Covid-19 và Nghị định 100 có thể khiến ngân sách Hà Nội giảm hơn 18.000 tỷ đồng
Theo dự báo của Chi cục Thuế TP Hà Nội, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài đến hết năm và những tác động của Nghị định số 100 có thể khiến ngân sách thành phố giảm tới 18.680 tỷ đồng.
Chiều ngày 13/3, TP Hà Nội ghi nhận thêm một trường hợp dương tính với Covid-19, đó là một tiếp viên hàng không của hãng hàng không Vietnam Airlines. Đây cũng là ca thứ 6 nhiễm Covid-19 tại Hà Nội và là ca nhiễm Covid-19 thứ 46 trên cả nước.
Các doanh nghiệp rất cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, Chi Cục Thuế TP Hà Nội dự kiến số thu năm 2020 của Hà Nội có thể bị ảnh hưởng suy giảm so với dự kiến khi xây dựng dự toán năm 2020. Cục Thuế đưa ra 4 kịch bản giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 tương ứng với từng thời điểm hết dịch bệnh.
Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I/2020, dự kiến giảm khoảng 1,82%-2,33% số thu nội địa không bao gồm các khoản thu từ đất, tương đương giảm khoảng 4.200 tỷ-5.400 tỷ đồng.
Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020, dự kiến giảm khoảng 2,85%-4,06% số thu nội địa không bao gồm các khoản thu từ đất, tương đương giảm khoảng 6.600 tỷ-9.400 tỷ đồng.
Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý III/2020, dự kiến giảm thu NSNN khoảng 4,67% - 5,49% số thu nội địa không bao gồm các khoản thu từ đất, tương đương giảm khoảng 10.800 tỷ-12.700 tỷ đồng.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài sang quý IV/2020, dự kiến giảm thu NSNN khoảng 6,48%-7,17% số thu nội địa không bao gồm các khoản thu từ đất, tương đương giảm khoảng 15.000 tỷ-16.600 tỷ đồng.
Tính cả tác động giảm thu NSNN do áp dụng các quy định mới nhằm hạn chế đồ uống có cồn khi tham gia giao thông (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) với mức dự kiến giảm thu khoảng 2.080 tỷ đồng thì tổng thể số thu NSNN năm 2020 có thể bị suy giảm từ 6.280 tỷ-7.480 tỷ đồng (kịch bản 1) đến 8.680 tỷ - 11.480 tỷ đồng (kịch bản 2) hoặc 12.880 tỷ - 14.780 tỷ đồng (kịch bản 3) và tối đa khoảng 17.080 tỷ - 18.680 tỷ đồng (kịch bản 4).
Để giúp các Doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì và khôi phục sản xuất trong đợt dịch Covid-19, mới đây Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép gia hạn 5 tháng nộp thuế GTGT, tiền thuê đất. Ước tính tổng số tiền thuế được gia hạn lên tới trên 30.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết dự thảo nghị định chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh, không gia hạn số nợ thuế. Bởi, nếu gia hạn cả tiền nợ thì đánh đồng DN chấp hành tốt với DN không chấp hành. Do đó, trong dự thảo có nêu rõ là gia hạn tiền thuế phát sinh phải nộp của các tháng có liệt kê.
Ngày 11/3, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp giãn, hoãn, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp, các đối tượng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Giao Bộ Tài chính xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng bị tác động. Có các giải pháp phù hợp quy định pháp luật để phục hồi, phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững.
Các bộ, ngành khẩn trương rà soát và đề xuất miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, gửi Bộ Tài chính. Bộ Tài chính kịp thời ban hành văn bản pháp luật theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẩn trương xem xét điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường thế giới và hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Sau cú tăng mạnh vào chiều qua, sáng nay (14/3), vàng trong nước lại đảo chiều giảm mạnh, về mốc 46 triệu đồng/lượng.
Nguồn: [Link nguồn]