Đại chiến Vinasun-Grab: Grab bồi thường là không có cơ sở?

Mới đây, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM vừa có quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện KSND TPHCM.

Cụ thể, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Theo Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kết quả thẩm tra, xét hỏi, tranh luận trong phiên tòa sơ thẩm có đủ căn cứ xác định: Grab là đơn vị hoạt động vận chuyển hành khách không vi phạm pháp luật. Grab là đơn vị vận chuyển hành khách được cơ quan có thẩm quyền Nhà nước cho phép theo quy định của pháp luật, trên cơ sở Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Đại chiến Vinasun-Grab: Grab bồi thường là không có cơ sở? - 1

Đại diện Vinasun tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh Văn Minh

Ngoài ra, về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng bản án sơ thẩm căn cứ vào Chứng thư giám định của Công ty giám định Cửu Long kết luận Grab gây thiệt hại cho Vinasun, từ đó chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun là không có cơ sở, phiến diện.

Thực chất, sự tụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun (nếu có) liên quan đến nhiều yếu tố khách quan, chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình vận tải….tức không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật với thiệt hại xảy ra.

Do đó, theo Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, bản án sơ thẩm buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun là không có căn cứ.

Đại chiến Vinasun-Grab: Grab bồi thường là không có cơ sở? - 2

Đại diện Grab tham gia phiên tòa sơ thẩm. Ảnh Văn Minh

Trước đó, ngày 28/12/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) TPHCM (TAND TPHCM) tuyên Cty TNHH Grab (gọi tắt là Grab) bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun).

Sau đó, ngày 14/1/2019, Viện KSND TPHCM có quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm của TAND TPHCM giải quyết vụ án “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Vinasun và Grab.

Trong vụ án này, Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng Quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong việc hỗ trợ và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Đề án 24) để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Từ đó, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng, vào đầu tháng 2/2018.

Phía Grab cho rằng là một công ty công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Grab cho rằng hoạt động luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu có vi phạm hoặc không làm đúng Đề án 24 thì Bộ GTVT mới là cơ quan có thẩm quyền xử lý. Về số tiền phía nguyên đơn đòi bồi thường, Grab cho rằng không có căn cứ để xác định con số thiệt hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Minh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN