Đại gia ém thông tin xấu, nhà đầu tư lãnh đủ
Không ít doanh nghiệp cố tình công bố thiếu, chậm, đưa tin sai lệch có chủ đích nhằm đánh lừa nhà đầu tư.
Một loạt công ty lớn trên sàn chứng khoán buộc phải “thú tội” về các vi phạm thuế, giao dịch ngầm, thao túng… Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng đã thua lỗ nặng nề vì tin cổ phiếu doanh nghiệp mình mua là đang tốt và sạch.
Tự thú
Vào những ngày cuối năm 2018, nhiều đại gia từ ngân hàng cho đến bất động sản dính đến việc chậm công bố thông tin, một yếu tố quan trọng để tạo ra sân chơi minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, Ngân hàng Vietcombank đã phát đi thông báo trên thị trường chứng khoán khẳng định đã hoàn tất nộp gần 1,8 tỉ đồng cho cơ quan thuế. Điều đáng nói là số tiền này đã được Vietcombank nộp từ năm 2017 vì các vi phạm liên quan đến truy thu thuế giá trị gia tăng, kê khai sai thuế, chậm nộp thuế.
Theo bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, nguyên nhân chậm công bố thông tin kết luận Tổng cục Thuế là do số liệu điều chỉnh liên quan đến một số chi nhánh trong hệ thống. Cụ thể, tại thời điểm nhận quyết định, ngân hàng chưa phối hợp được với các đơn vị trong hệ thống để rà soát, đối chiếu đảm bảo khớp đúng số liệu trước khi có phương án xử lý và thực hiện công bố thông tin.
Nếu như Vietcombank đã chấp hành nộp phạt thuế rồi mới công bố thông tin, thì Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long bị cơ quan thuế mạnh tay phát văn bản yêu cầu nộp thuế và buộc phải công bố thông tin lên sàn chứng khoán. Nam Long còn bị xử phạt hành chính hơn 45 triệu đồng và truy thu thuế giá trị gia tăng hơn 205 triệu đồng, truy thu tiền chậm nộp thuế 29,5 triệu đồng.
Một cách tương tự, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt gần đây công bố đã nộp đủ tổng số tiền phạt gần 885 triệu đồng tiền thuế từ năm 2017. Hoàng Anh Gia Lai cũng chỉ công bố thông tin số tiền nộp phạt liên quan đến thuế là 55 tỉ đồng sau khi bị Cục Thuế tỉnh Gia Lai phong tỏa tài khoản ngân hàng.
Các công ty lên sàn cần minh bạch và cập nhật thông tin về hoạt động kinh doanh để tăng niềm tin cho nhà đầu tư. Ảnh: TL
Tuy nhiên, điều khiến thị trường choáng váng nhất là việc Quốc Cường Gia Lai công bố thông tin về loạt giao dịch trị giá 3.200 tỉ đồng, mà những giao dịch này thực hiện trước đó từ rất lâu (giai đoạn 2013-2017). Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, thừa nhận do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế và hiểu chưa đúng về nội dung, thời hạn công bố thông tin nên không tránh khỏi thiếu sót.
Gây thiệt hại cho nhà đầu tư
Chị Mai Phương, một nhà đầu tư mua cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai, nói thông thường đại hội cổ đông thường niên tổ chức mỗi năm một lần, trong khi các giao dịch mua bán diễn biến trước đó không được công bố thông tin kịp thời sẽ khiến các nhà đầu tư đánh giá không đúng giá trị cổ phiếu để mua bán. Do đó, chỉ những người trong cuộc, nội bộ công ty biết thông tin này hưởng lợi, ngược lại những nhà đầu tư bên ngoài sẽ bị thiệt hại nặng nề vì “mù” thông tin.
Chị Phương dẫn chứng câu chuyện trước đây khi thị trường biết thông tin Quốc Cường Gia Lai được một tập đoàn Hong Kong mua lại dự án Phước Kiển. Ngay sau đó, giá cổ phiếu công ty tăng mạnh từ mức giá chưa đầy 10.000 đồng/cổ phiếu lên mức hơn 20.000 đồng. Nhà đầu tư mua vì kỳ vọng rằng công ty có khoản lợi nhuận bất thường lớn trong năm.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho hay tính tới hết ngày 31-12-2018, cơ quan này đã xử phạt hành chính đối với 397 trường hợp vi phạm liên quan đến chứng khoán với tổng tiền phạt là 21 tỉ đồng. |
Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai không hề phát đi một thông tin nào liên quan đến vấn đề này. Chỉ khi đại hội cổ đông diễn ra, công ty mới tiết lộ đối tác Hong Kong không mua lại dự án Phước Kiển mà chỉ cho mượn 50 triệu USD để tất toán các khoản nợ ngân hàng của dự án này.
“Ngay lập tức thị trường phản ứng, cổ phiếu công ty mất giá mạnh, rớt xuống vùng giá 5.000 đồng. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu ở vùng giá 20.000 đồng đã bị thua lỗ nặng nề, còn những người nắm thông tin chính xác đã lời lớn” - chị Phương kể.
Trước vi phạm này của Quốc Cường Gia Lai, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) khẳng định rằng việc chậm công bố và công bố thiếu sót thông tin này đã gây ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư. Tuy vậy, HOSE cũng chỉ có quyết định nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường đối với Quốc Cường Gia Lai.
Theo một chuyên gia chứng khoán, tuy không ít công ty vi phạm kiểu như trên nhưng mức chế tài hiện còn nhẹ nên không có tính răn đe. “Thị trường chứng khoán có yếu tố liên quan đến kỳ vọng và cực kỳ nhạy cảm trước các thông tin tốt hay xấu. Các doanh nghiệp có khuynh hướng muốn che giấu cái xấu để giữ giá cổ phiếu và chỉ khi bị thúc ép mới công bố thì lúc đó các nhà đầu tư đã thiệt hại ít nhiều. Do đó, cần có chế tài nghiêm khắc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư và nâng cao tính minh bạch của thị trường” - vị chuyên gia này nói.
Lừa nhà đầu tư Trong một đánh giá, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nhận định tính minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây đã có sự cải thiện thông qua hàng loạt biện pháp và chế tài của cơ quan quản lý như tăng cường yêu cầu công bố thông tin từ phía các doanh nghiệp niêm yết; tăng mức phạt với các doanh nghiệp sai quy trình công bố thông tin… Tuy nhiên, nếu so với chuẩn mực của quốc tế thì mức độ minh bạch thông tin trên sàn chứng khoán Việt Nam còn yếu. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp công bố lãi xong rồi một thời gian sau lại ra kết quả kinh doanh chính thức là bị lỗ, khiến cho giá cổ phiếu bị sụt giảm nhanh chóng, gây thiệt hại to lớn cho nhà đầu tư. “Rõ ràng các doanh nghiệp này đã không thực hiện đúng quy trình, chuẩn mực công bố thông tin, cố tình công bố thiếu, chậm, đưa tin sai lệch có chủ đích nhằm đánh lừa nhà đầu tư” - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nhấn mạnh. Mới đây, trao đổi với báo chí về công tác điều hành thị trường chứng khoán năm 2019, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Phạm Hồng Sơn khẳng định thao túng, nội gián, công bố thông tin sai… trên thị trường chứng khoán là có thật. Quan điểm của ủy ban Chứng khoán nhà nước là tới đây sẽ xử lý nghiêm một số vụ để thị trường đi vào nề nếp hơn, xử lý những “con sâu” để thị trường được minh bạch. |