Các Tiktoker vượt mặt dân ngân hàng, kiếm nửa triệu USD/năm

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Phố Wall vốn được xem là lãnh địa của dân ngân hàng, đầu tư với mức lương “siêu khủng”. Tuy nhiên, một thế lực mới đang nổi lên đe doạ sự thống trị này.

Mới đầu, không ai có thể giải thích lý do tại sao hoạt động kinh doanh tại Betterment, công ty chuyên về tư vấn tự động cho các nhà đầu tư mới, lại khởi sắc bất ngờ. Mỗi ngày, có khoảng 10.000 lượt đăng ký mới sử dụng dịch vụ.

Sau đó, câu trả lời được hé lộ, tất cả là nhờ một TikToker 25 tuổi tên Austin Hankwitz đã đăng video chia sẻ cách để trở thành triệu phú khi nghỉ hưu chỉ bằng cách dùng nền tảng Betterment. Những Tiktoker như anh Hankwitz đại diện cho một thế lực mới trên phố Wall: “finfluencer” hay hiểu đơn giản là những KOL tài chính.

Trước phố Wall, giới KOL đã thành công chinh phục thị trường thời trang, làm đẹp, phim ảnh… Những KOL phố Wall có thể giải thích những thuật ngữ tài chính khô khan, khó hiểu như đầu tư thụ động, khai thác thuế lỗ dưới dạng những video hài hước, đầy âm nhạc và màu sắc, vô cùng dễ dàng tiếp cận thế hệ Y và Gen Z.

Khách hàng cá nhân đang là mỏ vàng của các công ty đầu tư, tài chính. Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người ngồi nhà rảnh rỗi muốn tìm cách đầu tư. Theo thống kê của công ty phân tích App Annie, số giờ dành cho các ứng dụng giao dịch và đầu tư tại Mỹ đã tăng 90% so với năm trước. Việc đầu tư chứng khoán qua điện thoại di động cũng tăng vọt. Chính vì vậy nhiều công ty tài chính phố Wall đang “săn lùng” tuyển dụng các KOL tài chính còn ráo riết hơn nhân viên đầu tư, giao dịch.

Dân ngân hàng muốn bỏ việc làm TikToker

Mới chỉ năm ngoái, anh Hankwitz vẫn đang ngồi cặm cụi ngồi trong 4 bức tường văn phòng, làm việc cho các thương vụ mua bán và sáp nhập của một công ty chăm sóc sức khỏe. Giờ đây với gần 500.000 người theo dõi trên TikTok, anh thường xuyên gặp gỡ các CEO phố Wall để hỗ trợ tiếp thị sản phẩm. Thậm chí anh còn được mời vào ngồi trong hội đồng quản trị của một công ty.

Nghỉ việc văn phòng chuyển sang làm TikToker, anh Austin Hankwitz có thu nhập khoảng 500.000 USD/năm. Nguồn: Bloomberg

Nghỉ việc văn phòng chuyển sang làm TikToker, anh Austin Hankwitz có thu nhập khoảng 500.000 USD/năm. Nguồn: Bloomberg

Hankwitz tính phí từ 100 đến 200 triệu VNĐ cho mỗi bài đăng TikTok của mình. Một số công ty khác thì trả anh khoảng 600 nghìn VNĐ cho mỗi khách hàng đem về. Chưa hết, có công ty còn chia cổ phần cho anh Hankwitz để anh sử dụng biểu đồ của họ trên clip của mình. Mới từ bỏ công việc văn phòng 6 tháng trước, anh Hankwitz ước chừng thu nhập của mình đã lên tới nửa triệu USD, tương đương hơn 11 tỷ VNĐ trong năm nay. Trong khi đó dân ngân hàng phố Wall chỉ có mức lương trung bình khoảng 3,7 tỷ VNĐ một năm.

Quý bà Dow Jones, người so sánh Bitcoin giống như mối tình lãng mạn được nhen nhóm lại của Jennifer Lopez và Ben Affleck. Nguồn: AFP

Quý bà Dow Jones, người so sánh Bitcoin giống như mối tình lãng mạn được nhen nhóm lại của Jennifer Lopez và Ben Affleck. Nguồn: AFP

Một KOL phố Wall khác là Take Sacks hay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Quý bà Dow Jones hiện có 215.000 người theo dõi Instagram. Sacks thu hút nhiều người bằng cách so sánh lãi kép với sự nổi tiếng của Billie Eilish hay Bitcoin giống như mối tình lãng mạn được nhen nhóm lại của Jennifer Lopez và Ben Affleck. Cô được ví như ngôi sao nhạc pop của giới tài chính. Khoá học hướng dẫn xây dựng quỹ dự phòng của Sacks sử dụng các nhân vật trong bộ phim nổi tiếng “Friends” làm ví dụ đang bán đắt như tôm tươi.

Vẫn có những e ngại

Mặc dù mạng xã hội đang giúp các công ty tài chính tiếp cận khách hàng trẻ tuổi nhanh hơn bao giờ hết nhưng vẫn có nhiều e ngại. Đặc trưng của phố Wall là làm việc với “tiền của người khác”, đồng nghĩa với việc phải hết sức thận trọng. Chính vì vậy tìm một KOL vừa có khả năng sáng tạo, vừa có kiến thức vững về đầu tư tài chính không dễ.

Làm giàu không khó là nội dung rất dễ thu hút

Làm giàu không khó là nội dung rất dễ thu hút

Sẽ rất nguy hiểm nếu một clip chứa đầy những thông tin sai lệch thậm chí lừa đào được lan truyền trên Internet, nhất là dưới cái mác thu hút như “làm giàu không khó”. Đã có không ít những video khiến người trong nghề phải dở khóc dở cười như “Trở thành triệu phú bằng cách bán giường cho cún cưng trên Amazon”, “Đừng dùng thẻ ghi nợ vì nó khiến bạn chi tiêu thiếu trách nhiệm” (Điều này là sai vì thẻ ghi nợ chỉ cho phép bạn tiêu số tiền mình có, khác với thẻ tín dụng) hay những video mang tính chất “lùa gà”.

Đó là lý do tại sao TikTok phải thắt chặt các quy định của mình. Vào tháng 5, mạng xã hội này cho biết họ sẽ có hành động chống lại những người sáng tạo nội dung đăng video được tài trợ cho các dịch vụ và sản phẩm tài chính mà không có thương hiệu rõ ràng. Đồng thời, họ phải minh bạch về các khoản tài trợ thương mại.

Cùng với đó, các tập đoàn tài chính cũng đang thực hiện các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt với những người sáng tạo nội dung. Tuy nhiên hiện ở Mỹ vẫn chưa có hành lang pháp lý đối với những người đưa lời khuyên tài chính trên mạng xã hội nên những nội dung tài chính sai lệch vẫn có thể lách luật.

Nguồn: [Link nguồn]

”Có quan điểm coi trái phiếu DN là trò đánh bạc, thổi bay nhiều tỷ USD của nhà đầu tư”

Các chuyên gia cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong những “mạch máu” quan trọng của nền kinh tế, nhưng hiện tại vẫn có quan điểm coi trái phiếu doanh nghiệp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN