Cụ bà phố cổ Hà Nội và 70 năm gắn bó với nghề hoa lễ
Mỗi gói hoa cúng chỉ từ 10 nghìn đồng nhưng vì yêu nghề, hay đúng hơn là có cơ duyên với nghề nên cụ bà 83 tuổi đã gắn bó với công việc này 70 năm qua.
Đó là bà Phan Thị Thu - người phụ nữ chính gốc làng Ngọc Hà, một làng hoa nổi tiếng của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước.
Bà Phan Thị Thu bên những rổ hoa lễ trong một buổi sáng của tháng Vu Lan
Hơn 80 tuổi và 70 năm gắn bó với nghề
Hàng ngày bà ngồi ở vỉa hè, tại số nhà 21 Hàng Khoai từ 6h sáng đến 7h tối. “Đồ nghề" của bà Thu chỉ là vài cái rổ nhựa đựng hoa, bó lá rong giềng, dây lạt cùng xô nước. Mùa xuân, bà bán hoa bưởi, hoa nhài. Tháng 4 đến tháng 9, bà bán hoa móng rồng, lan tây, ngọc lan, hoa nhài và mẫu đơn.
Bà Thu đang lựa hoa và gói cho khách
Vào dịp tháng giêng, mọi người đi lễ chùa nhiều, bà cùng con cháu ra ngồi ở cổng đền Quán Thánh, những ngày còn lại bà ngồi ở con phố thân quen này.
Lựa từng bông hoa nhỏ, tươi và thơm nức, khéo léo gói trong chiếc lá rong giềng xanh, bà cho biết, gia đình bà có truyền thống bán hoa cúng nhiều đời nay. Từ khi còn nhỏ, rồi lớn lên bà đã gắn bó với công việc này. Tính tới nay, công việc bán những gói hoa cúng đã theo bà hơn 70 năm.
"Cô theo mẹ học gói hoa từ lúc bé tí ti" - bà Thu kể
"Cô theo mẹ học gói hoa từ lúc bé tí ti. Hồi đó Ngọc Hà còn bát ngát ruộng hoa, quanh năm hương thơm nức. Nhà cô ở làng hoa lâu lắm rồi không ai nhớ nữa, cũng phải 10 đời làm hoa cúng rồi.
Bây giờ thì cô làm hoa không chỉ vì đam mê, mà còn vì cố gắng giữ một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Hà Nội. Cô còn nhớ, ngày xưa dù nhà giàu hay nghèo, đến lễ tết, giỗ chạp, ngày rằm mồng 1 người ta đều mua vài gói hoa về dâng lên bàn thờ tổ tiên, nó là một nét tâm linh đáng trân trọng” – bà Thu chia sẻ.
Cũng theo bà Thu, số lượng hoa trên đĩa tùy từng mùa, có gì dùng đó. Quý nhất là hồng lam, hồng quế, bởi màu đẹp mà lại nở rất thơm, tiếc là giờ không còn giống hoa này nữa, rồi tới hoa ngâu, hoa nhài, hoa lý vàng, hoa sói, móng rồng, trứng gà, lan tây lan ta,...
Những bông hoa tươi, thơm nức đủ loại, được gói ghém cẩn thận bên trong chiếc lá rong giềng xanh
“Em mua sớm quá nên chưa có hoa lan. Cây lan đặc điểm rất cao, họ phải trèo lên hái từng bông, nên hàng ngày khoảng 9h họ mới mang qua được” – bà Thu cho hay.
Bông hoa trứng gà màu trắng là loại hoa thơm và rất hiếm. Nếu muốn mua, khách phải đặt trước mới có.
Cái nghề không thể giàu được
Hơn 6h sáng, khi các con phố còn vắng bóng người, bà Thu đã tỉ mỉ bày biện những rổ hoa tươi. Thời điểm này đang là những ngày lễ Vu Lan, lượng người mua hoa tươi làm lễ tăng đáng kể. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Thu thì công việc bà làm không làm giàu được.
Mỗi gói hoa cúng có giá từ 10 - 30 - 50.000 đồng, tùy loại và số lượng hoa
Được biết, mỗi gói hoa cúng chỉ từ 10 nghìn đồng. Vào những ngày lễ, lượng hoa khan hiếm hơn nên mỗi gói hoa có giá từ 30 – 50 nghìn đồng (gồm 5 đến 7 loại hoa). Cũng vì lãi lời không được là bao nên một số người đã bỏ nghề. Khoảng chục năm nay chỉ còn lại mình bà gắn bó với công việc này.
Mùa nào hoa nấy, bà Thu nâng niu từng bông hoa nhỏ xinh
“Em ơi, bán cả ngày tổng vốn và lãi mới được khoảng 1 triệu. Ngày nay có rất nhiều công việc khác kiếm tiền tốt hơn nhiều. Cô gắn bó công việc đến hôm nay là bởi yêu nghề chứ thực sự không làm giàu được. Vì cuộc sống mưu sinh, con cháu của cô giờ cũng lần lượt đã lựa chọn công việc khác” – Bà Thu trải lòng.
"Bán hoa cúng tuy không giàu được nhưng luôn sạch sẽ, thơm tho" - bà chia sẻ
Song cũng theo bà Thu, công việc khác tuy nhiều tiền nhưng vất vả hơn nhiều so với nghề bán hoa cúng. “Công việc này nhàn hạ, sạch sẽ và thơm tho nữa” – bà nói thêm.
Bà Thu ngồi nghỉ ngơi sau khi bày biện các rổ hoa tươi
Ngày nay, nhiều người dân Hà thành có thể ít người biết đến hình ảnh đĩa hoa cúng, nhưng với những người Hà Nội xưa, vào ngày lễ âm lịch quan trọng, bên cạnh mâm cơm cúng, con gà luộc, đĩa xôi, trầu cau, nải chuối, nhất định còn có cả đĩa hoa tươi thơm ngát trang trọng bày lên ban thờ nữa.
Vừa gói hoa, bà vừa vui vẻ trò chuyện cùng khách với giọng điềm tĩnh nhẹ nhàng. Dường như, bà là thế hệ cuối cùng đất kinh kỳ còn giữ gìn nghề bán gói hoa lễ.
Loại cây này ở Việt Nam giờ không phải quá hiếm và được xem là hướng làm giàu mới.
Nguồn: [Link nguồn]