Công nhân tìm việc "oai hơn ông chủ", trả 2 triệu/ngày cũng không làm
"Là người đi tìm việc nhưng chúng tôi giống như ông chủ. Chúng tôi so sánh mức lương và công việc từ các nhà máy khác nhau", Li cho biết.
Nhà tuyển dụng của các xưởng may mặc ở Trung Quốc vất vả tìm nhân công.
Sau kỳ nghỉ Tết, một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra ở “công xưởng” Quảng Châu, nơi là trung tâm dệt may chính của miền Nam Trung Quốc đã được kênh truyền hình CGTN của nước này ghi lại.
Nhà tuyển dụng từ các cơ sở sản xuất may mặc xếp hàng đông đúc trên đường phố với hy vọng sẽ thuê được công nhân.
Cầm bảng hiệu mời gọi nhiều vị trí công việc và đưa ra mức lương cạnh tranh nhưng những nhà tuyển dụng này vẫn không thể thuê đủ nhân công nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.
Thực tế, đây cũng không phải là cảnh hiếm gặp ở Quảng Châu. Cứ vào thời điểm này hàng năm, các chủ xưởng may ở nơi được gọi là "làng may mặc" này vẫn làm như vậy. Công nhân về quê ăn Tết, trong khi đơn hàng may mặc có xu hướng tăng sau kỳ nghỉ lễ.
Tuy nhiên, tuyển dụng năm nay khó khăn hơn. Ngay cả sau khi tăng lương để thu hút nhiều ứng viên, khi một số chủ xưởng chào mời mức lương lên đến 600 nhân dân tệ (hơn 2 triệu đồng) một ngày, nhiều nhà máy chỉ thuê được một đến hai công nhân mỗi ngày - hoặc đôi khi không có.
Công nhân tháo chạy khỏi ngành may
Mặc dù mức lương nghe có vẻ khá hấp dẫn đối với người ngoài, nhưng những người trong cuộc vẫn tỏ ra thận trọng. Nói với CGTN, một người tìm việc cho biết, "thu nhập cao hơn có nghĩa là khối lượng công việc lớn hơn", công nhân có thể cần phải làm việc từ 14 đến 16 giờ một ngày để lĩnh số tiền lương đó.
Công việc sử dụng nhiều nhân công thường là các công việc lặp đi lặp lại ở cùng một vị trí, trong một số trường hợp sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, đi kèm với môi trường làm việc kém.
Hơn nữa, thu nhập không ổn định cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại. Những người tìm việc cho biết mức lương hiện tại có thể cao, nhưng chắc chắn sẽ giảm khi ngày càng có nhiều công nhân đến làm việc.
Vì hầu hết họ là công nhân tạm thời, và tiền lương dựa trên số lượng sản phẩm hoàn thành nên giá mỗi sản phẩm sẽ bị thả nổi. Họ có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ cho tháng này, nhưng đôi khi ít hơn 5.000 nhân dân tệ.
Với mô hình làm việc thiếu lành mạnh và thu nhập không ổn định, nhiều người lao động đang cân nhắc lại lựa chọn ngành nghề của mình. Họ có nhiều lựa chọn như livestream bán hàng trên các trang thương mại điện tử, trở thành KOLs (người dẫn dắt ảnh hưởng), nhân viên giao hàng, cũng như tài xế xe công nghệ. Với nhiều lựa chọn hơn trên thị trường việc làm, người lao động đang quay lưng lại với công việc nhà máy vất vả.
“Chúng tôi đi tìm việc như ông chủ”
Li Kai từ ông chủ nay trở thành người đi tìm việc.
Li Kai (người được yêu cầu dùng tên giả) từng là chủ sở hữu của một xưởng may rộng 300 mét vuông và là một trong số nhiều người từng cầm bảng hiệu tuyển dụng và mẫu quần áo trên tay đi tìm công nhân.
Nhà máy của anh đóng cửa vào năm ngoái vì dịch Covid-19. Năm nay, anh và vợ đến "hội chợ việc làm" Quảng Châu với vai trò mới – đi tìm việc.
"Khoảng ba năm trước, nhà tuyển dụng đến đây cầm bảng hiệu tuyển người, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác. Là một người đi tìm việc nhưng chúng tôi giống như một ông chủ. Chúng tôi so sánh mức lương và công việc từ các nhà máy khác nhau, quyết định giờ làm việc và khi nào chúng tôi được trả lương”, Li cho biết.
Ngoài các nhà tuyển dụng cầm bảng hiệu, các tấm áp phích quảng cáo cũng được dán trên các bức tường dọc theo đường phố. Bên cạnh bức tường thông báo tuyển dụng thường là bức tường dán thông báo chuyển nhượng nhà máy.
Li nhớ lại, tình trạng thiếu công nhân là vấn đề nan giải đối với các xưởng may nhỏ thâm dụng lao động trong nhiều năm, đó cũng là một phần nguyên nhân khiến anh đóng cửa nhà máy.
“Đối với các xưởng may lớn, máy móc chắc chắn sẽ thay thế công việc của con người, chuyển từ bán tự động sang hoàn toàn tự động”, anh chia sẻ, “trong khi các xưởng nhỏ không đủ khả năng mua máy móc, cũng như không đủ sức để chống lại rủi ro”.
Tương lai ở đâu?
Theo một báo cáo trước đây do Bộ Nguồn Nhân lực và An sinh Xã hội của Trung Quốc công bố, trong số 100 ngành nghề đang thiếu hụt lao động trầm trọng trong quý IV năm 2020, "công nhân sản xuất và chế tạo" đứng hạng nhất.
Điều này không có gì ngạc nhiên trong thời đại "mọi thứ đều trở nên kỹ thuật số", khi người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ linh hoạt trong chọn lựa công việc thay vì chỉ là công nhân trong nhà máy.
Hiện Li đang học cách sử dụng các công cụ internet và kinh doanh thương mại trực tuyến, cố gắng bắt kịp thế hệ trẻ. Vợ chồng anh đang muốn làm một số công việc lặt vặt để phụ giúp gia đình vào thời điểm này.
Và đối với ngành công nghiệp sản xuất, tương lai của ngành sẽ phụ thuộc vào việc phải nâng cấp hơn nữa, hoặc các công ty quy mô nhỏ sử dụng nhiều lao động sẽ chết chìm trong làn sóng phát triển mới.
Nguồn: [Link nguồn]
"Cú đấm" Covid-19 khiến Golden Gate đối mặt với hàng loạt thách thức, nhiều nhà hàng treo biển đóng cửa, một số...