Công ty nghỉ dưỡng vốn 500 tỷ đồng nhưng thù lao chủ tịch, giám đốc chỉ vài triệu đồng/tháng
Năm 2022, Công ty cổ phần đầu tư PVR Hà Nội không ghi nhận doanh thu, báo lỗ 3,83 tỷ đồng. Đây là chủ đầu tư dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên với tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.
Doanh nghiệp báo lỗ, siêu dự án bị "khai tử"
Công ty cổ phần đầu tư PVR Hà Nội tiền thân là Công ty cổ phần Dầu khí Tản Viên được cấp giấy chứng nhận kinh doanh năm 2006. Vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng, hiện là 531 tỷ đồng.
Mục tiêu chính của công ty là đầu tư thi công các dự án bất động sản, dịch vụ du lịch thể thao kết hợp nghỉ dưỡng cao cấp.
Báo cáo cho thấy, năm 2022, công ty không ghi nhận doanh thu do không có nguồn nhưng vẫn phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính, công ty này báo lỗ 3,83 tỷ đồng.
Lo ngại kinh tế khó khăn còn kéo dài, đến 2023 chưa có dấu hiệu suy giảm, công ty đặt kế hoạch tiếp tục không ghi nhận doanh thu và lỗ 2 tỷ đồng trong năm nay.
Do tình hình kinh doanh ảm đạm, thu nhập của lãnh đạo công ty cũng èo uột. Báo cáo thường niên cho thấy, năm 2022, hội đồng quản trị của công ty gồm 3 người có tổng mức thù lao là 150 triệu đồng. Trong đó, người nhận được nhiều nhất là Chủ tịch HĐQT với mức 90 triệu đồng; hai thành viên HĐQT chuyên trách và kiêm nhiệm nhận được mỗi người 30 triệu đồng.
Ba thành viên của Ban kiểm soát nhận được tổng 48 triệu đồng, trong đó trưởng ban nhận được 30 triệu đồng, một thành viên nhận 18 triệu đồng, còn một người không có thù lao.
Bộ máy ban giám đốc nhận được 124,8 triệu đồng. Trong đó, giám đốc nhận 54,2 triệu đồng và kế toán trưởng nhận 70,6 triệu đồng.
Tổng cộng số tiền thù lao lãnh đạo công ty nhận được là 322,8 triệu đồng. Bình quân thù lao của chủ tịch là 7,5 triệu đồng/tháng, vị trí giám đốc hơn 4,5 triệu đồng/tháng.
Hà Nội đã "khai tử" dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (ảnh phối cảnh).
Lý giải cho những khó khăn của doanh nghiệp, ban lãnh đạo cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát kéo dài suốt từ đầu năm 2020 dẫn đến nền kinh tế nói chung và công ty nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong năm, công ty chỉ tập trung thu hồi các khoản đầu tư tài chính để có nguồn trang trải chi phí hoạt động của công ty.
Việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2022 so với kế hoạch sản xuất kinh doanh được đại hội đồng cổ đông thông qua của PVR chưa đạt được kết quả.
Trong đó, với dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên, công ty đã nhận được văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội về việc chấm dứt hoạt động dự án. Dự án này từng được gọi là "siêu" quy mô với 3.500 tỷ đồng tổng vốn đầu tư.
Theo quy hoạch, siêu dự án Tản Viên gồm có khu vực sân golf, resort, khu cây xanh, giao thông, khu nhà hàng, khách sạn, bugalow,…Dự án có tổng số khoảng 500 căn biệt thự, trong đó có 175 căn biệt thự nghỉ dưỡng.
Khó khăn chồng chất
Đối với dự án CT10-11 Văn Phú Hà Đông do PVR làm chủ đầu tư hiện tại dự án vẫn tạm dừng thi công để tập trung giải quyết, hoàn thiện toàn bộ pháp lý còn sai sót, vướng mắc và tồn tại của dự án đã thi công trước đây không đúng quy quy hoạch được duyệt.
Ban lãnh đạo công ty cho biết vẫn tiếp xúc với khách hàng, đưa ra nhiều phương án tháo gỡ khó khăn để làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, hầu hết khách hàng không hợp tác, có nguyện vọng xin rút vốn và thanh lý hợp đồng, kiên quyết không nộp tiền do dự án đã quá chậm tiến độ, trong khi khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần đầu tư Bình An liên quan đến dự án số 9 Trần Thánh Tông cũng chưa tìm được đối tác mua/chuyển nhượng lại số cổ phần công ty nắm giữ.
Trong giai đoạn tới, công ty này vẫn xác định còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng thị trường bất động sản gặp khó về thanh khoản, tín dụng, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều dự án có nguy cơ tạm dừng do thiếu vốn, không bán được hàng... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng. PVR cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó và đã nảy sinh tình trạng khiếu nại của một số khách hàng, khó khăn trong việc thu xếp nguồn tài chính cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp xác định sẽ khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án bất động sản. PVR đã tiếp xúc, đàm phán với các tổ chức tín dụng đề xuất phương án vay vốn tối ưu nhất với hạn mức đáp ứng được nhu cầu về vốn. Đồng thời làm việc với các đối tác khác để củng cố hợp tác kinh doanh, triển khai đầu tư dự án. Tuy nhiên, vẫn chưa đem lại kết quả khả thi do các tổ chức tín dụng cũng rất hạn chế cho vay đối với lĩnh vực bất động sản thời điểm này. Thêm vào đó, công ty này cũng không có tài sản thế chấp cho các khoản vay trung và dài hạn do chưa đủ hồ sơ pháp lý liên quan.
Với quy mô đăng ký, công ty cho thuê xe ô tô, xe máy điện, dịch vụ taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được đánh giá sẽ thuộc Top đầu về quy mô tại Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]