Công trường dự án lớn nhất Thủ đô thành bãi trông xe, cỏ dại mọc
Dù đã nhập đủ 10 đoàn tàu, thậm chí chạy thử liên động từ tháng 1/2021, nhưng tới nay (những đoàn tàu đường sắt Nhổn - ga Hà Nội) chưa được thông quan do thiếu chứng nhận đăng kiểm. Đau xót nhất, công trường dự án có nơi làm chỗ trông xe ô tô hoặc để cỏ dại mọc đầy...
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản đề xuất Bộ GTVT sửa đổi quy định liên quan tới kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện đường sắt, do gặp vướng mắc trong cấp kiểm định với các đoàn tàu đường sắt đô thị, cụ thể là tuyến Nhổn – ga Hà Nội.
Theo cơ quan đăng kiểm, dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đã nhập đủ 10 đoàn tàu vào tháng 9/2021, nhưng vẫn chưa xong đăng kiểm để hoàn thành thông quan. Để được thông quan, đoàn tàu phải qua 2 bước kiểm định, gồm bước kiểm định đoàn tàu ở trạng thái tĩnh (để làm thủ tục thông quan hàng hoá nhập khẩu); bước 2, kiểm định an toàn khi vận hành toàn tuyến để đưa vào khai thác.
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội tới nay vẫn chưa hoàn thành kiểm định do chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để phục vụ cho công tác kiểm tra, chủ đầu tư phải nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành thủ tục thông quan. Điều này, theo Cục Đăng kiểm, do dự án vẫn chưa thi công xong để đủ điều kiện chạy thử đoàn tàu phục vụ đăng kiểm.
Người dân Thủ đô chờ đợi tàu Nhổn - Ga Hà Nội trong nhiều năm. Sự chậm trễ gần 12 năm, câu hỏi trách nhiệm cần được người đứng đầu thành phố trả lời rốt ráo
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB – đại diện chủ đầu tư), đoạn trên cao của tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2021, nhưng nay tiếp tục lùi tới cuối năm 2022.
Tuy nhiên, sau nhiều lần lùi tiến độ (mục tiêu ban đầu hoàn thành năm 2015), ngay tiến độ mới nhất được lùi tới cuối năm 2022 cũng không dễ đạt được với các vướng mắc gặp phải. Đặc biệt, theo MRB, tới nay gói thầu xây dựng khu kỹ thuật (depot) mới hoàn thành 70% (sau 12 năm thi công). Do gói thầu này chưa hoàn thành khiến việc bàn giao phần hệ thống đường sắt 1 (gói thầu CP06) và hệ thống vé (gói thầu CP09) chưa thể thực hiện. Thậm chí, việc chậm trễ này kéo theo yêu cầu chủ đầu tư bồi thường và đưa vấn đề tranh chấp ra Ban xử lý tranh chấp (DB) và Trọng tài quốc tế (Singapore).
Chưa kể, một số hộ dân tại Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) nhường đất xây dựng khu depot Nhổn nhiều năm qua liên tục khiếu nại nhiều cấp liên quan tới chính sách hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Dù vậy, tới nay các kiến nghị chưa được Hà Nội giải quyết.
Theo tiến độ được gia hạn, Hà Nội đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác trước từ cuối năm 2021, nhưng dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ nên được gia hạn phần trên cao tới cuối năm 2022, chỉ còn 8 tháng nhưng tới nay thậm chí đoàn tàu còn chưa được thông quan.
Phần đi ngầm của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhưng 9 tháng qua các nhà thầu thi công ga ngầm đã dừng thi công để đòi chủ đầu tư bồi thường hơn 114 triệu USD vì chậm bàn giao mặt bằng, khiến việc thi công kéo dài so với hợp đồng.
Công trường thi công ga ngầm S12 (ga cuối, trước cổng ga Hà Nội) đã dừng thi công 9 tháng qua, nay vẫn cửa đóng then cài, công trường không bóng công nhân.
Tương tự với ga S11 (ga Văn Miếu), đường bị rào, nhà dân nham nhở, công trường thành nơi tập kết rác và trông giữ xe, một số hộ dân (bên trái) phải nhường đất cho dự án nhưng tới nay chưa di dời.
Theo bảng thông tin công bố tại công trường các ga ngầm, tiến độ thi công các ga là 60,5 tháng, tính từ tháng 2/2017, tức phải hoàn thành vào tháng 2 năm nay, nhưng thực tế hiện vẫn dừng thi công.
Công trường nhà ga S11 trở thành bãi xe, công nhân và máy móc đều rút đi, chỉ còn bảo vệ trông coi.
"Lô cốt" thi công ga S10 chắn phần lớn đường Cát Linh, khiến đoạn đường này thường xuyên ùn tắc, lộn xộn, nhưng chưa biết bao giờ được trả lại.
Cỏ mọc xanh tốt trên công trường thi công ga S10.
Tại ga S9 - ga đầu của đoạn đi ngầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, cũng là nơi đặt văn phòng điều hành cũng trong cảnh vắng vẻ.
Chưa biết bao giờ nhà thầu mới thi công trở lại để đưa dự án vào hoạt động, hoàn trả mặt đường cho người dân đi lại.
Các công trường chính của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đều rất vắng vé, dù trong giai đoạn nước rút để có thể về đích vào cuối năm tới.
Nhiều vị trí trên công trường thi công dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội trở thành bãi trông xe.
Đoạn chuyển tiếp giữa phần đi trên cao và phần đi ngầm tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang "tạm nghỉ" dài ngày.
Những toa tàu mới này còn phải phơi sương, phơi nắng chờ tiến độ đến khi nào?
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt năm 2009, do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư. Tuyến đường sắt dài 12,5km với 12 ga, trong đó có 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm. Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 783 triệu euro, sau đó điều chỉnh tăng lên hơn 1,1 tỷ euro (tăng hơn 66%). Trong đó, có 957 triệu euro vốn ODA từ 4 nhà tài trợ quốc tế, phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.
Tại quyết định phê duyệt dự án, Hà Nội dự kiến khởi công năm 2006 để hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, phải tới tháng 9/2010 dự án mới chính thức được khởi công trong chuỗi sự kiện chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và tiến độ được lùi tới năm 2015. Sau khi lùi tiến độ nhiều lần, năm 2019, Hà Nội quyết định tách phần trên cao khai thác trước vào cuối năm 2021, đoạn đi ngầm hoàn thành cuối năm 2022. Tới nay, mốc hoàn thành tiếp tục lùi lần lượt tới cuối năm 2022 và cuối năm 2023.
Đây là tình trạng không hề hiếm gặp ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ đô.
Nguồn: [Link nguồn]