Cuộc đua “khốc liệt” giữa các công ty chứng khoán năm 2019
Không chỉ là cuộc chiến giảm phí, cuộc cạnh tranh giành thị phần, giành khách cho vay giao dịch ký quỹ (margin) ở các công ty chứng khoán càng trở nên khốc liệt hơn trong năm 2019…
“Diễn biến tiêu cực từ thị trường” là lý do chung lý giải tình trạng lợi nhuận sụt giảm của hầu hết các công ty chứng khoán trong quý 1.2019. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, “miếng bánh” lợi nhuận có thể sẽ tiếp tục phải chia lại khi có thêm nhiều công ty chứng khoán ngoại gia nhập thị trường, kể cả việc cạnh tranh mạnh mẽ giữa nhóm các công ty chứng khoán trong nước trong việc giảm phí, đẩy mạnh cho vay margin… để lôi kéo khách hàng.
Cuộc đua margin và giảm phí giữa các công ty chứng khoán sẽ khốc liệt trong năm 2019.
Lợi nhuận “bốc hơi” theo diễn biến thị trường
Kết thúc quý 1.2019, bức tranh lợi nhuận ảm đạm đều xuất hiện ở hầu hết các công ty chứng khoán. Tại Công ty Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) - đơn vị giữ thị phần môi giới đứng đầu hai sàn chứng khoán - có kết quả kinh doanh quý 1.2019 với lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 192 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Cũng có phần ảm đạm không kém là Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC, HoSE: HCM) - công ty đứng thứ hai về thị phần môi giới sàn HoSE năm 2018 - cũng báo lãi giảm tới 75% cùng kỳ trong 3 tháng đầu năm (chỉ đạt 82 tỷ đồng).
Một loạt các công ty chứng khoán khác cũng thông báo giảm lãi mạnh so với cùng kỳ. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 112 tỷ, giảm hơn 35% so với kết quả cùng kỳ năm 2018 (hơn 172 tỷ đồng). Ở Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, HoSE: VDS), lợi nhuận sau thuế lao dốc từ xấp xỉ 50 tỷ đồng trong quí I năm ngoái xuống còn 21 tỷ đồng trong quý 1.2019, tức giảm hơn 57%.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng có kết quả kinh doanh quý 1.2019 ảm đạm khi ghi nhận 202,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (HNX: SHS) cũng công bố lợi nhuận sau thuế ghi nhận giảm tới 56% so với cùng kì năm ngoái, còn 60 tỷ đồng.
Các công ty chứng khoán như: Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSc; HoSE: CTS), kết thúc quí I, công ty lãi ròng 46,2 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kì năm ngoái. Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC; HoSE: BSI) cũng báo lãi quí I giảm tới 40%, xuống còn 34,3 tỷ đồng…
Theo thống kê, trên thị trường hiện có 74 công ty chứng khoán. Tuy nhiên, Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất lại đang nắm tới khoảng 70% thị phần giao dịch. Như vậy, 60 công ty chứng khoán còn lại chỉ đang cạnh tranh giành giật khoảng 30% thị phần, khiến cuộc chiến ở nhóm này được dự báo sẽ càng khốc liệt hơn trong năm 2019. |
Giải thích nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm trong quý 1.2019, các công ty đều cho rằng do “diễn biến tiêu cực từ thị trường”. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính của các công ty, có thể thấy doanh thu các mảng môi giới và hoạt động cho vay ở các công ty đều giảm, trong khi chi phí tài chính lại tăng lên khiến lợi nhuận bị “bốc hơi” so với cùng kỳ. Điều này không quá khó hiểu bởi các doanh nghiệp này đều có kết quả kinh doanh gắn liền với mỗi biến động tăng giảm của TTCK, sự giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản trong quý 1.2019 (chỉ bằng 50% so với cùng kỳ) đã khiến cho phần lớn khối Công ty chứng khoán phải trải qua mùa kinh doanh không mấy khả quan; chưa kể một số điều kiện “bất khả kháng” như kỳ nghỉ lễ, tết kéo dài; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Khốc liệt cuộc chơi margin và giảm phí?
Thực tế, tại các công ty chứng khoán hiện nay, lãi từ cho vay vẫn đang là “con gà đẻ trứng vàng” đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận. Nguồn thu này được đánh giá sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 2019, khi mà khi doanh thu môi giới, tự doanh khó cải thiện do thị trường dự báo khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, việc các công ty chứng khoán ngoại với lợi thế về nguồn vốn giá rẻ đẩy mạnh cạnh tranh bằng các gói lãi suất ưu đãi và biến margin trở thành công cụ hiệu quả thu hút khách hàng, gia tăng thị phần, sẽ khiến cuộc chiến giành, giữ khách hàng trong khối các công ty chứng khoán ngày càng trở nên gay gắt.
Trên thực tế, kết thúc quý 1.2019 vừa qua, SSI - công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất, có dư nợ cho vay tính đến cuối quý 1.2019 đạt 5.966 tỷ đồng, vẫn dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, vị trí thứ 2 (vốn thuộc về HSC - Công ty Chứng khoán TP.HCM) thì nay lại thuộc về Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) với dư nợ cho vay đạt 4.567 tỷ đồng.
HSC dù dư nợ cho vay trong quý 1.2019 đạt 3.773 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ nhưng đã mất vị trí thứ 2 về cho vay margin trên thị trường.
Một loạt các công ty chứng khoán khác như VNDirect, KIS, MBS hay VDSC đều gần như không tăng trưởng hay thậm chí là phải giảm cho vay trong quý 1.2019 vừa qua. Tất nhiên, không thể nói việc các công ty chứng khoán nội giảm cho vay margin là bất lợi trong cuộc chiến giành thị phần, nhưng với sự gia nhập của hàng loạt công ty chứng khoán ngoại như: Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV); Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), hay Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS)… với lợi thế về nguồn vốn giá rẻ, sẽ khiến cuộc chiến giành khách hàng ngày càng gay gắt.
Một nguyên nhân khác có thể sẽ khiến “cuộc chơi” thêm gay cấn, đặc biệt ở nhóm các công ty chứng khoán nhỏ, đó là việc Thông tư 128/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc bỏ quy định về mức sàn phí giao dịch chứng khoán từ ngày 15.2.2019 được nhìn nhận sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh về phí mạnh mẽ trong khối công ty chứng khoán. Theo thông tư này quy định, mức trần giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) là 0,5% giá trị giao dịch, mà không còn quy định về mức sàn (0,15%) như quy định cũ.
Quy định này có thể sẽ tạo ra một cuộc chạy đua giảm phí giữa các công ty chứng khoán để thu hút nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dưới góc độ một nhà đầu tư chuyên nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, chia sẻ: “Đối với nhà đầu tư, nhu cầu không phải phí thấp, mà là hiệu quả đầu tư với mức độ an toàn của tài sản. Vì vậy, các nhà đầu tư này thường quan tâm đến nền tảng vốn, công nghệ, chất lượng dịch vụ tư vấn và bảo vệ tài sản nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư… chứ không hẳn chỉ ở mức phí”.
Theo ông Hưng, nguyên tắc của SSI là không canh trạnh bằng phí mà bằng chất lượng dịch vụ. Cách cạnh tranh bằng phí và giá tùy thuộc vào chiến lược của từng công ty nhưng SSI không ưu tiên coi đó là chiến lược cạnh tranh…
"Hiện, trên 1.000 doanh nghiệp niêm yết, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lớn. Huy động vốn qua thị trường...