Cửa hàng tiện lợi GS25 lỗ nửa tỷ đồng/ngày, chuỗi hàng hiệu sụt lãi hơn 80%
CVS Holdings là đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, thuộc Tập đoàn Sơn Kim, chuyên mảng bán lẻ. Năm 2022, Công ty này lỗ 167 tỷ đồng. Còn chủ chuỗi hàng hiệu Hoàng Phúc báo lãi chưa đầy 2 tỷ đồng cả một năm, sụt giảm tới hơn 80% so với năm trước.
Chủ quản cửa hàng tiện lợi GS25 lỗ đậm
Công ty CP CVS Holdings vừa có báo cáo tình hình kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 167 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi ngày lỗ gần nửa tỷ đồng. Năm 2021, công ty này cũng báo lỗ 153,4 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của VCS Holdings chỉ còn 191 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 326 tỷ cuối năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là -87%.
Một cửa hàng GS25 (ảnh: DN).
Còn hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này cũng tăng từ 0,42 lần năm trước lên 2,13 lần năm 2022.
Như vậy, công ty này có hơn 400 tỷ đồng tổng nợ phải trả. Trong đó, lô trái phiếu doanh nghiệp đang phát hành trị giá 106 tỷ đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất cố định 10% một năm.
CVS Holdings là công ty con do Sơn Kim Retail (Tập đoàn Sơn Kim) nắm giữ 99% cổ phần. Công ty này góp 70% vốn vào Công ty TNHH liên doanh GS Retail Việt Nam - đơn vị sở hữu Công ty TNHH GS25. Với GS25, SonKim Retail cho biết không chỉ đầu tư tài chính mà còn hỗ trợ GS25 về kỹ năng quản trị để vận hành.
Trên thương trường, SonKim Group được biết đến là một hệ sinh thái với 3 lĩnh vực chính: SonKim Land (Bất động sản), SonKim Retail (Bán lẻ và Logistic) và SonKim Lifestyle Group (Phong cách sống).
Chủ chuỗi hàng hiệu Hoàng Phúc báo lãi sụt giảm mạnh
Một doanh nghiệp bán lẻ khác là Công ty CP Đầu tư Hoàng Phúc Quốc tế cũng vừa hé lộ bức tranh tài chính năm 2022.
Cụ thể báo cáo cho biết, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn gần 1,9 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lợi nhuận 11 tỷ đồng đạt được trong năm 2021.
Hầu hết cửa hàng của Hoàng Phúc đều ở vị trí đắc địa, trung tâm thương mại lớn (ảnh: DN).
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Hoàng Phúc đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2021. Trong khi đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng từ 16,82 năm 2021 lên 19,66 lần năm 2022. Dư nợ trái phiếu ghi nhận ở mức 0,48 lần.
Theo thông tin trên HNX, Hoàng Phúc đã phát hành lô trái phiếu đầu tiên kỳ hạn 24 tháng, tổng giá trị là 11 tỷ đồng.
Hiện Hoàng Phúc đang có 45 cửa hàng trên cả nước, lĩnh vực hoạt động chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.
Chuỗi cửa hàng này chuyên nhập các quần áo, giày dép của các thương hiệu trên thế giới để phân phối tại thị trường Việt Nam như DR Martens, Replay, Ecko, Kappa, Skechers, Superga, United Color, Benetton, Sisley, Clarks....
Với quyết định mới công bố, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam sẽ trở thành Tân chủ tịch của hãng hàng không Vietjet Air.
Nguồn: [Link nguồn]