'Chúng tôi chờ hoàn thuế quằn quại lắm rồi'

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

"Chúng tôi chờ hoàn thuế quằn quại lắm rồi. Cách đây mấy ngày, Thủ tướng ra công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trước ngày 31/12/2023. Vậy, liệu doanh nghiệp có được hoàn thuế đúng thời hạn hay không?”, đại diện một doanh nghiệp bức xúc đặt câu hỏi.

Ngày 13/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về Chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan. Hội nghị có sự tham dự của đại diện hơn 600 doanh nghiệp và hiệp hội.

Trong phần đối thoại, các doanh nghiệp đã gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan nhiều câu hỏi, trong đó nóng nhất là vấn đề hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng .

Ông Phạm Minh Khoa - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát - cho biết, trong 4 năm qua doanh nghiệp đã thực hiện 32 lần xuất khẩu tinh bột sắn. Doanh nghiệp đóng thuế đầy đủ, có đủ hóa đơn, chứng từ mua bán nhưng điều lạ đến nay vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan.

Theo ông Khoa doanh nghiệp đã kiến nghị lên Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội. Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đã đánh giá doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện để hoàn thuế giá trị gia tăng. Đích thân Chủ tịch Quốc hội phát biểu trước doanh nghiệp việc hoàn thuế là có cơ sở. Song đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa nhận được quyết định hoàn thuế của Cục thuế Hà Nội.

“Chúng tôi chờ hoàn thuế quằn quại lắm rồi. Cách đây mấy ngày, Thủ tướng ra công văn yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trước ngày 31/12/2023. Vậy, liệu doanh nghiệp có được hoàn thuế đúng thời hạn hay không?”, ông Khoa đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết, vấn đề của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Toàn cầu An Phát là câu chuyện dài liên quan đến việc hoàn thuế của một trong những doanh nghiệp về tinh bột sắn, thuộc lĩnh vực rủi ro.

Theo ông Minh, hiện Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan thuế chưa hoàn thuế với yêu cầu của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu An Phát là căn cứ vào đánh giá rủi ro qua trao đổi thông tin với cơ quan quản lý của Trung Quốc. Vướng mắc của công ty đã được gửi Cục Thuế Hà Nội.

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị.

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị.

“Quan điểm của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế là công ty nên tiếp tục vận dụng quyền và nghĩa vụ của mình căn cứ vào tố tụng hành chính, chúng tôi sẵn sàng giải quyết khi có phán quyết. Còn về đánh giá rủi ro, trong thực tế hồ sơ cụ thể thuộc thẩm quyền của Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế đã có văn bản trả lời, chúng tôi đã có báo cáo Ban Dân nguyện để giải trình những vấn đề vướng mắc của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu An Phát”, ông Đặng Ngọc Minh nói.

Trong khi đó, trả lời về vấn đề kê khai hóa đơn bị bỏ sót, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định người nộp thuế được kê khai bổ sung hóa đơn mua vào vào kỳ phát sinh nếu đáp ứng đầy đủ quy định về khấu trừ thuế và kê khai thuế được khấu trừ. Người nộp thuế cũng cần lưu ý là việc bỏ sót hóa đơn này cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra chưa, nếu đã thanh, kiểm tra mới bổ sung thì không được điều chỉnh.

Cũng liên quan đến hóa đơn, đại diện Công ty TNHH Aeon mall Him Lam hỏi về việc kê khai hóa đơn có ngày lập khác ngày ký có hợp lệ không, Phó Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, trường hợp hóa đơn điện tử bán hàng hóa cung cấp dịch vụ đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác với thời điểm lập hóa đơn. Nếu thời điểm ký số trên hóa đơn phát sinh cùng thời hoặc sau thời điểm lập hóa đơn thì hóa đơn điện tử này vẫn được coi là hợp lệ. Người bán thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng theo thời điểm lập hóa đơn, người mua thực hiện kê khai thuế tại thời điểm nhận hóa đơn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tác động của môi trường quốc tế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành các giải pháp hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính.

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129.000 tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng hơn 230.000 tỷ đồng. Trong năm nay, số tiền được gia hạn khoảng hơn 120.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 75.000 tỷ đồng.

Về thu ngân sách, Thứ trưởng Tuấn cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này đã đạt hơn 97% dự toán năm nay.

Thủ tướng: Tiếp tục rà soát quy định về hoàn thuế VAT

Việc sửa Luật Thuế GTGT để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh mới như thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Hưng ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN