Chung cư mới khan hàng, nguồn đã qua sử dụng được săn lùng
Trong bối cảnh chung cư mới đắt đỏ, khan hiếm, nguồn hàng đã qua sử dụng được săn lùng.
Chung cư cũ đắt khách
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, Chị Hoàng Thị Tuyết Nga (Hà Đông) cho biết, gia đình chị đang sở hữu căn hộ chung cư rộng 68m2, gồm 2 phòng ngủ. Hai ba tháng gần đây, chị liên tục nhận được cuộc gọi hỏi mua nhà, dù không có ý định bán và đăng bán.
Một góc căn hộ nhà chị Hoàng Thị Tuyết Nga (Hà Đông)
Theo chị Nga, những người gọi tới đa phần giới thiệu là môi giới tại Hà Nội. Vì có những số điện thoại đã gọi tới nhiều lần thấy phiền nên chị chặn. Tuy nhiên, mấy ngày sau lại có số điện thoại khác gọi tới.
Anh Nguyễn Thanh Phước (Nam Từ Liêm) cũng gặp tình trạng tương tự. Vợ chồng anh đang sở hữu căn chung cư rộng 70m2, không có ý định bán, thế nhưng mỗi ngày, anh nhận được 3-4 cuộc điện thoại hỏi mua lại căn hộ.
Trong báo cáo thị trường bất động sản mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2022, Bộ tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân... Đồng thời, Bộ sẽ bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, xử lý hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. |
Cùng với những cuộc điện thoại hỏi mua, căn hộ cũ cũng tăng giá đến bất ngờ. Chị Nguyễn Thị Phương Lan đang sinh sống tại khu nhà tập thể thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP. Hà Nội cho biết, căn hộ của gia đình trên tầng 3, rộng 46 m2. Thời gian vừa rồi thi thoảng, chị lại nhận được các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn đề nghị bán nhà với giá 38 triệu đồng/m2. Dù trước đó nhà chị chỉ được định giá 32 triệu/m2.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Khắc Vịnh, chủ một văn phòng môi giới nhà đất tại Ba Đình cho biết, căn hộ tập thể cũ từ đầu năm đến nay cũng đã tăng 5 - 10%. Đơn cử, căn tập thể cũ 46 m2 ở Ngọc Hà, quận Ba Đình, năm trước được chủ nhà rao bán với giá 1,6 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2) thì nay giá đã đẩy lên 2 tỷ đồng (43 triệu đồng/m2).
Còn anh Vũ Tùng, giám đốc một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, mấy năm trở lại đây, nguồn cung nhà ở khan hiếm nên môi giới hiện nay họ vừa tìm nguồn khách vừa phải tìm nguồn cung ở phân khúc chung cư trên thị trường thứ cấp, khi nguồn cung mới không có thì sẽ phải tìm đến nguồn cung đã qua sử dụng.
Nguồn hàng hiếm, giá tiếp tục tăng
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 của Datxanh Services, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội vẫn trong tình trạng khan hiếm. Quý II/2022, thành phố ghi nhận khoảng 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28% theo quý. Nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, với 7.700 sản phẩm.
Trong khi đó Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, nguồn cung hạn chế trong vài năm trở lại đây đã đẩy giá bất động sản lên cao. Cụ thể, giá căn hộ chung cư năm 2021 tăng bình quân 5-7%; 6 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 3% so với cuối năm 2021. Vị này cũng dự báo, giá bất động sản nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10% trong nửa cuối năm 2022.
Để ổn định thị trường, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) Đỗ Viết Chiến cho rằng, cần huy động các nguồn lực, có giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá cả phù hợp khả năng chi trả của các đối tượng theo cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện mức độ minh bạch, đẩy nhanh quá trình phê duyệt quy hoạch dự án...
Giá nhà đất nhiều khu vực vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất; Ba Vì... có dấu hiệu chững lại sau cơn "sốt" nóng thị trường nhiều khu vực rơi...
Nguồn: [Link nguồn]