Cú bẻ lái ngoạn mục của "vua thép" và sự sa sút của "vua" hàng tiêu dùng Masan
Top 10 tỷ phú chứng khoán bất ngờ có sự đảo chiều ngoạn mục với màn hoán đổi vị trí giữa “vua thép” Trần Đình Long và hai đại gia hàng tiêu dùng Nguyễn Đăng Quang – Hồ Hùng Anh.
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index giảm điểm tuần thứ tư liên tiếp khi đóng cửa tuần ở mức 963,56 điểm, giảm 7,19 điểm (0,7%) so với tuần trước đó.
Nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng giảm mạnh nhất với 2,2% giá trị vốn hóa, do các mã trụ cột giảm mạnh trong tuần qua, có thể kể đến như VNM của Vinamilk (-4,3%), MSN của Masan Group (-10,7%)...
'Vận hạn' của VNM xuất phát từ tin đồn thiếu căn cứ về xuất xứ nguồn nguyên liệu, trong khi MSN lao dốc ngay sau khi có thông tin chính thức về việc Masan Consumer Holdings mua lại VinCommerce – đơn vị sở hữu hệ thống VinMart/VinMart + và VinEco.
Kết thúc tuần, MSN giảm 7.500 đồng (10,7%) còn 62.500 đồng/cp. Đồng nghĩa với việc bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang mỗi người đánh mất hơn 1.800 tỷ đồng trong khối tài sản của mình.
Hiện giá trị cổ phiếu TCB và MSN của ông Hồ Hùng Anh chỉ còn 16.366 tỷ đồng và 15.979 tỷ đồng. Không những thế, bộ đôi tỷ phú này còn đánh mất vị trí thứ ba và thứ tư trong top 10 tỷ phú chứng khoán vào tay bà Phạm Thu Hương (Phó Chủ tịch Vingroup) và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát).
Theo đó, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tạm thời lùi về vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng, trong khi Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang đứng ở vị trí thứ sáu.
Bà Phạm Thu Hương, người đang có khối tài sản trị giá 17.507 tỷ đồng đã vươn lên vị trí thứ ba, trong khi ông Trần Đình Long chiếm giữ vị trí thứ tư của ông Nguyễn Đăng Quang. Việc cổ phiếu HPG liên tục tăng giá trong tuần qua khiến ông “vua thép” của Việt Nam tích lũy thêm 700 tỷ đồng vào khối tài sản trị giá 16.695 tỷ đồng.
Trái ngược với sự sa sút của MSN, giá cổ phiếu HPG đã có những bước tiến vững chắc kể từ đầu tháng 12 khi mới chỉ có duy nhất một phiên giảm giá bất chấp việc thị trường liên tục mất điểm.
Ở hai vị trí dẫn đầu, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã có thêm 373 tỷ đồng sau khi kết thúc tuần giao dịch ghi nhận giá trị tài sản ở mức 216.000 tỷ đồng, còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận mức sụt giảm 54 tỷ đồng, còn lại 30.200 tỷ đồng từ việc sở hữu HDB và VJC (trong đó giá trị cổ phiếu VJC của bà Thảo giảm 101 tỷ đồng).
Với các tỷ phú còn lại trong top 10, một nữ Phó Chủ tịch Vingroup khác là bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương) đang đứng ở vị trí thứ bảy với khối tài sản trị giá 11.692 tỷ đồng.
Đứng sau đó là ông Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch công ty địa ốc Nova) với khối tài sản trị giá 10.880 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 40 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa và Công ty cổ phần Vicostone – tiếp tục giữ vị trí thứ chin với giá trị cổ phiếu VCS do ông nắm giữ là 9.417 tỷ đồng, giảm đáng kể 314 tỷ đồng.
Đứng cuối cùng trong top 10 là ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch FLC Group và FLC Faros – Bất chấp những tranh cãi gần đây về việc liên tục phát hành cổ phiếu mời gọi nhà đầu tư, ông chủ hãng hàng không Bamboo Airways vẫn kịp tích lũy thêm 230 tỷ đồng cho khối tài sản trị giá 8.489 tỷ đồng từ sự tăng giá của cổ phiếu ROS.
Cú bắt tay giữa hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Nguyễn Đăng Quang thông qua thương vụ Masan Consumer Holdings mua lại VinCommerce chuyển động đáng chú ý nhất trong tuần qua.
Thương vụ này về dài hạn được cho là tốt cho cả hai tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất nhì Việt Nam, cũng như cho cả hệ thống sản xuất và bán lẻ của Việt Nam. Tuy nhiên những lo ngại của nhà đầu tư về việc Masan tiếp tục không trả cổ tức nhằm dồn tiền cho chiến lược dài hơi mang tên bán lẻ đã khiến giá cổ phiếu MSN liên tục lao dốc trong tuần qua.
Thị trường chứng khoán vừa có phiên hồi phục nhẹ do nỗ lực từ nhóm bluechips.
Nguồn: [Link nguồn]