Những chuyện ít biết xung quanh đồng tiền Việt Nam - Bài 3: Từ xưởng đúc đến nhà máy in tiền quốc gia
Cũng như các dân tộc khác trên thế giới, người Việt cứ mở mắt ra là nghĩ tiền, tuy nhiên họ lại biết rất ít chuyện về tờ giấy bạc làm họ lao tâm khổ tứ.
Ca dao Hà Nội xưa có câu: Sống làm lính gác Tràng Tiền. Chết mong được làm quan hiền Kẻ Mơ.
Chủ đề của câu ca dao này là chuyện mà cánh đàn ông thường bàn tán. Câu đầu cho biết thời Lê Trung hưng ở Thăng Long có xưởng đúc tiền và xưởng này được bảo vệ nghiêm ngặt. Vì sao lúc sống mong được làm lính gác ở xưởng đúc tiền quanh năm khói bụi, ô nhiễm?
Có phải vì lương cao, bổng lộc nhiều? Thực ra rất đơn giản vì làm lính gác ở đây ngày nào cũng được sờ nắn đàn bà, con gái từ ngực đến chỗ kín kiểm tra xem họ có ăn cắp tiền không. Đó chẳng phải là mong ước của đa số đàn ông sao?
Không phải đến đời Lê Trung hưng Đại Việt mới có “nhà máy” đúc tiền, “nhà máy” đã ra đời từ thời Đinh. Triều Lý, Trần, các lò đúc tiền nằm ở xưởng Bách Tác đặt tại kinh đô Thăng Long do triều đình quản lý. Một xưởng đúc phải có lò nấu kim loại, có thợ làm khuôn và sau khi tiền đúc ra cần rất nhiều người làm công việc chân tay để loại bỏ các kim loại thừa bám quanh đồng tiền.
Đúc tiền theo cách thủ công vừa tốn nhiều thời gian, giá thành một đồng tiền lại cao hơn nên phương Tây đã nghiên cứu đưa ra công nghệ dập. Những tấm kim loại đưa vào máy dập đã gắn khuôn nên sản xuất nhanh hơn, giá rẻ hơn và chất lượng cao hơn, ít tiền lỗi. Sự thay đổi mang tính bước ngoặt về công nghệ khiến các “nhà máy” đúc tiền cũng thay đổi, không cần nhiều công nhân, không ô nhiễm.
Tiền giấy đầu tiên ra đời năm 1875 theo nghị định của Chính phủ Pháp với ba mệnh giá: 5 đồng, 20 đồng và 100 đồng nhưng nó in tại Pháp rồi chuyển qua Việt Nam. Mãi đến năm 1936 mới có nhà máy in tiền ở Hà Nội. In tiền giấy không đơn giản như tiền đúc hay tiền dập, rất phức tạp và nhiều công đoạn. Một dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử tiền Việt Nam là sự ra đời của đồng tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa, bắt đầu từ tiền xu rồi đến tiền giấy.
Ngày 31/1/1946, tiền giấy được phát hành ở khu vực Nam Trung Bộ rồi ra Bắc. Nếu không có sự hỗ trợ vật chất của các nhà tư sản Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện thì việc in tiền giấy khó thành. Thời điểm đó, chính trị vô cùng rối ren, phức tạp, quân Pháp vẫn còn ở Hà Nội, quân đội Trung Hoa dân quốc luôn dò xét nhòm ngó các hoạt động của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhưng các nhà tư sản dám cược mạng sống bản thân và gia đình vì đồng tiền cho nước Việt Nam mới.
Pháp tái chiếm Việt Nam, Chính phủ không thể in tiền ở các đô thị lớn và một lần nữa lại có sự hỗ trợ tối đa của các nhà tư sản yêu nước. Ông Đỗ Đình Thiện đã mua đồn điền ở Chi Nê ở Hòa Bình làm nơi đặt nhà máy. Về ông Đỗ Đình Thiện là một câu chuyện dài, vui có, buồn có, nhưng buồn nhiều hơn, đến nghẹn lòng.
Sau chiến dịch Biên giới thắng lợi, ngày 6/5/1951, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 15/SL cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngân hàng có nhiệm vụ: “Phát hành giấy bạc ngân hàng, điều hoà lưu thông tiền tệ; Quản lý ngân quỹ quốc gia, quản lý ngoại tệ. Quản lý kim dụng bằng các thể lệ hành chính. Đấu tranh tiền tệ với địch”. Người nói: “Thành lập được Ngân hàng Quốc gia và phát hành giấy bạc Ngân hàng là thắng lợi của ta về kinh tế”.
Và từ đó, tiền giấy do Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành bắt đầu in ở nước ngoài kéo dài cho đến năm 1991, năm Nhà máy in tiền quốc gia hoàn thành. Vì sao Việt Nam phải in ở nước ngoài trong suốt thời gian dài cũng không có gì khó hiểu, ai ai cũng biết.
Tuy nhiên sau 1954, ở miền Bắc cũng có hai cơ sở in tiền nhưng sử dụng công nghệ offset nước để in các mệnh giá nhỏ. Câu ngạn ngữ “Méo mó có hơn không” đúng với nhiều trường hợp nhưng in tiền thì dứt khoát không, dùng máy móc in văn hóa phẩm để in các mệnh giá tiền trong giai đoạn siêu lạm phát đã để lại hậu quả nghiêm trọng, bọn in tiền giả đã in theo các mẫu này trong suốt thập niên 90.
Năm 1984 Chính phủ có kế hoạch mang mật danh là K.84. Không biết K.84 gồm những gì nhưng trong đó có kế hoạch xây dựng một nhà máy in tiền hiện đại thay cho các nhà máy in tiền cũ kỹ. Sau 2 năm triển khai, năm 1986 vẫn là khoảng đất trống, ông Võ Văn Kiệt khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau đổi thành Chính phủ) cho gọi ông Nguyễn Nghĩa Bình lên giao nhiệm vụ bắt tay vào xây dựng.
Ông Nguyễn Nghĩa Bình học kinh tế ở Cộng hòa dân chủ Đức, về nước ông công tác ở Ngân hàng Nhà nước. Tại sao Chính phủ quyết định xây nhà máy in tiền quốc gia gấp gáp khi kinh tế Việt Nam đang siêu lạm phát? Có lẽ vào giai đoạn siêu lạm phát, các cơ sở in tiền nước ngoài không đáp ứng được nhu cầu cần gấp tiền mặt. Thực tế những năm đó, các cơ sở in trong nước phải in các mệnh giá lớn nhỏ để kịp cung ra thị trường.
Nhưng vấn đề lớn là số ngoại tệ trả cho việc in tiền ở nước ngoài quá lớn và quan trọng hơn, Chính phủ muốn giữ bí mật số lượng tiền được in, phát hành ra xã hội, nếu bị lộ sẽ bất lợi cho nền kinh tế, cũng có khi bất lợi cho chính trị. Mặt khác, tự in tiền sẽ chủ động không phụ thuộc vào nước ngoài. Trung tướng Vũ Hải Triều từng nhận định: “In tiền ở nước ngoài có thể dẫn đến mất chủ quyền quốc gia, mình đặt họ in 1 tấn nhưng họ in 1 tấn rưỡi mình cũng không kiểm soát được. Khi mình cần gấp nhưng họ không in thì mình cũng bó tay”.
Ở miền Bắc thời kỳ 1965-1975, lượng tiền lưu hành mỗi năm tăng 34%. Lấy chỉ số giá năm 1959 làm chuẩn thì năm 1966 là 142%, 1968 là 156,4%, 1971 là 145,83% và 1974 là 163,96%, việc tiền ra thị trường quá nhiều tuy chưa đến mức lạm phát nhưng câu hỏi đặt ra là liệu quốc gia in tiền cho Việt Nam khi đó có in thêm rồi bí mật đưa vào Việt Nam không?
Một chuyện khác lưu truyền trong xã hội là sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ở Sài Gòn diễn ra tình trạng lạ, nhiều người dùng tiền miền Bắc mệnh giá 10 đồng mua vàng, mua kiểu vơ vét. Câu chuyện này dù thật hay giả cũng vẫn là tồn nghi trong lịch sử tiền Việt Nam.
Ông Nguyễn Nghĩa Bình kể, ông Võ Văn Kiệt cấp cho ông một cái giấy viết tay trong đó lệnh cho các bộ ngành phải đáp ứng yêu cầu của ông để xây dựng nhà máy. Nhờ có bảo bối, bộ ngành nào cũng phải tuân chỉ vì câu cuối ông Kiệt dọa: “Nếu cá nhân, tập thể nào không hỗ trợ để xây dựng nhà máy đúng tiến độ tôi sẽ kỷ luật”. Vì sao phải giấy viết tay mà không phải là đánh máy, chữ ký, dấu son? Cũng vì ông Kiệt muốn giữ bí mật với ngay cả cán bộ của Văn phòng Chính phủ.
Vì sao phải ra tối hậu thư cho các bộ ngành? Vì thời kỳ đó, kinh tế Việt Nam quá khó khăn, siêu lạm phát và đang bị Mỹ bao vây cấm vận. Nhờ có bảo bối, ông Bình đến đâu cũng được việc.
Lần đầu tiên một công trình hoàn toàn do Việt Nam thiết kế và thi công. Nhà máy khánh thành đầu năm 1991. Cùng với nhà máy, Chính phủ cũng cho nhập một dây chuyền với máy móc và công nghệ hiện đại chuyên in tiền. Cũng vì có Nhà máy in tiền quốc gia nên Việt Nam đã in được đồng tiền polymer với khả năng bảo an cao.
Thời Pháp thuộc, có hai nghề khi người Việt vào làm phải thề là nhân viên bưu điện và làm ở nhà máy in tiền. Nhân viên bưu điện phải thề không được xem nội dung các bức điện tín, không được bóc thư xem trộm. Với nhân viên nhà máy in tiền phải thề không tiết lộ số tiền in hàng ngày, nếu tiết lộ sẽ bị xử theo luật hình sự của nước Pháp.
Sau này thì không phải thề nhưng bên công an phải đi điều tra lý lịch từng công nhân. Tất nhiên là con cái địa chủ, con ông xỏ nhầm giầy hay dinh tê, con cháu gia đình tạch tạch xè dứt khoát không có cửa vào nhà máy dù chỉ làm lao công dọn nhà vệ sinh. Nhà máy chỉ nhận người có lý lịch ba đời thành phần bần cố nông. Đây là nhận thức một thời, bần cố nông là lực lượng của cách mạng.
Ông Bùi Công Lư, Giám đốc Nhà máy in tiền quốc gia từ năm 2000-2006 nói rằng, hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải in tiền ở nước ngoài. Việc Việt Nam có một nhà máy in tiền hiện đại, công nhân lại đảm đương hết các công đoạn là may mắn vì chúng ta tự chủ được trong việc in tiền.
Nguyễn Ngọc Tiến
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (I)
Kiếm được nhiều tiền và trở thành triệu phú, tỷ phú... là mơ ước của hầu hết các bạn trẻ. Nhưng từ mơ ước đến...
Nguồn: [Link nguồn]