Đại gia lao đao vì "xây nhà trên đất người khác"
“Đừng xây nhà trên đất người khác, hãy xây nhà trên đất mình” - ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1.
Dồn các nguồn lực đầu tư và kinh doanh dựa vào nền tảng của người khác, một khi mối quan hệ hợp tác bị cắt đứt, nhiều doanh nghiệp lao đao. Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí bị người tiêu dùng quay lưng.
Cuộc tháo chạy
Những ngày gần đây, người sở hữu điện thoại Huawei (Trung Quốc) rối bời trước câu hỏi có nên tiếp tục sử dụng hay bán rẻ để đổi điện thoại khác. Nguyên nhân đến từ lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các công ty nước này không được cung cấp phần mềm và phần cứng cho Huawei.
Chỉ bằng động thái này, người dùng có thể hiểu họ không thể cập nhật các tính năng mới nhất của hệ điều hành Android mà Huawei đang sử dụng. Đặc biệt nếu khách hàng mua các thế hệ máy mới Huawei sẽ không thể truy cập vào các ứng dụng như Google, Gmail, YouTube hay Google Map, những phần mềm gần như không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày.
Cuộc khủng hoảng của Huawei không có gì quá khó hiểu khi toàn bộ phần mềm và phần cứng phụ thuộc quá nhiều đối tác nước ngoài. Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt cũng rơi vào trường hợp tương tự như Huawei khi đặt trứng vào một rổ.
Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Yeah1. Tại đại hội cổ đông mới đây, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, cảm thán: “Sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn. Bài học mà Yeah1 phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng, bài học để tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tại sao lại phụ thuộc vào một đối tác. Đây là bài học với Yeah1 khi sự cố xảy ra không chỉ ảnh hưởng hệ thống đa kênh mà còn khiến các đối tác ở mảng khác quan ngại”.
Lên sàn với mức giá cổ phiếu cao kỷ lục vượt mặt các đại gia Sabeco hay Vinamilk nhưng cũng là doanh nghiệp mất giá trị cực nhanh trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân do Yeah1 phụ thuộc quá lớn vào mảng kinh doanh đa kênh MCN trên nền tảng YouTube để kiếm tiền. Khi YouTube cắt đứt hợp tác, dẫn đến Yeah1 mất mát quá nhiều thứ từ doanh thu, ảnh hưởng thương hiệu và cả việc cắn răng bán lại những món hời đã mua trước đó vì không nền tảng để sử dụng. Yeah1 được ví như là một tòa nhà đồ sộ xây dựng trên nền đất yếu.
Một đại gia trong ngành dệt may là Công ty Cổ phần Dệt may, đầu tư và thương mại Thành Công (TCM) cũng rất thấm thía bài học này. Vào cuối năm 2018, một khách hàng lớn của TCM tại Mỹ là Sears Holding đệ đơn phá sản khiến khoản doanh thu bán hàng cho đối tác này bị đóng băng. Đó là chưa kể mất đi khoản thu nhập kỳ vọng trong tương lai. Đây là sự thiệt hại nặng nề bởi tính riêng năm 2017, Sears Holding đã đem về doanh thu gần 220 tỉ đồng cho TCM.
Hiện nay, TCM đang “chết” khoản phải thu gần 100 tỉ đồng từ Sears Holding do phải chờ phán quyết của tòa án Mỹ. Đứng trước tình thế này, TCM đã buộc trích lập dự phòng rủi ro cho khoản phải thu, ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận công ty. Đại diện TCM thừa nhận chỉ có khả năng thu hồi 40%-50% khoản phải thu này sau khi tòa án Mỹ ra phán quyết.
Chủ tịch HĐQT Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho rằng sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn. Ảnh: TL.
Liệu có lật ngược được tình thế
Một số chuyên gia nhìn nhận mô hình kinh doanh của Yeah1 là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới mạng nhưng tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu không cân bằng giữa phát triển và kiểm soát chặt chẽ hệ thống. Mặt khác, sự cố xảy ra với Yeah1 cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi bước chân ra “biển lớn”, bắt tay với những ông lớn trên thế giới.
“Có thể bằng việc nắm bắt nhanh xu hướng, công ty tăng trưởng rất nhanh và bắt đầu tập trung nguồn lực đầu tư để mở rộng quy mô. Song mọi nguồn lực bỏ ra lại phụ thuộc vào YouTube và một khi đối tác này thay đổi chính sách, toàn bộ hệ thống kinh doanh Yeah1 gặp khó khăn” - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận.
Tuy vậy, ông Hiếu cũng cho rằng nếu một công ty có nền tảng tốt thì hoàn toàn có thể xây dựng lĩnh vực kinh doanh mới giúp tăng cơ hội thành công nhờ chọn đúng những khoản đầu tư hợp lý. Ví dụ gần đây, sau khi thấy khả năng không thể tiếp tục hợp tác với YouTube, Yeah1 đã có những bước đi khá tích cực.
Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng rút ra bài học: “Đừng xây nhà trên đất người khác, hãy xây nhà trên đất của mình. Vì thế Yeah1 đang xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên nền tảng sẵn có để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và khai thác hết giá trị hệ sinh thái đang có”.
Chẳng hạn mới đây Yeah1 đã mua chương trình thiếu nhi Nickelodeon. Bằng hệ sinh thái sẵn có, chỉ trong vòng một tháng đã đẩy lượt view lên 6 triệu/ngày và thu về 25.000 USD hay làm nội dung để quảng cáo trên nền tảng Facebook.
Tương tự, Tập đoàn TCM cũng cho hay sẽ tái cấu trúc biên lợi nhuận, chuyển từ khách hàng có biên lợi nhuận thấp sang khách hàng có biên lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán Phú Hưng dự báo trong giai đoạn 2019, hoạt động kinh doanh của TCM vẫn tích cực nhờ kỳ vọng từ các hiệp định thương mại tự do. Hơn nữa tiềm năng tăng trưởng của ngành dệt may còn khá lạc quan, nhất là khi công ty là đơn vị đầu ngành và sở hữu lợi thế từ chuỗi sản xuất khép kín.
Rủi ro là khó tránh khỏi nhưng… Một số chuyên gia cho rằng rủi ro của Yeah1 nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào hai nền tảng Facebook và Google. Tuy nhiên, không chỉ Yeah1 mà rất nhiều công ty khác cũng đang có nguy cơ rủi ro như vậy. Ví dụ, các công ty chuyên làm đại lý quảng cáo cho Google, Facebook. Vì vậy câu chuyện Yeah1 cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều công ty Việt. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong kinh doanh rủi ro là chuyện khó đoán trước và tất cả khoản đầu tư đều tiềm ẩn rủi ro. Do đó, triết lý “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ” vẫn luôn đúng và doanh nghiệp phải ý thức về việc phân tán các khoản đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Một ví dụ điển hình là nhiều công ty xuất khẩu thủy sản từng tập trung vào thị trường Mỹ đã có thời gian lao đao, không thể bán hàng qua đây vì các hàng rào kỹ thuật mà quốc gia này đặt ra. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên hiểu rằng dù lĩnh vực đầu tư kinh doanh được đa dạng hóa đến đâu vẫn có nguy cơ rủi ro vì rủi ro thị trường là rủi ro không loại bỏ được bằng đa dạng hóa. Song việc phân tán đầu tư cũng giúp tăng cơ hội thành công nếu chọn đúng những khoản đầu tư hợp lý” - ông Hiếu nói. Điện thoại Huawei bị bán tháo Mới đây các ông lớn như Google, Intel, Qualcomm… đã tạm ngừng hợp tác với Huawei. Trước động thái này, trên một trang web trao đổi điện thoại phổ biến tại Anh, Huawei P30 Pro hiện chỉ còn 130 USD, mất gần 90% giá trị. Tình trạng bán tháo các sản phẩm Huawei cũng xảy ra tương tự tại Việt Nam sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại. Trên một số diễn đàn, nhiều người dùng tháng trước mua điện thoại Huawei hàng chục triệu đồng, giờ bán chỉ còn 3-4 triệu đồng. |
Trong nghị quyết mới nhất công bố vào tối 8-3, Yeah 1 cho biết HĐQT đã thông qua chủ trương nhượng lại 100% cổ phần ScaleLab...