Con nhà giàu và con nhà nghèo chi tiêu Tết thế nào?
Tết Nguyên đán là sinh hoạt văn hóa cổ truyền quan trọng nhất trong năm của người Việt.
Lo sắm sửa Tết với người giàu từ xưa đến nay luôn là chuyện nhỏ, vì họ rủng rỉnh đồng tiền. Với tầng lớp này, Tết sẽ không sang trọng, tao nhã nếu thiếu hoa thủy tiên, đây là sự khác biệt với Tết người nghèo.
Trong thời đại ngày nay, nhà giàu ăn Tết theo cách nhà giàu. Người bận rộn ăn Tết có thể qua loa; các bác sĩ, bộ đội, công an... có thể đón Tết ngay nơi làm việc; các bạn trẻ gần đây lại thích Tết là phải đi du lịch và ăn Tết ở một nơi xa...
Tết của người giàu và của người nghèo khác nhau như thế nào?
Tết của con nhà giàu tiêu cả trăm triệu
Con nhà giàu thường chi rất nhiều tiền vào dịp Tết nguyên đán cho các hoạt động mua sắm, vui chơi như: đi du lịch, mua quần áo đồ dùng hàng hiệu.
Mai Phương (sinh năm 2000, TP. Hà Nội) vừa mới tốt nghiệp đại học, chưa đi làm nhưng đã chuẩn bị khoản tiền 100 triệu để tiêu Tết. Trong đó chủ yếu là mua đồ dùng cá nhân như quần áo hàng hiệu, túi xách và mỹ phẩm.
Gia đình có điều kiện, việc đi lại và tiền mua đồ dùng thiết yếu đã có bố mẹ lo, cô chỉ việc ôm số tiền khoảng 100 triệu đồng để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Trong khi đó, Đức Huy, đang là một học sinh lớp 11 cho biết, cứ Tết là bố mẹ chu cấp tiền để tiêu thoải mái, số tiền mấy chục triệu để tự do mua sắm cũng chẳng hết, sau Tết đi học cũng còn dư ra để tiêu xài cùng bạn bè.
Huy cho biết, năm ngoái bố mẹ cho khoảng 50 triệu tiêu Tết, lúc đó em còn là học sinh lớp 10 không có nhu cầu mua sắm nhiều, nên còn thừa tiền tiêu cả năm, muốn mua gì thì mua trong khoản tiền bố mẹ cho, nhưng hầu như quần áo, đồ dùng đã có bố mẹ mua rồi.
Có thể thấy, nhà giàu đón năm mới thường chi tiêu rất nhiều, có gia đình chi hàng tỷ đồng phục vụ Tết, việc mua sắm đồ đạc để đón năm mới thường không thành vấn đề với giới giàu có. Con nhà giàu cũng không phải lo bất cứ thứ gì, chỉ mang tiền ra để tiêu xài.
Tết của người nghèo
Ngược lại, đối với những gia đình không có điều kiện, Tết đến, niềm vui lớn nhất của các em nhỏ cũng chỉ là được sắm bộ quần áo mới mấy trăm nghìn đồng. Hoàng (sinh viên năm 2, một trường đại học tại Hà Nội), những ngày cận Tết không dám đi ra ngoài nhiều, ở lại phòng trọ ăn mỳ gói thay cơm vì sợ tiêu vào số tiền dự trữ để mua vé xe về miền Trung đón năm mới cùng gia đình.
“Gia đình không có điều kiện, nên Tết đến cũng không có tiền tiêu, đi học xa về năm mới chỉ chờ mỗi tiền lì xì từ người lớn, cũng chỉ được khoảng 1 đến 2 triệu đồng mùa Tết, dành dụm để ra Tết trở lại trường có cái mà ăn”, Hoàng nói.
Hoàng cho biết không có kế hoạch mua sắm quần áo mới, về nhà có gì thì ăn cái đấy, không có tiền đi chơi chợ Tết, chỉ phụ thuộc vào sự chuẩn bị của bố mẹ.
Ngày Tết với người nghèo thì có nhiều thứ phải lo toan. Để có nồi bánh chưng, họ phải tính gạo, tính đậu trước đó hàng tháng, rồi còn phải thương lượng "đụng" chung con lợn mới có thịt gói bánh, thậm chí lên rừng hái lá dong về dùng thay vì ra chợ mua.
Từ trong năm đã phải tích trữ thực phẩm, tiền bạc để có kinh phí chi tiêu vào dịp năm mới. Những người không có điều kiện kinh tế thường chuẩn bị mọi thứ từ trong năm, vại dưa hành cũng phải muối sớm, sao cho đến Tết là vừa chua lại không phải mua nguyên vật liệu đắt đỏ.
Chuẩn bị lo quần áo mới cho trẻ con trong gia đình để có tấm áo mới vào dịp Tết, chứ đến Tết nhất không thể úi xùi, mặc quần áo cũ rách được. Mặc như thế chúc Tết bà con chòm xóm thấy áy náy sợ người ta nghĩ mang cái nghèo đến cho họ. Người lớn thì có thể sử dụng được quần áo cũ, nhưng đối với trẻ con thế nào cũng phải may. Gần Tết các nhà may đóng cửa không nhận hàng nên tháng 10, tháng 11 đã phải nghĩ đến chuyện may quần áo rồi. Xong quần áo lại lo quà Tết cho bên nội, bên ngoại, cho thầy cô giáo dạy con mình, ai ở nhà thuê thì không thể không có gì cho nhà chủ.
Nhưng cái sợ nhất đối với người nghèo là năm hết tết đến phải lo trả nợ, không nhiều thì ít, ai chẳng vướng công nợ. Mặt mày hớn hở nếu chỗ nào khất được và chỉ còn việc tính lãi gộp vào nợ cũ là xong, chỗ nào không khất được thì chạy ngược, chạy xuôi đi vay. Cuối năm lãi cắt cổ cũng đành phải gật vì không thu xếp trả được chủ nợ thuê đám "côn đồ" đến phá phách, làm ầm ĩ phố phường thì ăn Tết không yên, rồi còn mặt mũi nào nhìn bà con chòm xóm.
Tết của nhà nghèo thường phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí, từ đi lại cho cả gia đình, mua sắm các đồ dùng thiết yếu. Theo đó, để lo cái Tết chu đáo thì phải có tiền, mỗi mùa Tết ít nhất cả gia đình cũng phải có từ 15 – 20 triệu đồng mới đủ các hoạt động mua sắm cho cả gia đình.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãi suất ngân hàng tăng, thị trường đầu tư nhiều biến động, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải cắt bớt các chi phí bằng cách giảm lương nhân viên, thậm chí là cho...