70% so với thời điểm 2015, xuống 3.124 tỉ đồng.
Theo ông, mức thuế trong đợt rà soát thuế chống bán phá giá 14 (POR 14) của Hùng Vương sơ bộ bằng 0. Nhiều khả năng, mức thuế này sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp POR 14 được thông qua thành công, Hùng Vương dự kiến, năm 2020 công ty bắt đầu tăng trưởng nhanh và đạt doanh số 20.000 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Hùng Vương cho biết, đến nay nợ của Hùng Vương đã giảm 70% so với thời điểm 2015.
Ông Minh cho biết, trong giai đoạn khó khăn, Hùng Vương đã bán cổ phần tại công ty Việt Thắng cho Tập đoàn Vingroup với giá 520 tỷ đồng. Hai bên thoả thuận khi nào công ty hoạt động ổn định thì Vingroup sẵn sàng bán lại nhằm hỗ trợ khép kín quy trình từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu.
Thế giới Di động báo lãi khủng gấp rưỡi cùng kỳ
Trong tháng 1, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) có doanh thu thuần hợp nhất đạt 10.360 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 452 tỷ đồng. Những mức này tăng lần lượt 32% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty đã hoàn thành 10% kế hoạch doanh thu và 13% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2019.
Đáng chú ý tăng trưởng nhiều nhất về giá trị là chuỗi Điện máy xanh. Doanh thu trung bình 1 cửa hàng chuỗi điện máy lên tới trên 8 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo tính toán, tới tháng 1, MWG có 2.214 cửa hàng đang hoạt động bao gồm 1.029 cửa hàng Thế giới di động, 764 cửa hàng Điện máy xanh và 421 cửa hàng Bách hóa xanh.
Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư đầu năm, Ban lãnh đạo MWG cho biết, năm nay, công ty sẽ mở thêm cửa hàng mới chủ yếu là Điện máy xanh và Điện máy xanh mini.
Hoạt động trên nhắm tới mục tiêu ngành hàng điện máy chiếm khoảng 40% thị phần, là động lực tăng trưởng chính của MWG.
Với khối tài sản “khủng“ ngày càng lộ rõ, nhiều tỷ phú USD mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ được công nhận trong...