Đại gia công nghệ sẽ hết cửa thao túng?
Anh sẽ áp đặt cơ chế cạnh tranh mới vào năm 2021 nhằm ngăn Facebook và Google lấn át các công ty công nghệ nhỏ và gây bất lợi cho người tiêu dùng trên thị trường quảng cáo trực tuyến
Các quy định cạnh tranh mới sẽ do Đơn vị thị trường kỹ thuật số thuộc Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) thực thi.
Theo hãng tin Reuters, CMA cho biết 2 tập đoàn Mỹ là Google và Facebook hiện chiếm khoảng 80% trong tổng số 14 tỉ bảng Anh (tương đương 18,7 tỉ USD) được chi cho quảng cáo kỹ thuật số tại Anh trong năm 2019.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Anh Oliver Dowden nhận định các nền tảng trực tuyến mang lại lợi ích cho xã hội nhưng sự thống trị của một số ít "ông lớn" đang hạn chế sự tăng trưởng của lĩnh vực này, làm giảm sự đổi mới và có tác động tiêu cực đến những người và doanh nghiệp dựa vào họ.
Theo quy định mới, các công ty công nghệ sẽ phải minh bạch hơn về cách sử dụng dữ liệu của người dùng và không được phép cản trở khách hàng dùng các nền tảng đối thủ. Đồng thời, các quy định mới cũng hỗ trợ ngành công nghiệp tin tức, tái cân bằng mối quan hệ giữa các cơ quan xuất bản và các nền tảng thông tin.
Google cùng với Facebook được dự báo kiểm soát hơn 70% thị trường quảng cáo kỹ thuật số trong năm 2020 Ảnh: REX
Đơn vị thị trường kỹ thuật số nói trên dự kiến được thành lập vào tháng 4 năm sau, có thể được trao quyền đình chỉ, ngăn chặn và đảo ngược các quyết định do các công ty công nghệ đưa ra và áp dụng các hình phạt tài chính nếu họ không tuân thủ.
Theo hãng tin AP, các biện pháp nói trên là một phần trong nỗ lực lớn hơn của các chính phủ ở Mỹ và châu Âu nhằm hạn chế ảnh hưởng quá lớn của các công ty công nghệ đa quốc gia. Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này cũng công bố các đề xuất nhằm giành quyền kiểm soát dữ liệu từ các công ty công nghệ và dự kiến trong tháng tới công bố chi tiết cuộc cải tổ sâu rộng về các quy định kỹ thuật số.
Tại Pháp, Bộ Tài chính nước này hôm 25-11 cho biết đã gửi thông báo đến Facebook và trang thương mại điện tử khổng lồ Amazon (Mỹ) để yêu cầu đóng thuế kỹ thuật số vào tháng 12 tới bất chấp nguy cơ trả đũa từ Mỹ.
Theo Reuters, hồi năm ngoái, Pháp đánh thuế 3% lên doanh thu của các công ty kỹ thuật số đạt doanh thu hơn 25 triệu euro tại Pháp và 750 triệu euro trên toàn cầu. Khoản thuế này mang về cho ngân sách của Pháp khoảng 400 triệu euro.
Chính phủ Pháp ban đầu đồng ý hoãn thu thuế năm 2020 để đổi lấy cam kết của Mỹ về việc hủy đánh thuế trả đũa. Đến nay, Mỹ vẫn chỉ trích các khoản thuế nhắm vào các công ty Mỹ là không công bằng.
Pháp cho hay sẽ rút quy định thuế nói trên ngay khi các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đang tiến hành đạt được thỏa thuận về thuế xuyên biên giới trong kỷ nguyên thương mại điện tử.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi các cuộc đàm phán nói trên và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hy vọng chính quyền của ông Joe Biden, người được truyền thông dự đoán đắc cử tổng thống Mỹ, sẽ tái tham gia.
Bên cạnh thuế và quảng cáo trực tuyến, việc bảo mật thông tin người dùng cũng rất được quan tâm. Hôm 25-11, Ủy ban Bảo vệ thông tin cá nhân Hàn Quốc (PIPC) đã phạt Facebook 6,7 tỉ won (tương đương 6,06 triệu USD) và yêu cầu điều tra hình sự gã khổng lồ này với cáo buộc cung cấp thông tin cá nhân của ít nhất 3,3 triệu người dùng nước này cho bên thứ ba từ tháng 5-2012 đến tháng 6-2018.
Úc hồi tháng 7 cũng công bố dự luật buộc Google và Facebook trả tiền nếu muốn dùng nội dung tin tức của các công ty truyền thông nước mình.
Sáng nay, giá vàng lại lao xuống đáy, nhiều người hoài nghi một số nhà đầu tư lợi dụng dịp Black Friday để thao túng...
Nguồn: [Link nguồn]