Cơn sốt ảo đi qua, nỗi lo thật ở lại
Cách đây hơn một tuần, xe ôtô (nhiều nhất là biển số TP Hồ Chí Minh) ùn ùn kéo về xã Bình Ba, huyện Châu Đức (Bà Rịa- Vũng Tàu), đậu nối đuôi hàng cây số để tranh nhau mua đất. Đất tại đây bỗng dưng sốt, giá trên trời. Nhưng rồi ít ai nghĩ rằng, cơn sốt đất chóng đến rồi cũng mau đi, trả lại sự bình yên vốn có ngày nào cho vùng quê này.
Hiện tại, còn quá sớm để xác định ai là nạn nhân trong cơn sốt đất ảo nhưng có một điều chắc chắn rằng, hệ lụy do cơn sốt ảo này để lại là thật, không hề nhỏ…
Vắng khách mua, đầy “cò” đất
Trong hai ngày 21 và 22/2, PV đã đến xã Bình Ba khi cơn sốt đất đã không còn. Tuy nhiên, các “cò” đất thì vẫn hoạt động khắp các tuyến đường, len lỏi trong các thôn xóm, hễ thấy bóng dáng người lạ mặt là vây quanh chào mời mua đất.
Đất trồng tiêu, chuối ở Bình Ba được rao bán với giá 250 triệu đồng/mét ngang.
Anh Định, một người dân địa phương cho biết các “cò” này đang ráo riết “giải cứu” cho những người đã trót mua đất nhưng chưa tìm được mối để bán lại. Anh Định cũng cho hay, nhiều người dân địa phương đã bán đất từ trước khi cơn sốt xảy ra với giá dao động trên dưới 100 triệu đồng/mét ngang. “Đây là giá thật theo thị trường lúc bình thường, còn giá hiện nay là do các đối tượng đầu cơ phối hợp với cò “thổi” giá”, anh Định cho biết thêm.
Chỉ tay về hướng quốc lộ 56, ông Tám Thành, một người dân địa phương cho biết, giá đất bình thường ở mặt tiền này dao động từ 250-300 triệu/mét ngang nhưng nay được “bán” với giá gấp đôi; ở vị trí đẹp lên đến gấp ba.
Tìm đến quán cà phê nơi tập trung nhiều “cò” đất, chúng tôi vừa dừng xe đã có 2 “cò” đất 1 nam 1 nữ tìm đến làm quen. Chúng tôi chưa kịp nói gì thì các tay “cò” đã huyên thuyên về dự án 800ha sắp được triển khai và khẳng định chắc nịch “đất ở đây chỉ lên giá chứ không xuống nữa, chỉ cần sang tay hôm trước hôm sau đã lời. Mấy chị cứ mua đi rồi gửi lại để tụi em bán cho”.
Hỏi thủ tục giấy tờ, người thanh niên tự xưng tên Hiệp cho hay, đất đều có sổ nhưng chỉ mua bán qua giấy tay, còn tách thửa thì… tính sau!. Thấy tôi gật gù, hai tay “cò” hối thúc chúng tôi uống nước nhanh để họ dẫn đi xem đất, đảm bảo đầu tư sinh lợi.
Theo chân hai “cò”, chúng tôi đến nhiều khu vực trồng tiêu, trồng chuối trong các con hẻm đất đỏ nhưng cũng bị hét với giá 250 triệu đồng/mét ngang. Tôi than không có nhiều tiền để mua cả thửa đất, “cò” Hiệp nói mua đến đâu thì “cắt” đến đó. “Đất này dài hơn 100m, chị chỉ cần mua 5 mét ngang là đủ diện tích để tách thửa rồi. Diện tích như vậy cũng dễ bán lại lắm”, “cò” Hiệp nói tiếp.
Thấy chúng tôi lắc đầu, chê giá cao, đường nhỏ, “cò” Hiệp bỏ đi rồi nói trỏng: “Không mua thì nói cho rồi, mắc công tốn công sức, tiền xăng”. Theo một số “cò”, “cò” Hiệp bực bội vì trước đó ít ngày, Hiệp môi giới bán đất như bán rau, bán cá ngoài chợ, tiền vô như nước dù chẳng tốn công sức gì.
Một phụ nữ tầm 60 tuổi, chủ một quán ăn ven quốc lộ khi nghe chúng tôi tìm mua đất mặt tiền quốc lộ liền giới thiệu 1 miếng 16 mét ngang giá 12 tỷ và một miếng 12 mét ngang với giá 750 triệu/mét ngang. “Đất bán chính chủ không qua cò. Hai miếng này đều gần dự án 800ha của Vingroup. Giờ mà không mua, tới khi triển khai dự án thì không “rớ” tới nổi đâu”, người phụ nữ nói thêm.
Do giá đất đã được “thổi” lên cao nên hiện tại ở xã Bình Ba, người dân rao bán đất không thông qua “cò” cũng “hét” với giá trên trời. Tuy cơn sốt đất chỉ còn là quá khứ, nhưng trong những ngày chúng tôi đến, ghé bất cứ quán xá nào cũng nghe người dân bàn tán xôn xao về chuyện bán đất trong mấy ngày xảy ra cơn sốt. Có người mừng rơn vì trúng mánh bán với giá cao, người tiếc rẻ vì bán giá thấp; nhiều gia đình nghèo khó bỗng chốc “lên đời”, mua sắm xe cộ, tiện nghi cho gia đình; nhiều người gia đình lục đục, con cái gây gổ vì tiền bạc bán đất chia không đều…
Tránh xa khu vực sốt đất “ảo”
Một cán bộ xã Bình Ba cho biết, tình hình rao bán đất tại địa phương diễn ra “nóng” nhất là vào ngày 10 và 11/2. “Đâu phải chỉ ban ngày mà tới 9-10h đêm, nhiều người vẫn tập trung hai bên quốc lộ, sử dụng đèn pin để dẫn khách vào xem đất. Mấy hôm đó, giá đất thay đổi theo từng giờ”, cán bộ này thông tin.
Trước diễn biến phức tạp về giao dịch đất đai trên địa bàn, UBND xã đã báo cáo với UBND huyện Châu Đức, đề nghị UBND huyện Châu Đức có văn bản thông tin cụ thể, liên quan về dự án tại khu vực trên, để xã có phương án tuyên truyền và thông tin đến người dân.
Để người dân tránh sập bẫy cơn sốt đất ảo, UBND xã Bình Ba đã cho dựng khá nhiều pano cảnh báo: “Tại khu vực này không có bất kỳ dự án phân lô, bán nền nào được phê duyệt. Đề nghị người dân không giao dịch mua bán”.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Đức, thông tin về việc 2 dự án của một tập đoàn lớn đầu tư tại huyện Châu Đức chỉ mới được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đồng ý chủ trương để khảo sát nghiên cứu tại xã Bình Ba và thị trấn Ngãi Giao.
Hiện tại trên địa bàn huyện Châu Đức cũng chưa có dự án nhà ở nào cả. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác với việc nhiều cá nhân lợi dụng giá đất tăng cao tự lập bảng vẽ, phân lô bán nền trên đất nông nghiệp.
Vẫn theo xác nhận của chính quyền địa phương, hầu hết các giao dịch chuyển nhượng trong những ngày xảy ra cơn sốt ảo đều giao dịch bằng giấy tay nên rất dễ phát sinh rủi ro mà người gánh chịu là người mua đất cuối cùng.
Thực tế cho thấy, việc chuyển nhượng bất động sản không thông qua công chứng theo quy định của pháp luật rất dễ phát sinh tranh chấp không chỉ giữa người bán và người mua mà ngay cả trong nội bộ của gia đình người chuyển nhượng. Nếu người mua cuối cùng vay tiền ngân hàng để chuyển nhượng đất thì rất dễ “ôm hận” khi phải nai lưng đóng lãi hằng tháng mà đất thì vẫn “đóng băng” vì không bán lại được, bị tranh chấp, bị vướng quy hoạch…
Từ thực tế các cơn sốt đất ảo ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Đức Hòa (Long An), Long Thành (Đồng Nai)… cho thấy, “kịch bản” đã diễn ra tương tự tại Bình Ba. Người hưởng lợi chính là các “nhà đầu tư lướt sóng” và “cò” – đối tượng môi giới. Chính “các nhà đầu tư” này đã có kế hoạch từ trước, âm thầm mua đất với giá khá rẻ ở những khu vực mà họ dự định “kiếm mồi” rồi dùng nhiều cách để tung tin, “thổi” giá lên cao ngất ngưởng và ôm tiền khoản tiền lãi kếch xù rồi “biến mất”.
“Nhiều khu đất nông nghiệp ở Bình Ba được bán với giá trên dưới 500 triệu đồng/mét ngang có chiều dài khoảng 100m. Tính ra mỗi m2 tương đương 5 triệu đồng, đó là một cái giá không tưởng đối với đất nông nghiệp, nên tôi nghĩ người ôm đất sau cùng chắc chắn sẽ không có lối ra vì chẳng ai dám mua lại với giá cao ấy hơn nữa”, một cán bộ UBND xã Bình Ba khẳng định.
Ngay sau sự việc sốt đất ảo ở Bình Ba, nhằm đảm bảo sự ổn định và trật trật tự trên địa bàn, UBND huyện Châu Đức đã chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, rà soát việc tự ý tổ chức xây dựng hạ tầng, phân lô, tách thửa, bán nền đất trái phép trên địa bàn quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
UBND huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan Công an huyện phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã kiểm tra, xử lý tình trạng tụ tập đông người, gây mất trật tự ATGT tại các khu đất diễn ra hoạt động giao dịch về đất đai…
Theo ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, hiện nhà đầu tư mới chỉ được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư tại huyện Châu Đức và đây là dự án có quy mô lớn, còn phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Các thông tin đăng tải trên mạng xã hội không phải là thông tin chính thức từ nhà đầu tư này, vì vậy người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh, không bị tác động bởi hiệu ứng đám đông, tham gia đầu cơ đất, có nguy cơ thiệt hại kinh tế cao cho bản thân và gia đình. “Trường hợp phát hiện các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đăng tải nội dung không chính xác về dự án của nhà đầu tư này tại địa phương, các cơ quan, đơn vị cần kịp thời phản ánh về Phòng Kinh tế và Hạ tầng để tham mưu, đề xuất UBND huyện biện pháp xử lý theo quy định”, ông Hoàng Nguyên Dinh đề nghị. |
Câu chuyện cô gái trẻ kiếm được gần 2 tỷ đồng và đã mua đất tại Hà Nội sau hơn 3 năm ra trường đi làm ở tỉnh...
Nguồn: [Link nguồn]