Công ty chứng khoán của bà Nguyễn Thanh Phượng đang làm ăn ra sao?

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 được đánh giá không thuận lợi, Chứng khoán Bản Việt lên kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Lãi lớn trong năm 2018

Kết thúc năm 2018, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đạt tổng doanh thu 1.838 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế thu về đạt 822 tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Thị phần môi giới của VCSC trên sàn HSX đã tăng từ 8,5% trong năm 2017 lên 10,95% trong năm 2018, từ đó doanh thu của hoạt động môi giới đã tăng trưởng hơn 104%. VCSC chính là đơn vị thực hiện thương vụ niêm yết cổ phiếu của Ngân hàng Techcombank và giao dịch bán cổ phiếu quỹ của Masan trong năm ngoái.

Tính đến năm 2018, VCSC có vốn điều lệ gần 1.630 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 3.643 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản chính của VCSC tại thời điểm cuối 2018 bao gồm: Các khoản cho vay đạt gần 2.800 tỷ đồng, Tài sản tài chính sẵn sàng để bán là 2.039 tỷ đồng, Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ đạt 425 tỷ đồng và Tiền mặt là 1.144 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán của bà Nguyễn Thanh Phượng đang làm ăn ra sao? - 1

Doanh thu và lợi nhuận của VCSC từ 2010 đến nay. Đơn vị: tỷ đồng

Hiện tại, Hội đồng quản trị của VCSC đang có 6 người, trong đó bà Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch. Các thành viên HĐQT còn lại là ông Tô Hải, ông Huỳnh Richard Lê Minh, ông Trần Quyết Thắng, ông Nguyễn Hoàng Bảo và ông Nguyễn Quang Bảo. Tổng giám đốc của VCSC là ông Tô Hải.

Bà Nguyễn Thanh Phượng là thành viên sáng lập của VCSC và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital Asset Management – VCAM). Bà Phượng đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của VCSC và VCAM kể từ thời điểm thành lập năm 2007. Ngoài ra Bà Nguyễn Thanh Phượng cũng là thành Viên HĐQT Ngân hàng Bản Việt.

Kế hoạch giảm sút trong năm 2019, Lãnh đạo tiếp tục không nhận thù lao

Năm 2019, VCSC đặt chỉ tiêu thận trọng với doanh thu dự kiến đạt 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 680 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện trong năm 2018, doanh thu và lãi ròng của VCSC lần lượt giảm 10% và 17,3%. Việc VCSC đặt kế hoạch đi xuống cũng là điều dễ hiểu, bởi VN-Index đã chinh phục đỉnh lịch sử trong năm 2018 và triển vọng của thị trường chứng khoán năm nay được đánh giá không quá thuận lợi. Theo số liệu từ HSX, trong quý 1/2019, thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ của VCSC đạt 10,05%, xếp thứ 3 toàn thị trường sau Chứng khoán SSI (14,54%) và Chứng khoán TPHCM (10,82%).

Công ty chứng khoán của bà Nguyễn Thanh Phượng đang làm ăn ra sao? - 2

Bà Nguyễn Thanh Phượng - Chủ tịch HĐQT VCSC

Theo tài liệu họp cho Đại hội cổ đông 2019 sẽ diễn ra vào 22/4 sắp tới, Hội đồng quản trị của VCSC sẽ tiếp tục xin ĐHCĐ không nhận thù lao cho năm 2019, tương tự như các năm trước đó. Trong ĐHCĐ năm ngoái, Chủ tịch VCSC Nguyễn Thanh Phượng cho biết: “Gần như từ lúc niêm yết đến giờ VCSC chỉ nhận một năm duy nhất. Chúng tôi vẫn duy trì truyền thống không nhận thù lao, không có một lý do gì cụ thể”. Đáng chú ý, trong năm 2018, Ban Tổng giám đốc cả VCSC vẫn nhận 8% trên phần lợi nhuận trước thuế vượt 680 tỷ đồng so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong năm nay, Ban Tổng giám đốc VCSC cũng sẽ không nhận thưởng.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VCI của VCSC đang giao dịch quanh ngưỡng 36.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ khi niêm yết vào giữa năm 2017. Vốn hóa của VCSC đạt hơn 5.900 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bết bát: Một “đại gia” cho miễn nợ 200 tỷ đồng

Gỗ Trường Thành tiếp tục lỗ khủng trong năm 2018, chìm sâu trong khủng hoảng kể từ năm 2016.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN