Cò đất bát nháo ở Quảng Ngãi: Nhiều hệ lụy, khó xử lý!
Sở TN&MT Quảng Ngãi thừa nhận nạn phân lô tách thửa ở nông thôn để lại nhiều hệ lụy đối với công tác quản lý và xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh chặt, xã lỏng, "cò" lợi dụng hiến đất mở đường...
Trao đổi với PV về nạn cò đất tung hoành phân lô bán nền, nhốn nháo dân cư trên địa bàn Quảng Ngãi (Báo Giao thông vừa có bài phản ánh), Quyền giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung cho biết, vấn nạn đang được tỉnh, đơn vị chức năng rà soát, xử lý.
Thực tế, tình trạng này diễn ra nhiều năm nay, có cả hoạt động tự phát và lách chủ trương chính sách về hiến đất, tách thửa... Từ năm 2021, Sở TN&MT có tham mưu UBND tỉnh tạm dừng việc tách thửa trên địa bàn một số địa phương.
Một khu đất ở trên địa bàn xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa sau bàn tay "nhào nặn" của cò đất đã được hô biến thành khu dân cư.
Quảng Ngãi cũng có các quy định chặt chẽ về phân lô, tách thửa, hiến đất làm đường với các quy trình rõ ràng nhằm chấn chỉnh nạn phân lô nền này.
Theo đó, để đảm việc nâng đất ở 100% đối với một thửa đất và hiến đất làm đường giao thông, chủ đất phải có hồ sơ xin hiến đất, được UBND xã, huyện công nhận địa phương. Trên cơ sở đó, ngành chức năng địa phương sẽ điều chỉnh lại quy hoạch, đưa phần đất đã hiến vào hạ tầng giao thông chung không còn là đất của cá nhân đó nữa.
Khi đó, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó và tiến hành điều chỉnh diện tích đất, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.
Ông Trung cho hay, phía ngành TNMT cũng tham mưu tỉnh chỉ giải quyết cho các trường hợp người dân có nhu cầu thực sự và chính đáng. Còn việc người dân tự phân lô chừa đường thì cơ quan có thẩm quyền không công nhận.
Những khu đất ở nông thôn huyện Tư Nghĩa sau các "thủ thuật" của cò đất đã trở thành khu dân cư với hàng chục lô đất nền mà trước đó chỉ là mọt thửa đất ở nông thôn vỏn vẹn 200m2 đất ở.
Tuy nhiên, nếu cấp xã buông lỏng, không sát sao đánh giá nhu cầu dễ bị các chủ đất, cò đất lợi dụng để phân lô nền dưới hình thức hiến đất làm đường, gây nhiều hệ lụy.
Thực tế, thay vì nhu cầu chính đáng, nhiều trường hợp mua đất chừa đường và thực hiện phân lô tách thửa để kinh doanh bất động sản, khi đó sẽ làm phá vỡ quy hoạch chung, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới....
Nhiều hệ lụy, khó xử lý?
Dẫn chứng việc này, ông Nguyễn Đức Trung cho biết, đối với Đảo ngọc (xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi) trong giai đoạn trước cơ quan có thẩm quyền cho phép các chủ đất được nâng đất ở, tách thửa tràn lan dẫn đến hòn đảo này hiện có hàng trăm thửa đất được cấp mới.
Khi cơ quan nhà nước thực hiện dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc gặp khó khăn trong công tác đền bù, tái định cư. Đối với, một số nhà đầu tư tìm đến đầu tư dự án phát triển đô thị thì “chùn chân” vì muốn thực hiện dự án phải tìm được quỹ đất tái định cư lên đến hàng nghìn lô đẻ bố trí tái định cư cho người dân.
“Đây là vấn đề bất cập nhưng không ai cảnh báo hay kiểm soát dẫn đến hệ lụy. Trước kia, hồ sơ đất đai của tỉnh đa phần chỉ sử dụng một phần đất ở trong tổng diện tích đất và người dân được quyền tách đôi thửa đất. Lúc này có 2 thửa đất đều có đất ở và đất trồng cây hằng năm rồi sau đó các thửa đất này lại tiếp tục được “xé lẻ” ra. Nhận thấy điều này nên ngành TN&MT mới tham mưu UBND tỉnh trong việc siết nạn phân lô bán nền”, ông Trung nói.
Trước câu hỏi xử lý vấn nạn này sao?-, ông Trung nói rằng: "rất khó khăn, vì trước kia không ai dừng hết, khi tôi tiếp quản người đứng đầu ngành tài nguyên nên mới mạnh dạn thực hiện việc dừng này. Hệ lụy giai đoạn trước để lại là rất lớn, không kiểm soát được giờ rất khó để xử lý.
Ngành TN&MT Quảng Ngãi thừa nhận nạn tách thửa, phân lô bán nền để lại nhiều hệ lụy.
Theo ông Trung, việc chừa đường tách thửa giữa quy định và thực tiễn rất khó. Đơn cử như các “dự án” mà Công ty CP Địa ốc Song Hành có trụ sở tại TP.Quảng Ngãi thực hiện trên địa bàn các xã như Nghĩa Thuận, Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), Tịnh Phong (Sơn Tịnh), thời điểm đó đơn vị này đứng tên cá nhân để thực hiện hồ sơ xin chừa đường tách thửa và phân lô vì các văn bản có quy định liên quan cho phép hộ gia đình, cá nhân được phép tặng, cho nhà nước quyền sử dụng đất để mở đường. Như vậy, Công ty Song Hành làm như vậy thì sai chỗ nào?
“Quan trọng ở đây là được chính quyền UBND xã đồng ý. Nếu địa phương đồng ý thì họ mới thực hiện quyền đăng ký nâng hạn mức đất ở, tách thửa và Sở TN&MT theo đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Ngành Tài nguyên không thể “ách” lại được vì không có quy định. Làm như vậy là sai”, ông Trung phân bua.
Như Báo Giao thông đã có bài “Cò đất tung hoành, làng quê nhốn nháo phân lô bán nền”, phản ảnh tình trạng cò đất tìm về các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Tư Nghĩa mua đất của người dân địa phương rồi nâng hạn mức đất ở, tiến hành các thủ tục tách thửa, phân lô bán nền tạo cơn sót đất ảo và hệ lụy phía sau là những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Những làng quê nghèo khó, đất đai bạc màu được thổi giá lên tiền trăm triệu, tiền tỷ.
Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc chỉ đạo UBND huyện Tư Nghĩa kiểm tra và báo cáo tỉnh trước ngày 15/9/2022.
Căn nhà xây dựng trên khu vườn của gia chủ mà vẫn giữ nguyên được 11 cây lớn trong vườn.
Nguồn: [Link nguồn]