Đại gia tuần qua: Bầu Đức mất bao nhiêu tiền trong tuần qua?
Lùm xùm liên quan đến việc cổ phiếu HAG bị huỷ hay được giữ lại trên sàn HOSE khiến mã này giảm điểm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới tổng tài sản của bầu Đức.
Bầu Đức mất 448 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần
Những ngày qua, vụ cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc đang là tâm điểm của giới đầu tư. Nhiều ý kiến được đưa ra nhưng phần đông thiên về bảo vệ HAG và chê trách cơ quan chủ quản, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Hủy hay không hủy thì hệ quả của nó cũng ít nhiều tạo thành tiền lệ. Nếu cách giải quyết không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng tới việc quản lý doanh nghiệp niêm yết sau này.
Bầu Đức mất 448 tỷ đồng chỉ trong 1 tuần.
Trước mắt, kể từ khi thông tin này nổ ra, tính chung trong tuần qua cổ phiếu của bầu Đức đã mất gần 11,2% giá trị. Đưa mức giảm chung qua 1 tháng lên tới 20,8%. Điều này khiến tài sản của các cổ đông nắm giữ cổ phiêu này sụt giảm mạnh. Và ngay chính ông Đoan Nguyên Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ tính trong tuần qua ông Đức đã mất tới 448 tỷ đồng.
Thẩm định dự án hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn
ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch của IPP Air Cargo - cho biết sau buổi làm việc giữa doanh nghiệp và nhà chức trách hàng không Việt Nam, công ty cần bổ sung một số giải trình về dự án rõ ràng hơn, kết quả thẩm định sẽ có vào tuần tới.
Còn theo lãnh đạo Cục Hàng không, Cục đã trao đổi toàn bộ các yêu cầu về giải trình dự án cho lãnh đạo của IPP Air Cargo, tuy nhiên chưa thể đưa ra thời điểm dự kiến có thể cấp phép bay cho hãng.
Dự án hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn bị thẩm định.
"Cục Hàng không đã làm thủ tục đúng quy định, đúng thời gian giải quyết thủ tục hành chính, còn khi nào cất cánh còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Hy vọng mọi việc suôn sẻ thì hãng có thể sớm cất cánh", vị này cho hay.
Nếu được Bộ GTVT chấp thuận, dự án sẽ tiếp tục được trình Thủ tướng để phê duyệt bước cuối cùng. Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. Theo kế hoạch, hãng sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng trong năm đầu tiên hoạt động. Đến năm thứ 2, đội bay của hãng sẽ tăng lên 7 chiếc và năm thứ 3 tăng lên 10 chiếc.
Ông Trịnh Văn Quyết nhận cổ tức hơn 110 tỷ đồng
Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán: GAB) vừa thông báo đã phát hành hơn 1,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 8%.
Ngày kết thúc đợt phát hành vào ngày 17/1 và thời gian chuyển giao cổ phiếu dự kiến ngay trong quý I/2022. Số cổ phiếu này sẽ được phân phối cho tổng cộng 184 cổ đông.
Theo cơ cấu sở hữu, hiện ông Trịnh Văn Quyết đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51,09% vốn công ty, tương ứng hơn 7 triệu cổ phiếu. Như vậy ông Quyết được nhận hơn một nửa số cổ tức trên và tăng tổng lượng nắm giữ lên 7,6 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó sau đợt phân phối này, lượng cổ phiếu của GAB trên thị trường tăng từ 13,8 triệu đơn vị lên 14,9 triệu đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ mới 149 tỷ đồng.
Bà Lương Thị Cẩm Tú lại làm chủ tịch Eximbank
Hội đồng Quản trị mới của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) đã thống nhất bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT giữ chức chủ tịch ngân hàng nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Trước đó, bà Tú là một trong 7 nhân sự được cổ đông Eximbank bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần 2 diễn ra ngày 15/2 vừa qua. Đáng chú ý, bà Tú là nhân sự duy nhất trong HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ cũ được bầu vào nhiệm kỳ mới.
Thực tế, đây là lần thứ 2 bà Tú ngồi ghế chủ tịch Eximbank, trước đó, bà đã được HĐQT nhiệm kỳ trước của Eximbank bầu vào vị trí này hồi tháng 3/2019 thay cho ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, đến tháng 5, HĐQT ngân hàng đã thông qua việc chấm dứt hiệu lực nghị quyết bầu bà Tú làm chủ tịch.
Bà Lương Thị Cẩm Tú tham gia Eximbank với tư cách là Thành viên HĐQT từ tháng 4/2018. Bà cũng là người duy nhất trong số 4 ứng viên được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank thời điểm đó.
SSI của Shark Hưng vay số tiền "khủng" 10.000 tỷ đồng
CTCP chứng khoán SSI của tỷ phú Nguyễn Duy Hưng cho biết đã ký thành công hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng - tương đương hơn 440 triệu USD - với một ngân hàng TMCP Nhà nước.
Đây là hợp đồng hạn mức tín dụng có giá trị lớn nhất của SSI đến thời điểm hiện tại. Trước đó, SSI cũng đã có khoản vay tín chấp nước ngoài rất lớn, lên tới 267,5 triệu USD tính riêng trong năm 2021.
Được biết, nguồn vốn sẽ được phân bổ vốn vào các hoạt động kinh doanh, các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá từ các định chế tài chính, hoạt động tự doanh trái phiếu niêm yết...
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản SSI đạt 50.359 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 13.887 tỷ đồng. Ngày 10/1/2022, Đại hội đồng cổ đông Công ty cũng đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên gần 15.000 tỷ đồng.
Mới đây, chia sẻ tại một sự kiện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, nhà đầu tư Mỹ đã đồng ý rót 10 tỷ USD vào các dự án...
Nguồn: [Link nguồn]