Chủ tịch Vinaconex nói về dự án tỷ USD Splendora An Khánh sau 10 năm “mắc cạn”
Theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nếu được giá, Vinaconex xin ý kiến cổ đông bán Splendora An Khánh cho Sovico, lấy tiền thực hiện những mục tiêu khác. Dự án Splendora An Khánh có giá trị hàng tỷ USD nhưng “mắc cạn” đã 10 năm nay.
Ngày 28/6, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2019 (ĐHĐCĐ) để thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Tuy nhiên, "sức nóng" tại phiên hợp thường niên của doanh nghiệp có tổng tài sản ngót ngét 1 tỷ USD được đẩy lên cao khi bước vào phiên thảo luận, với hàng loạt ý kiến từ cổ đông hướng tới tính minh bạch và năng lực quản trị của ban điều hành mới cũng như kế hoạch phát triển những dự án nghìn tỷ của Vinaconex. Trong đó, dự án Splendora An Khánh nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông bởi đây là một dự án lớn nhưng “mắc cạn” đã 10 năm nay.
Bán cho Sovico Holdings nếu được giá
Đề cập tới dự án, tại ĐHĐCĐ năm 2019 của Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh ví von hoàn cảnh của dự án này khá “trớ trêu” khi tỷ lệ góp vốn mỗi bên là “50/50”, cùng với đó là việc HĐQT của An Khánh JVC, chủ đầu tư dự án Splendora cũng khá cân bằng khi mỗi bên nhà đầu tư đều có 2 đại diện tham gia.
Sau 10 năm triển khai xây dựng, Splendora mới chỉ hoàn thành một phần nhỏ khoảng trên 50ha
Ông Thanh nói, toàn bộ nguồn vốn của công ty liên doanh này, những đơn vị hợp tác với Vinaconex phải lo vốn. “Đối tác này bằng trách nhiệm của mình phải đi vay tiền đưa vào. Hiện nay là vay gần 4.000 tỷ đồng. Việc vay bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu sau này công ty liên doanh trả, tôi là cơ quan giám sát”, ông Thanh cho hay.
“Dự án Splendora ban đầu do Vinaconex và Posco (Hàn Quốc) thực hiện dự án này. Tuy nhiên, sau này Posco đã thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho đối tác khác. Về nguyên tắc, tôi được Vinaconex đề cử làm Chủ tịch HĐQT (An Khánh JVC - PV) nhưng vẫn chưa bầu được. Nếu chúng ta cứ để tình trạng này thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Thanh bày tỏ thêm.
Cũng theo tính toán của vị Chủ tịch Vinaconex, dự án 200 ha, có 70ha đất thương mại, cạnh dự án là Vingroup đang bán trăm triệu mỗi mét vuông. Vậy 70 ha cũng bán được 40.000 - 50.000 tỷ đồng, cỡ 2 tỷ USD là bình thường. “Đấy là mỡ treo mèo nhịn đói. Tôi nói rõ để cổ đông hiểu không lại nghi ngờ Vinaconex không làm và không có trách nhiệm”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chính vì vậy chủ tịch Vinaconex đề nghị, nếu Sovico thích mua lại toàn bộ dự án, HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông bán lại cho Sovico nếu thấy được giá. Khoản tiền thu được từ bán dự án này sẽ được Vinaconex sử dụng vào những mục đích khác.
An Khánh JVC không phải "bức tranh màu hồng"
Đứng trên góc độ khác, ông Nguyễn Quang Trung (Thành viên HĐQT Vinaconex và Tổng Giám đốc của An Khánh JVC) - đại diện cho các nhà đầu tư góp 50% vốn còn lại tại An Khánh JVC thì lại cho rằng cần phải có sự hợp tác của cả 2 phía mới mong thúc đẩy dự án, và giúp Splendora trở nên cạnh tranh hơn.
“Tại An Khánh JVC, tôi có vai trò là Tổng Giám đốc. Từ 7 năm trước, nhóm nhà đầu tư chúng tôi đã bắt đầu tham gia theo đề nghị của lãnh đạo Vinaconex thời đó là anh Đạo (Chủ tịch), anh Hà (Tổng giám đốc) để hỗ trợ giải quyết bế tắc về tài chính và phát triển với đối tác Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi mua lại cổ phần của nhà đầu tư Hàn Quốc và chính thức đầu tư quản lý cũng được 2 năm”, ông Trung lý giải về sự góp mặt của nhà đầu tư mới tại An Khánh JVC.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho rằng An Khánh JVC “không phải bức tranh màu hồng” và đây là một công ty liên doanh mà Vinaconex không toàn quyền chi phối.
“Hiện nay tình hình tài chính của công ty (An Khánh JVC - PV) đang vô cùng khó khăn, công ty đang lỗ lũy kế là 1.700 tỷ, âm vốn chủ sở hữu, các khoản nợ phải trả tổng cộng là khoảng 8.000 tỷ, hiện không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài. Hàng năm hai bên góp vốn đều phải đứng ra bảo lãnh, cam kết hỗ trợ vô điều kiện để kiểm toán không công bố tình trạng phá sản. Nghĩa vụ của An Khánh JVC với chúng tôi cũng lên tới 5.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết thêm.
Trong khi đó, pháp lý đất đai chưa hoàn chỉnh, xung quanh bị lấn chiếm, bị phát triển công nghiệp địa phương gây ô nhiễm, công tác quy hoạch hiện hữu chưa hợp lý, sẽ cần điều chỉnh. “Hiện trạng công ty An Khánh còn rất nhiều khó khăn phải giải quyết. Vinaconex phải đưa vào nguồn vốn rất lớn để trả nợ mới có thể tiếp tục các công việc của dự án. Trong khi đó, nguồn tiền dự trữ trên quỹ đầu tư phát triển của Vinaconex lại đi mua cổ phiếu, đầu tư chứng khoán”, ông Trung tỏ ra khá băn khoăn về động thái của “đối tác” Vinaconex.
Mặc dù đã có sự sang tên, đổi chủ từ gần 1 năm nay, nhưng việc triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh hay còn...