Covid-19 ảnh hưởng gì đến tài sản của các tỷ phú Việt?
Bất chấp dịch Covid-19 hầu hết khối tài sản của các tỷ phú Việt vẫn được tăng lên.
6 tỷ phú Việt được lọt vào danh sách tỷ phú USD do Forbes bình chọn năm 2020
Kết thúc năm 2020, bốn gương mặt tỷ phú Việt quen thuộc vẫn vững chân trong câu lạc bộ tỷ phú đô la của Forbes. Đáng chú ý, bất chấp dịch Covid-19 hầu hết khối tài sản của họ vẫn được tăng lên. Danh sách tỷ phú còn đón nhận sự quay trở lại của hai “ông vua” ngành thép và tiêu dùng.
Cú cán mốc bất ngờ của hai “ông vua” thép, tiêu dùng
Cụ thể, ông Phạm Nhật Vượng cán mốc 6,6 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD trong nửa năm, tiếp tục dẫn đầu danh sách tỷ phú Việt Nam.
Tiếp theo, tài sản của bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cũng tăng hơn 100 triệu USD, đưa tổng tài sản lên 2,5 tỷ USD, vững chãi vị trí người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt.
Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng tích lũy thêm tới 600 triệu USD, được Forbes định giá khối tài sản khoảng 1,7 tỷ USD. Duy chỉ có Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình không biến động với 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã đến vào cuối năm khi “câu lạc bộ” tỷ phú USD đón nhận sự quay trở lại của “ông vua” tiêu dùng bán lẻ Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Tập đoàn Masan) và “ông vua” thép Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát).
Theo đó, với đà đi lên của thị giá cổ phiếu trong năm qua, tài sản của Chủ tịch Hòa Phát liên tục cán mốc 1,7 tỷ USD vào tháng 10 và 1,9 tỷ USD trong tháng 12/2020, vượt qua Chủ tịch Techcombank, vươn lên vị trí người giàu thứ ba tại Việt Nam.
Chia sẻ với PV về “trái ngọt” ngày hôm nay, vị lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát cho hay, đây chính là nỗ lực của cả giai đoạn 2015 - 2020.
Trong giai đoạn này, Hòa Phát đã hoàn thành Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất quy mô 5 triệu tấn/năm.
Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ quặng sắt tới hàng loạt sản phẩm thép chất lượng cao, đặc biệt là thép cuộn cán nóng HRC với sản lượng khoảng 8 triệu tấn/năm, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Các lĩnh vực kinh doanh khác của Hòa Phát đều phát triển ổn định. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát bắt đầu tham gia thị trường từ năm 2015 và sau 5 năm, thị phần chăn nuôi bò Úc đã đứng số 1 Việt Nam, sản lượng trứng gà đứng đầu miền Bắc, các trang trại đều được ứng dụng kỹ thuật hiện đại tiên tiến của thế giới.
Nói về mục tiêu 5 năm tiếp theo, lãnh đạo Hòa Phát cho biết, tiếp tục giữ đà tăng trưởng tất cả các hoạt động kinh doanh, tập trung đầu tư dự án thứ hai tại Dung Quất, nâng tổng công suất thép thô của Hòa Phát lên 13 triệu tấn/năm, đưa Tập đoàn Hòa Phát vào Top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Tương tự, giá cổ phiếu “họ” Masan cũng “lên hương” trong những tháng cuối năm 2020 khiến khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang vọt lên 1,4 tỷ USD.
Còn nhớ sau thương vụ mua lại hệ thống bán lẻ VinCommerce (VCM) từ cuối năm 2019, cổ phiếu mẹ MSN liên tiếp xuống dốc và chạm đáy trong tháng 4/2020.
Tuy nhiên, xu hướng quay đầu đi lên khi Masan bất ngờ công bố kết quả “phá lỗ” bất chấp dịch Covid-19 của VCM.
Bên cạnh đó, Masan cũng được hưởng lợi từ lợi thế thương mại âm phát sinh từ việc “mua hời” H.C Starck Holding hồi đầu tháng 6/2020.
Từ đây, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định, chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ đang bắt đầu gặt hái những trái ngọt đầu tiên khi VCM đạt mục tiêu hòa vốn vào quý IV/2020.
“Đây cũng là cột mốc đầu tiên trong hành trình Masan trở thành Tập đoàn tiêu dùng bán lẻ tích hợp online - offline hàng đầu”, Chủ tịch Masan tuyên bố.
Trong thời gian tiếp theo, “ông vua” bán lẻ tiêu dùng đặt mục tiêu phục vụ và thỏa mãn nhu cầu nhu yếu phẩm của hơn 30 triệu khách hàng trung thành thông qua 30.000 “điểm phục vụ cuộc sống” vào năm 2025.
Thăng trầm cùng những đại gia Việt
Nhìn lại danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt trong 5 năm qua, ngoài những tỷ phú USD “bền vững” trên top cũng chứng kiến cú bứt phá ngoạn mục của cổ đông lớn Vcostone Hồ Xuân Năng.
Hiện, ông Năng nắm giữ trên 117 triệu cổ phiếu VSC gián tiếp sở hữu thông qua 90% cổ phần tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A.
Chốt năm 2020, tổng tài sản của ông Năng lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, xếp vị trí thứ 9.
Thế nhưng, không phải “ngôi sao” nào cũng đủ bản lĩnh vượt qua giông bão. Tính tới hết tháng 10/2020, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu thuần 9.927 tỷ đồng, giảm khoảng 13% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế hơn 2.213 tỷ đồng so với mức lãi cùng kỳ là 88,5 tỷ đồng.
Diễn biến cổ phiếu “họ” FLC xuống thấp (đặc biệt là mã ROS) khiến tên tuổi ông Trịnh Văn Quyết, người từng soán ngôi giàu nhất thị trường chứng khoán Việt (tháng 12/2017) đã bị bật ra khỏi top.
Ước tính tới cuối năm 2020, tổng tài sản của vị đại gia này chỉ còn 834 tỷ đồng, lùi xuống thấp trong danh sách xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán Việt.
Tương tự, bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết, từng là 1 trong 10 bóng hồng giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt từ thời điểm 2016, thì tới nay cũng không còn xuất hiện kể từ khi bà quyết định bán hết hơn 26 nghìn cổ phiếu ROS theo phương thức thỏa thuận.
Không chỉ “trùm bất động sản” FLC, nhiều đại gia khác cùng ngành cũng đang trầy trật với vấn đề pháp lý cộng thêm ảnh hưởng dịch Covid-19.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho hay, mặc dù có nhiều dự án mới trong năm 2020 nhưng cũng bị giảm nhiều so với năm 2019.
“Riêng về doanh thu, do dịch bệnh nên công ty cũng bị giảm 40%. Nhìn chung, công ty vẫn giải quyết mức lương cơ bản để người lao động có thể sống vượt qua khó khăn”.
Chia sẻ dự định trong năm mới, Chủ tịch Hòa Bình bày tỏ hy vọng: “Các dự án nếu được tháo gỡ thì kế hoạch kinh doanh tốt hơn, chứ với tình hình này không dám đưa ra kế hoạch lạc quan hơn”.
Cần phải làm gì để có thêm nhiều tỷ phú Việt?
Trước câu hỏi những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua có làm vực dậy niềm tin trong khối kinh tế tư nhân, ông Lê Viết Hải cho hay: “Nói thật, thủ tục pháp lý vẫn còn rắc rối quá.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ cần có thay đổi cơ bản về Luật Đất đai, trọng tâm hướng tới làm sao cho việc cấp sổ đỏ trở nên đơn giản hơn. Nếu không rõ ràng thì không khéo sẽ còn nhiều người vướng vào lao lý khi thực thi”.
Môi trường kinh doanh an toàn, tạo dựng được niềm tin cũng chính là câu trả lời từ các chuyên gia khi được hỏi cách nào để khối kinh tế tư nhân lớn và mạnh.
Thực tế, khu vực DN tư nhân hiện chỉ đóng góp chưa tới 10% trong tổng GDP của Việt Nam, chưa bằng 1/2 của khu vực FDI và chưa bằng 1/3 của khu vực kinh tế cá thể. Đồng thời, hơn 98% số DN tư nhân trong nước có quy mô nhỏ và vừa; quy mô vốn bình quân của các DN tư nhân trong nước nhỏ…
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, hàng loạt yếu tố dẫn tới nghịch lý trên như quyền sở hữu chưa được bảo vệ hữu hiệu, bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, nhất là đất đai; sự nhũng nhiễu của bộ máy Nhà nước và thiếu vắng các thể chế hỗ trợ thị trường có hiệu quả…
Từ đây, ông Anh cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân trong 5 năm 2021 - 2025, ở mức 6,5 - 7%, cần phải có sự thay đổi về thể chế, định hướng thị trường, ưu tiên phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân.
Tương tự TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: Thời gian qua, Chính phủ đã tháo gỡ nhiều rào cản, điển hình đã bỏ hơn 50% điều kiện kinh doanh cải thiện môi trường, thông quan hàng hóa… Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rủi ro.
“Doanh nghiệp Việt, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Trước việc áp dụng pháp luật tùy ý, tùy tiện, thì với một doanh nhân, họ không thể tính toán được lâu dài, cách tốt nhất là họ làm nhỏ và không lớn, không chính thức”, vị chuyên gia dẫn giải.
Sau những lần phá sản, người đàn ông này đã gặp được một chuyên gia giúp có kỹ năng để kiếm tiền.
Nguồn: [Link nguồn]