Cỡ 9 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng mỗi năm, Starbucks đóng cửa vì lý do gì khác?
Việc Starbucks Việt Nam đóng cửa cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất tại TPHCM - Starbucks Reserve Hàn Thuyên - vì giá thuê mặt bằng quá cao hay bởi một lý do nào khác?
Starbucks Việt Nam thông báo sẽ đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên từ ngày 26/8 tới, sau 7 năm hoạt động. Đây là cửa hàng cà phê cao cấp đầu tiên và duy nhất tại TPHCM.
Trước đó, năm 2021, Starbucks Việt Nam cũng đóng cửa hàng đắc địa tại khách sạn REX ngay gần phố đi bộ Nguyễn Huệ. Như vậy, Starbucks chỉ còn duy nhất cửa hàng Reserve trên phố Nhà Thờ, Hà Nội.
Quyết định đóng cửa Starbucks Reserve Hàn Thuyên khiến nhiều người bất ngờ và nuối tiếc, bởi đây là một địa điểm rất nổi tiếng, được nhiều người yêu thích và hay lui tới. Hầu hết bình luận trên trang Facebook chính thức của Starbucks Việt Nam đều tỏ ra tiếc nuối với những món đồ uống “ngon nhất Sài Gòn”, vị trí đắc địa, view đẹp...
Thông thường, một thương hiệu lớn có thể ký hợp đồng thuê mặt bằng 5 năm, thường thì lên tới 10 năm. Starbucks Reserve Hàn Thuyên đã hoạt động được 7 năm. Căn nhà cho hãng đồ uống này thuê có diện tích chiều ngang 8,5m, dài 25m, tổng diện tích khoảng 210m2, một trệt và hai lầu. Nơi đây có vị trí đắc địa khi nằm đối diện công viên 30/4 và cách không xa nhà thờ Đức Bà.
Starbucks Việt Nam có cửa hàng Reserve duy nhất tại TPHCM, số 11-13 Hàn Thuyên, quận 1. Ảnh: ST
Starbucks Việt Nam không đưa ra lý do nhưng cho hay đã "cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố" và khẳng định sẽ sớm mở một chi nhánh Reserve mới ở vị trí khác, với những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Thông tin trên các trang môi giới mua bán, cho thuê cho thấy, giá thuê một khuôn viên tương tự như vậy thường rơi vào khoảng 750 triệu đồng/tháng, cao gần gấp đôi so với thời điểm cách đây 7 năm.
Đây là một con số rất lớn. Mỗi ngày, cửa hàng phải trả 25 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, mỗi năm là 9 tỷ đồng, chưa kể tiền nhân công cũng như rất nhiều chi phí khác.
Trong khi mỗi cốc đồ uống ở Starbucks Reserve Hàn Thuyên có giá từ 65.000-200.000 đồng. Nếu tính trung bình 100.000 đồng thì cửa hàng này phải bán 250 cốc/ngày mới chỉ đủ trả tiền thuê mặt bằng. Tính thêm chi phí khác, cửa hàng phải bán được hàng trăm cốc khác mới thu được số tiền đủ để trả chi phí, hòa vốn hay có lợi nhuận.
Với một vị trí đắc địa như vậy, Starbucks Reserve Hàn Thuyên rất hút khách. Tuy nhiên, quán được xem là khá khiêm tốn so với những cửa hàng cao cấp Reserve tại nhiều nước.
Bên cạnh đó, Starbucks Reserve Hàn Thuyên bị khách hàng phàn nàn khi gặp khó về chỗ đậu xe ô tô do có vị trí quá đắc địa. Đây có lẽ là lý do khiến cửa hàng không đông khách từ sáng tới tối, 24/7, như một số quán cà phê thương hiệu lớn khác gần đó.
Nhiều khả năng, số tiền thu được không gánh nổi tiền thuê mặt bằng.
Giá thuê ở Hàn Thuyên rất cao. Nguồn: BĐS
Trên thực tế, với một số thương hiệu nổi tiếng như Starbucks, những cửa hàng flagship ở những vị trí đắc địa như Starbucks Reserve Hàn Thuyên đã thuê được xem rất cần thiết để nuôi dưỡng tên tuổi của tập đoàn này.
Việc thua lỗ ở một địa điểm đắc địa, chủ yếu để thể hiện đẳng cấp thương hiệu, và có lãi tổng thể trong toàn chuỗi là điều chấp nhận được.
Hơn thế, xu thế mặt bằng cho thuê ở các vị trí đắc địa tăng lên theo thời gian là không thể tránh khỏi. Trong khi các mặt bằng thương mại khác có thể giảm giá khi xu hướng bán hàng trực tuyến trở nên phổ biến, thì giá cho thuê ở các vị trí đắc địa vẫn có tốc độ tăng nhanh.
Việc giá cho thuê tăng lên theo thời gian (dù đã rất cao) cũng dễ hiểu, nhất là giá bất động sản tăng không ngừng. Hơn thế, vị trí đắc địa là rất hiếm. Giá các bất động sản ở những vị trí kim cương như vậy tiếp tục tăng mạnh trong thời gian qua, kể cả khi thị trường bất động sản trầm lắng. Tình trạng đó cũng diễn ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, như Anh, Mỹ và cả Trung Quốc.
Theo các chuyên gia trên CNBC, giới siêu giàu Trung Quốc đang đổ tiền vào bất động sản siêu sang, trong vài năm gần đây họ không còn đầu tư nhiều vào cổ phiếu và bất động sản phổ thông.
Chẳng hạn, tại Trung Quốc, những bất động sản sang trọng ở Thượng Hải được xem là tài sản có giá trị giúp những người siêu giàu Trung Quốc cất giữ tiền trong khi đây lại là các tài sản có thanh khoản rất cao, dễ dàng bán lại.
Giá bất động sản ở các vị trí đắc địa có xu hướng tăng lên. Nguồn: BĐS
Còn ở Việt Nam, bất động sản tại một số vị trí đắc địa cũng tăng rất mạnh. Một loạt căn hộ chung cư hàng hiệu ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được bán với giá 1-2 tỷ đồng/m2. Đất ở nhiều địa điểm vàng đã vượt xa ngưỡng 1 tỷ đồng. Thậm chí, khu ngoài vành đai 3 Hà Nội, ở vị trí đẹp giá biệt thự cũng lên tới 1 tỷ đồng/m2.
Khảo sát trên một số trang bất động sản, giá đất mặt phố Hàn Thuyên TPHCM đang được rao mua - bán ở mức 1-3 tỷ đồng/m2. Với khoảng 210m2, giả sử bán với giá khoảng 250 tỷ đồng rồi gửi ngân hàng mỗi năm cũng thu về khoảng 15-20 tỷ đồng tiền lãi, tương đương mỗi tháng thu về 1,25-1,6 tỷ đồng.
Con số cho thuê 750 triệu đồng/tháng có lẽ cũng không quá bất ngờ. Trong tương lai, giá thuê vẫn có thể tăng thêm.
Starbucks Việt Nam không đưa ra lý do đóng cửa hàng Hàn Thuyên. Nhưng nhiều người cho rằng, có khả năng là hết hợp đồng, chủ nhà tăng giá cao hoặc đổi chủ mới, khi mà nhu cầu mua bất động sản siêu sang ở Việt Nam được cho là rất lớn.
Giá thuê cao có thể là một lý do và có khả năng còn nguyên nhân khác. Nhưng một thực tế là TPHCM phát triển mạnh ở nhiều nơi, đa trung tâm, chứ không chỉ ở quận 1. Do vậy, còn nhiều vị trí đắc địa không kém cho các lựa chọn tiền thuê bạc tỷ.
Sau 30 phút mở bán, tiệm vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) thông báo hết vàng nhẫn, ai may mắn lấy được số cũng chỉ được mua 1 lượng. Nhiều người chờ bên ngoài xem có ai bỏ về thì chèn vào.
Nguồn: [Link nguồn]