Con “tàu đắm” Vinalines gian nan tìm đường hồi sinh

Dự kiến trong nửa cuối năm 2019, Vinalines sẽ chuyển sang mô hình Công ty cổ phần.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây đã công bố kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 304 tỷ đồng, giảm 31% so với kết quả thực hiện năm 2018.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của MVN được chia làm 2 giai đoạn (mỗi giai đoạn 6 tháng) do từ ngày 01/07/2019, công ty này sẽ chuyển sang mô hình Công ty cổ phần. Cụ thể, Vinalines lên kế hoạch tổng doanh thu cả năm đạt 13.874 tỷ đồng, tăng 12% so với 2018; tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lại giảm 31% về mức 304 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty dự kiến sẽ lỗ 164 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và có lãi 468 tỷ đồng trong nửa cuối năm.

Con “tàu đắm” Vinalines gian nan tìm đường hồi sinh - 1

Tình hình tài chính của Vinalines đã có những dấu hiệu ổn định trong vài năm trở lại đây

Tổng mức đầu tư trong năm 2019 của Vinalines dự kiến là gần 2.184 tỷ đồng, trong đó gồm 1.709 tỷ đồng dùng đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm (có thể đi vay), số còn lại sẽ đầu tư tài chính bằng nguồn vốn tự có.

Vinalines cho biết sẽ thực hiện đầu tư bến 3, 4 Cảng Lạch Huyện; các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển và tiếp nhận cảng Quy Nhơn về làm thành viên của tổng công ty. Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn giữ vai trò là nhóm cảng chủ lực. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản cảng biển trọng điểm của Vinalines còn gồm cảng Liên Chiểu, cảng Vinalines Đình Vũ, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 2.

Trong năm 2019, Vinalines dự kiến sẽ thanh lý 11 tàu với tổng trọng tải 224.201 tấn, đồng thời thoái hoặc giảm vốn tại 5 doanh nghiệp thành viên.

Theo thông tin mới nhất từ Vinalines, trong quý I/2019, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt gần 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 46 tỷ đồng. Trong đó dòng tiền chủ yếu đến từ những trụ cột chủ lực của đơn vị, đó là: khối vận tải biển đạt khoảng 1.204 tỷ đồng; khối cảng biển đạt 1.087 tỷ đồng; doanh thu còn lại thuộc về khối dịch vụ hàng hải.

Cụ thể, sản lượng của khối vận tải biển ước đạt hơn 5,2 triệu tấn, trong đó sản lượng container đạt khoảng 74.000 Teus. Khối cảng biển có sản lượng hàng hóa thông qua đạt gần 24 triệu tấn (tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó sản lượng container đạt hơn 1.150 Teus (tăng 42,1% so với cùng kỳ). Theo báo cáo của lãnh đạo Vinalines, trong quý I, khối dịch vụ hàng hải, lợi nhuận đạt mức thấp (8,5%) so với kế hoạch do một số nguyên nhân chính như: giá cước bất ổn sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, thị trường khai thác bãi container và kho CFS (địa điểm thu gom hàng lẻ) tiếp tục cạnh tranh gay gắt do nguồn cung dịch vụ kho bãi tăng…

Từ đầu những năm 2000, Vinalines từng được xem là "cánh chim đầu đàn" của ngành vận tải biển Việt Nam, giữ vị thế độc quyền với đội ngũ tàu “khủng”, kỳ vọng trở thành thương hiệu vận tải biển hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2008, Vinalines bắt đầu ngập sâu trong nợ nần, thua lỗ nghiêm trọng. Năm 2014, lỗ lũy kế của Vinalines lên tới hơn 22.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả ở mức 57.600 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Vinalines sau đó đã nêu lý do là trong giai đoạn 2006 - 2010, Vinalines đã đầu tư đội tàu với giá trị mua quá cao, chi phí vận hành rất lớn. Kết luận của Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý vốn nhà nước dẫn đến thất thoát tài sản công. Đặc biệt hơn là sự thiếu minh bạch trong công bố thông tin tài chính khiến cho tình trạng thất thoát tài sản kéo dài.

Mặc dù Vinalines đã công bố có lợi nhuận từ năm 2016, tuy nhiên nguồn thu dẫn đến lãi chủ yếu lại đến từ các khoản lợi nhuận khác. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vinalines vẫn thua lỗ triền miên. Cụ thể, báo cáo tài chính cho thấy, năm 2016 công ty lỗ thuần 2.171 tỷ đồng, năm 2017 lỗ thuần 537 tỷ đồng và năm 2018 tiếp tục lỗ hơn 137 tỷ đồng. Điểm tích cực là lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh cũng đã giảm đáng kể qua các năm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018 vừa công bố, Vinalines vẫn đang có khoản lỗ lũy kế là 2.817 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của công ty ở mức 17.231 tỷ đồng, giảm đáng kể so với cuối năm 2017, trong đó, nợ vay ngân hàng là 8.540 tỷ đồng.

Loạt tỷ phú mất tiền, riêng “nữ tướng” Vietjet kiếm gần 300 tỷ

Thị trường chứng khoán kết thúc một tuần giao dịch chao đảo với phiên hồi phục nhẹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN