Cuộc đổ bộ của Temu, Shein giáng thêm đòn cho bán lẻ nội địa
Bằng giá rẻ, Temu thuyết phục người dùng với khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú", nhưng ngược lại, cách này có thể sẽ nuốt chửng các doanh nghiệp Việt.
Meet More là một doanh nghiệp sản xuất cà phê có 30-40% doanh thu từ kênh thương mại điện tử, song chủ yếu bán qua các sàn của nước ngoài như Tiktok, Shopee, Lazada.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Meet More thừa nhận ông và các đơn vị nội địa khác đang gặp bất lợi khi cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc trên chính sân nhà vì "không chủ động về công nghệ".
Ông lấy ví dụ, một hộp cà phê của Meet More giá 85.000 đồng, thêm phí vận chuyển, lên tới 105.000 đồng. Nhưng hàng Trung Quốc tương tự rẻ hơn, lại được miễn phí giao hàng. "Để cạnh tranh, chúng tôi buộc phải giảm giá, nhưng càng hạ càng không có lợi nhuận", ông nói.
Doanh nghiệp này chỉ là một trong số hơn nửa triệu nhà bán đang hoạt động trên các sàn thương mại điện tử. Tính tới quý II, có 261.000 nhà bán trên Shopee, gấp hơn 2 lần TikTok (113.000), Lazada (104.000), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, theo số liệu của YouNet ECI.
Nhưng đó mới là những bất lợi khi chưa có sự đổ bộ của những nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới như Temu, Shein gần đây.
Logo Shein và Temu trên màn hình máy tính và điện thoại. Ảnh: ABC News
Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử Pinduoduo - chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Trước đó, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam.
Đây đều là những sàn thương mại điện tử truyền thống của Trung Quốc, nơi người bán của họ có sẵn gian, giỏ hàng. Giới doanh nhân Việt dự báo sẽ có sự tấn công ồ ạt của hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Luận, các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc thường có những bước đi chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn, họ hỗ trợ cho sản phẩm nội địa bằng chính sách miễn phí vận chuyển hoặc tặng phiếu giảm giá (voucher). Ngược lại, hàng Việt sẽ không được hưởng chính sách này. Chưa kể, các sàn này cũng tính phí phải trả của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn.
Ông Nguyễn Duy Vĩ, chuyên gia marketing kiêm CEO Buzi Agency, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất nội địa sẽ đối mặt với sức ép từ giá bán cạnh tranh thấp của các sản phẩm ngoại nhập. Song, nhiều công ty trong nước không thể giảm giá đến mức của các nền tảng nước ngoài do chi phí sản xuất, nhân công và thuế cao hơn.
"Điều này dẫn đến nguy cơ mất khách hàng, đặc biệt trong phân khúc thấp và trung bình, nơi người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả", ông Vĩ nói.
Thực tế, giá thấp vốn là cách Pinduoduo thành công ở Trung Quốc và phiên bản quốc tế Temu kế thừa với khẩu hiệu "mua sắm như tỷ phú". Họ lý giải sản phẩm có cạnh tranh nhờ bán trực tiếp từ xưởng, lược bỏ các khâu trung gian. Ngoài ra, sức mạnh công nghệ và mô hình logistics cũng góp phần kéo giảm giá bán và tạo sự hài lòng.
"Điều này cho phép họ cung cấp giá sản phẩm rất rẻ, thường thấp hơn nhiều so với các hàng nội địa", CEO Buzi Agency nói, cho rằng người tiêu dùng trong nước có thể hưởng lợi từ điều này.
Ngoài giá rẻ, theo ông Vĩ, các nền tảng như Temu, Shein mang đến một kho hàng khổng lồ, đa dạng sản phẩm từ quần áo, đồ gia dụng, đến công nghệ, làm đẹp. Từ đó, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, theo xu hướng quốc tế mà không cần chờ đợi qua các kênh truyền thống.
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng giá rẻ và sự đa dạng sản phẩm chỉ là lợi ích trước mắt. Trong dài hạn, người tiêu dùng có thể gặp rủi ro về chất lượng sản phẩm.
"Nhiều mặt hàng rẻ có thể không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc không có bảo hành đầy đủ", ông Vĩ nhìn nhận. CEO Buzi Agency cũng cho rằng sự lệ thuộc vào các nền tảng nước ngoài có thể gây khó khăn khi giải quyết các vấn đề phát sinh sau mua hàng, chẳng hạn như khiếu nại, bảo hành sản phẩm.
Theo số liệu mới nhất từ YouNet ECI, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 87.370 tỷ đồng để mua sắm trên bốn sàn thương mại điện tử chính trong quý II. Trong đó, Shopee hầu như thống lĩnh thị trường với 71,4%, tiếp theo là TikTok Shop với 22%, Lazada với 5,9%. Các sàn nội địa như Tiki, Chiaki, Sendo, Websosanh, Adayroi cùng với các tên tuổi lớn như Amazon Global, Alibaba hay Shein cạnh tranh với thị phần chưa đầy 1% còn lại.
Với cục diện thị trường hiện nay, CEO Meet More Nguyễn Ngọc Luận thừa nhận doanh nghiệp nhỏ lẻ gần như không có sự lựa chọn, bắt buộc tham gia vào cuộc chơi. Giải pháp của họ là tham gia dàn trải vào nhiều kênh, sàn khác nhau, gồm kênh truyền thống như siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Chị Huyền Trinh (quận Tân Bình, TP HCM), người bán đồ gia dụng trên các nền tảng Shopee, Lazada, TikTok Shop, lại cho rằng "chưa nên quá lo lắng". Thừa nhận bản thân khá cảnh giác trước thông tin Shein, Temu mở rộng hiện diện ở Việt Nam nhưng chị Trinh thấy đây chưa phải sự uy hiếp lớn.
"Có thể lúc đầu người tiêu dùng tò mò nên thử trải nghiệm nhưng họ sẽ nhanh chóng thấy rõ sự bất cập, thiếu tiện lợi của các sàn xuyên biên giới so với mua từ người bán nội địa", chị nói.
Trong khoảng thời gian đó, theo chị, các nhà bán hàng trong nước có thời gian điều chỉnh chiến lược của mình. "Tôi sẽ tập trung vào dịch vụ chăm sóc khách sau bán hàng, tiến tới không bán các sản phẩm giá rẻ để cạnh tranh trực tiếp với họ mà tập trung tìm sản phẩm ngách, độc đáo, chất lượng và bản địa hơn", chị cho biết.
Coolmate, thương hiệu thời trang nam chuyên bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử nội địa, thì nói "cẩn thận quan sát tình hình".
Họ cho biết vẫn lạc quan rằng Temu và Shein sẽ giúp thị trường mua sắm trực tuyến phát triển hơn, thu hút thêm nhiều người tiêu dùng yêu thích việc mua sắm online và mở rộng thị phần của thương mại điện tử trong thị trường bán lẻ nói chung.
Đơn vị này nói đang tập trung xây dựng thương hiệu và cải thiện trải nghiệm khách hàng cho các sản phẩm may mặc. Đây là hai yếu tố họ cho rằng doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng tốt để phục vụ khách hàng trong nước.
Trước mắt, Nhà nước cần có chính sách nhằm hạn chế sản phẩm không đảm bảo chất lượng, theo ông Nguyễn Ngọc Luận. Về lâu dài, các chính sách bảo vệ hàng nội địa, đặc biệt là nông sản, cần được tính tới. Chẳng hạn, chính sách thuế cần được xây dựng theo hướng phân biệt giữa hàng nội địa và ngoại nhập, để tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Giải pháp về hàng rào thuế quan nhằm bảo vệ các nhà sản xuất nhỏ lẻ trong nước cũng từng được đề cập tới gần đây. Trước đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đề nghị thu thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng thông qua các sàn thương mại điện tử.
Song, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), việc nâng thuế quá cao hoặc cấm hoàn toàn các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới là không khả thi. Nguyên nhân do Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Thay vào đó, ông Đồng cho rằng nhà chức trách cần rà soát, áp mức thuế phù hợp với hàng hóa chưa tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế. Họ cũng có thể sử dụng các biện pháp quản lý chống cạnh tranh không lành mạnh, tuân thủ pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Còn theo ông Trần Lâm, chuyên gia về đào tạo bán hàng trực tuyến kiêm CEO Julyhouse, cho rằng để cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần đầu tư vào chất lượng sản phẩm hoặc giá trị gia tăng độc đáo.
Một điểm mạnh của các nhà bán hàng Trung Quốc là hệ thống logistics hiện đại và chi phí thấp. Để cạnh tranh, theo ông Lâm, các doanh nghiệp Việt cần tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển, và tăng tốc độ giao hàng. Điều này có thể đạt được qua việc hợp tác với các công ty logistics địa phương và quốc tế.
Ông Nguyễn Duy Vĩ khuyên các doanh nghiệp tận dụng cơ hội mở rộng thị trường quốc tế qua chính các nền tảng như Shopee, Lazada, hoặc Temu, Shein. "Xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thời trang truyền thống giúp doanh nghiệp đa dạng nguồn thu, tận dụng lợi thế cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế", ông nói.
Chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp Việt cần tăng chuyển đổi số trong quản lý tồn kho, logistics, xây dựng các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số thông minh hoặc phân tích hành vi người dùng, cá nhân hóa trải nghiệm.
"Nếu biết tận dụng công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất, tập trung vào các yếu tố bản địa hóa và phát triển bền vững, doanh nghiệp có thể tạo lợi thế cạnh tranh độc đáo", ông góp ý.
Nhiều ông lớn thương mại điện tử (TMĐT) chuyên bán sỉ của Trung Quốc đang tìm đường vào Việt Nam khiến nhà bán hàng đứng ngồi không yên trước áp lực...
Nguồn: [Link nguồn]