Đại gia tuần qua: Chìm trong thua lỗ nợ nần, "tổng tài" Fortex giở chiêu trò thao túng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex đã bị xử phạt do sử dụng tới 50 tài khoản để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.

Chủ tịch Fortex thao túng giá cổ phiếu khi công ty thua lỗ nợ nần

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát thông báo về việc xử phạt đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân - Fortex.

Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCKNN ban hành đã quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường (có địa chỉ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương (quận Gò Vấp, TPHCM) với mức phạt đối với mỗi cá nhân 600 triệu đồng. Tổng mức phạt với 2 cá nhân nói trên là 1,2 tỷ đồng.

Ông Lê Mạnh Thường.

Ông Lê Mạnh Thường.

Nguyên nhân được cho biết, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.

Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của 2 cá nhân nêu trên gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời, không có số liệu bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của 2 cá nhân này.

FTM từng là mã cổ phiếu gây rúng động trong giới đầu tư chứng khoán cách đây hai năm. Lúc đó, mã này đột ngột "rơi tự do" từ vùng giá 25.000 đồng xuống còn khoảng 3.000 đồng khiến 11 công ty chứng khoán và một ngân hàng bị thiệt hại nặng nề hàng trăm tỷ đồng do cho vay margin cổ phiếu này.

Con gái bà Trương Thị Lệ Khanh làm Giám đốc chiến lược của Vĩnh Hoàn

Hội đồng quản trị CCP Vĩnh Hoàn vừa quyết định bổ nhiệm bà Lê Ngọc Tiên làm Giám đốc khối chiến lược của công ty kể từ ngày 1/9. 

Bà Tiên là con gái của nữ tướng Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn. Tính đến cuối tháng 6, con gái của nữ hoàng cá tra không sở hữu cổ phiếu VHC nào trong khi bà Khanh nắm 43,16% vốn tại đây. Các thông tin cá nhân của vị tân giám đốc chưa được Vĩnh Hoàn công bố.

Con gái bà Trương Thị Lệ Khanh làm Giám đốc chiến lược của Vĩnh Hoàn.

Con gái bà Trương Thị Lệ Khanh làm Giám đốc chiến lược của Vĩnh Hoàn.

Hiện ban giám đốc của Vĩnh Hoàn gồm các vị trí tổng giám đốc, giám đốc thường trực, giám đốc tài chính, giám đốc sản xuất, giám đốc kinh doanh, giám đốc phát triển bền vững, giám đốc kinh doanh mảng Vinh Wellness và Vinh Agri và giám đốc công nghệ thông tin.

Tổng Giám đốc mới của Eximbank là ai?

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Eximbank đối với ông Trần Tấn Lộc.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Eximbank. NHNN chấp thuận nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Eximbank đối với ông Trần Tấn Lộc. Eximbank có trách nhiệm bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Trần Tấn Lộc theo đúng quy định.

"Ngân hàng đang đợi Hội đồng quản trị ra nghị quyết mới hoàn tất quy trình bổ nhiệm. Quá trình này sẽ nhanh thôi", nguồn tin từ Eximbank nói với Dân trí.

Ông Trần Tấn Lộc sinh năm 1969, được giới thiệu là có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả nợ gốc

Tập đoàn FLC mới công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 cho thấy lượng tiền và tương đương tiền tại ngày 30/6 năm nay là 132 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ so với số đầu năm.

Trong đó, dòng tiền từ hoạt động tài chính diễn biến khả quan nhất khi dương gần 1.500 tỷ. Cụ thể, tiền thu từ đi vay là 3.302 tỷ còn chi để trả nợ gốc là 1.801 tỷ.

So với cùng kỳ năm ngoái, FLC đi vay nhiều hơn, đồng thời giảm số trả nợ, dẫn tới dòng tiền từ hoạt động tài chính tăng thêm gần 1.900 tỷ và chuyển từ âm sang dương.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 2.665 tỷ, chủ yếu do FLC chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định, cho vay và góp vốn vào đơn vị khác. So với báo cáo tự lập, số liệu sau soát xét chênh lệch 533 tỷ.

Người đặt nền móng cho FRT rời ghế Phó Tổng Giám đốc

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT)  vừa miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc công ty đối với bà Trịnh Hoa Giang kể từ ngày 1/9 theo nguyện vọng cá nhân. Bà Giang là Thành viên HĐQT công ty từ tháng 3/2017.

Trước đó vào đầu tháng 8, bà Giang đã đăng ký bán 200.000 cổ phiếu FRT do nhu cầu tài chính cá nhân theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Dự kiến giao dịch diễn ra từ ngày 5/8 đến 3/9. Tỷ lệ sở hữu dự kiến giảm từ 0,5% xuống 0,24% vốn điều lệ.

Tạm tính theo mức giá cổ phiếu FRT chốt phiên 31/8 là 41.200 đồng, ước tính bà Giang có thể thu về 8,24 tỷ đồng nếu thoái thành công.

Nguồn: [Link nguồn]

7 nhà máy sản xuất oxy mini của đại gia Dũng lò vôi về tới Việt Nam

Chủ tịch Đại Nam nói rằng ưu tiên trước mắt là phủ kín Bình Dương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN