Cứu dự án BOT thua lỗ: Không thể “lời ăn, lỗ đổ lên đầu Nhà nước"
PGS.TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi: Nếu dự án BOT đó có doanh thu tốt, lợi nhuận cao vượt ngoài tính toán ban đầu, thì nhà đầu tư có bán lại cho Nhà nước hay không?
Vừa qua phát biểu trên nghị trường Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đã đề xuất việc Nhà nước mua lại các dự án BOT đường cao tốc, cầu đường bộ của nhà đầu tư tư nhân hiện đang bị lỗ, không cân đối được phương án tài chính của dự án.
Trước đó không lâu, đây cũng là một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo được Chính phủ gửi Quốc hội trước kỳ họp. Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đề xuất Nhà nước bỏ ra 10.342 tỷ đồng để xử lý bất cập tại 8 dự án BOT.
Đề xuất này một lần nữa khiến dư lần “dậy sóng” về một vấn đề vốn dĩ đã “rất nóng” của ngành GTVT trong suốt nhiều năm qua. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia tài chính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính.
NĐT: Thưa ông, mới đây đề xuất mua lại các dự án BOT giao thông thu phí kém hiệu quả tiếp tục được đề cập trên nghị trường Quốc hội. Ông đánh giá về tính khả thi và tác động của đề xuất này như thế nào?
PGS.TS Ngô Trí Long: Đề xuất này đã được Bộ GTVT đưa ra trước đó và thực tế vấp phải nhiều phản đối.
Chúng ta phải hiểu rằng BOT là hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, nhà đầu tư bỏ tiền ra làm dự án để kinh doanh thu hồi vốn có lợi nhuận rồi giao lại cho phía Nhà nước. Như vậy về nguyên tắc khi tham gia dự án BOT, nhà đầu tư đã phải tính toán được - mất cẩn thận, kỹ càng.
Vậy thì nếu việc thu phí trên thực tế không đươc như phương án tài chính là lỗi do nhà đầu tư. Đặt ngược lại vấn đề, nếu dự án BOT đó có doanh thu tốt, lợi nhuận cao thậm chí vượt ngoài tính toán ban đầu, thì nhà đầu tư có bán lại cho Nhà nước hay không?
Không thể có chuyện doanh nghiệp thua lỗ vì tính toán sai rồi lại đổ trách nhiệm lên Nhà nước và người dân được. Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn luôn nói với doanh nghiệp “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” vậy thì đề xuất theo kiểu “lời ăn, lỗ đổ trách nhiệm lên đầu Nhà nước” như vậy liệu có phải là rủi ro chia sẻ hay không? Liệu quan điểm của ĐBQH đã đủ khách quan hay chưa?
NĐT: Nhiều dự án BOT thua lỗ được đánh giá là do các nguyên nhân khách quan, điển hình như việc Nhà nước làm các đường song hành khiến lưu lượng xe sụt giảm. Vậy với những lỗi khách quan như vậy, việc mua lại dự án BOT đó có phải là điều cần thiết?
PGS.TS Ngô Trí Long: Trong trường hợp này tôi cho rằng phải xem xét liệu quy hoạch có bị thay đổi hay không? Nếu quy hoạch có từ trước khi nhà đầu tư tham gia làm BOT thì phải tuân thủ nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu”. Còn nếu quy hoạch bị thay đổi sau khi nhà đầu tư đã tham gia thì đó là phần trách nhiệm của Nhà nước mà trước hết là phải xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức làm thay đổi quy hoạch.
Quy hoạch phải mang tính lâu dài, ổn định để đảm bảo mức độ an toàn của nhà đầu tư, còn nếu làm sai quy hoạch, phá vỡ quy hoạch thì phải quy trách nhiệm cho người gây ra hậu quả. Không thể có chuyện một cá nhân làm sai rồi lấy đổ trách nhiệm cho Nhà nước để xóa nhòa mọi chuyện được.
Về phía hỗ trợ doanh nghiệp, cần tính toán cụ thể việc làm đường song song, thay đổi quy hoạch đã gây hậu quả bao nhiêu. Phải có những con số cụ thể chứ không thể đánh giá chung chung rồi đề xuất Nhà nước mua lại. Và trong trường hợp xác định được mức độ thiệt hại, Nhà nước cũng có nhiều phương pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như việc giảm thuế, ưu đãi tín dụng, tài chính,….chứ không nhất thiết phải mua lại dự án. Đó là chưa kể các biện pháp điều chỉnh mức phí thu, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP
Điều đáng nói là trong tổng số các dự án BOT giao thông đang gặp vướng mắc hiện nay, không phải dự án nào cũng có những lý do khách quan như vậy.
BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, thành phố Cần Thơ - một trong những dự án BOT giao thông thu lỗ được đề xuất mua lại.
NĐT: Các dự án BOT giao thông suốt trong nhiều năm qua luôn là bài toán khó giải của ngành giao thông? Theo quan điểm của ông cần làm gì để giải quyết căn cơ vấn đề này?
PGS.TS Ngô Trí Long: Tôi cho rằng, trước hết phải đánh giá kỹ tình trạng của từng dự án BOT giao thông, đặc biệt là nguyên nhân thua lỗ và cam kết trong hợp đồng BOT giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư tư nhân. Cần đánh giá tổng thể trong mỗi dự án thua lỗ đó, có bao nhiêu phần nguyên nhân đến từ phía chủ quan của nhà đầu tư, bao nhiêu phần nguyên nhân có liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước, có định lượng cụ thể.
Về phía hợp đồng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cam kết thế nào thì thực hiện đúng như vậy. Nhà nước có thể có những điều chỉnh, hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp tục vận hành, có nguồn thu để thu hồi vốn theo phương châm rủi ro cùng chia sẻ. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được quy định trong Luật PPP cũng đã có về việc chia sẻ giảm thiểu rủi ro cho dự án PPP, đặc biệt các rủi ro do từ những thay đổi từ phía Nhà nước.
Nếu trong hợp đồng cơ quan quản lý Nhà nước không có cam kết mua lại và không phải những nguyên nhân khách quan thì cứ vận hành theo đúng nguyên tắc của thị trường.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn ông! .
Người dân ở nước này chuộng đi xe đạp và sử dụng xe đạp nhiều hơn ô tô.
Nguồn: [Link nguồn]