Đại gia bất động sản lớn nhất Trung Quốc rơi vào bế tắc vì "ôm" nợ hơn 305 tỷ USD
Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới với 305 tỷ USD nghĩa vụ nợ.
Ảnh: Reuters
Sau khi ăn mừng vì thoát hiểm “trong gang tấc” một thảm hoạ tài chính chưa lâu thì chỉ mấy tháng sau, tỷ phú địa ốc Trung Quốc Hứa Gia Ấn lại rơi vào tình trạng khủng hoảng.
Nỗi lo mới về sức khoẻ tài chính của China Evergrande Group – công ty bất động sản mà ông Hứa nắm quyền kiểm soát, khiến giá cổ phiếu của công ty này rớt về gần mức đáy thiết lập vào tháng 3/2020.
Chỉ trong vòng 12 tháng, giá cổ phiếu của tập đoàn lao dốc 70%. Trái phiếu bằng đồng USD rớt giá xuống mức thấp kỷ lục.
Trong phiên giao dịch hôm 27/7, giá cổ phiếu của công ty lao dốc 13% sau khi Evergrande quyết định không trả cổ tức đặc biệt.
Với 1,95 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 305 tỷ USD) nghĩa vụ nợ (trong đó có trái phiếu USD nằm trong danh mục của các nhà đầu tư từ Hồng Kông, London tới New York) Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới.
Ngoài ra, công ty này cũng là một trong những doanh nghiệp vay nợ có tầm quan trọng lớn nhất đối với hệ thống ở Trung Quốc.
Trong trường hợp China Evergrande "xảy ra chuyện", một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể loang rộng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc, thậm chí xa hơn.
“Nếu Evergrande gặp rắc rối, việc đó chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản và toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc nói chung”, giáo sư Lan Deng thuộc Đại học Michigan, một người nghiên cứu về ngành địa ốc Trung Quốc, nhận định.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có cứu trợ China Evergrande nếu ông Hứa hết lựa chọn hay không? Giải cứu một công ty lớn, ảnh hưởng như Evergrande sẽ ngăn chặn một vụ sụp đổ tốn kém. Nhưng điều đó cũng ngầm dung túng cho kiểu vay nợ liều lĩnh.
Các quan chức của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính (FSDC) đã thúc giục ông Hứa Gia Ấn giải quyết vấn đề nợ của tập đoàn càng nhanh càng tốt.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các quan chức FSDC đã yêu cầu ông Hứa tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Mục đích là ổn định tài chính cho gã khổng lồ bất động sản. Bắc Kinh muốn tránh những cú sốc lớn đối với nền kinh tế.
Bên cạnh đó, vẫn có lý do để tin rằng Bắc Kinh, các tỉnh, hoặc những doanh nghiệp quốc doanh không để Evergrande sụp đổ hoàn toàn.
Tuần trước, Phó thị trưởng của một thành phố ở Trung Quốc đã thúc giục các doanh nghiệp đẩy mạnh cổ phần trong Shengjing Bank. Evergrande giữ 36% cổ phần tại đây.
Nguồn: [Link nguồn]
Nằm trên tầng 60 và 61 của tòa chung cư danh giá nhất Manhattan, căn biệt thự mới của tỷ phú Joe Tsai là niềm mơ ước của...