Chủ tịch Cty Nhật Nam Vũ Thị Thúy “biến hóa” vốn theo mô hình “Ponzi“?
Mới đây, bà Vũ Thị Thuỷ, Tổng giám đốc của Công ty Nhật Nam bị tạm giữ hình sự do nghi vấn huy động vốn theo mô hình “Ponzi”. Trước đó, phương thức hoạt động này của Nhật Nam đã từng bị nghi vấn, cảnh báo từ lâu.
Cảnh báo từ Bộ Công an
Cách đây gần một năm, vào ngày 04/8/2022, Cục An ninh kinh tế - Bộ Công an đã có Công văn số 518/ĐK, trong đó nêu rõ: Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; Người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (Sinh năm: 14/02/1983, HKTT: khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thủy, Mai Thanh Tùng (sinh năm: 1987, chồng Vũ Thị Thủy), Vũ Đức Tại (sinh năm: 1985) có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và trong hợp đồng đã cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Hiện nay, công ty này thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản).
Nhật Nam sẵn sàng chi trả lợi nhuận kinh doanh "khủng" cho các nhà đầu tư
Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy (Giám đốc) để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che dấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật quản lý thuế.
Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình “Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó dòng tiền của nhà đầu tư đứt gãy, Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.
Huy động vốn bằng cam kết lợi nhuận "khủng"
Thực tế, những lùm xùm về hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam đã được báo chí truyền thông, cơ quan chức năng, nhiều địa phương lên tiếng cảnh báo từ 2-3 năm trước.
Tuy nhiên, do chủ quan, ham lợi nhuận "khủng", nhiều nhà đầu tư đã "sập bẫy" nhận "trái đắng". Trong hàng chục nghìn nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam, không ít người đã đi vay mượn, cắm sổ đỏ ngân hàng, để lấy tiền bỏ vào công ty và giờ đang rơi vào tình cảnh cùng cực.
Thậm chí, ngay trong tình trạng thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, vẫn có người đổ tiền vào Công ty Nhật Nam, với ý tưởng “chỉ cần ngồi không cũng có tiền” mà doanh nghiệp này đã đưa ra.
Sở dĩ Công ty Nhật Nam thành công trong việc thu hút nhà đầu tư, là bởi doanh nghiệp này đã đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng của các nhà đầu tư, bằng việc cam kết trả lợi nhuận cao trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 70% hay 80% một năm. Nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty dù đang lời hay lỗ.
Càng đầu tư nhiều, nhà đầu tư càng nhận thêm nhiều ưu đãi
Doanh nghiệp này cũng đưa ra những cam kết theo dạng “càng bỏ nhiều vốn càng có lời”. Theo đó, nếu nhà đầu tư bỏ vào công ty Nhật Nam số tiền 4 tỷ đồng sẽ lập tức được cấp sổ cổ đông và trở thành cổ đông chiến lược. Mỗi tháng ngoài lợi nhuận 46%/năm, nhà đầu tư được lĩnh thêm 15 triệu đồng/tháng...
Tất cả các cam kết trả lợi nhuận này đều được Công ty Nhật Nam đưa vào một bản Hợp đồng hợp tác đầu tư, cũng là một “phương thức” để doanh nghiệp này lấy lòng tin của nhà đầu tư, với suy nghĩ “hợp đồng được pháp luật bảo vệ, nên không cần lo lắng”. Trên thực tế, Hợp đồng của Công ty Nhật Nam chỉ thể hiện “hợp tác đầu tư” trong tên gọi, còn bản chất lại có nhiều dấu hiệu của một hợp đồng vay mượn.
Theo các chuyên gia, một dự án cụ thể thông thường chỉ có lợi nhuận từ 20 - 30%. Trong đó doanh nghiệp phải chi trả cho lương nhân viên, đóng thuế, và nhiều chi phí khác. Vì vậy, với các hợp đồng hợp tác kinh doanh trả lãi khoảng 12%/1 năm trở xuống là có khả năng thực hiện. Còn đối với mức lãi suất trên 12% - 20% là tương đối rủi ro. Lãi trên 20% đến hàng trăm % là đặc biệt rủi ro. Các nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác, không vì tham lãi suất cao mà "sập bẫy" lừa đảo.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước khi bị bắt tạm giam, Tổng Giám đốc Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thuý còn đang làm lãnh đạo ở hàng loạt doanh nghiệp khác với quy mô vốn điều lệ từ vài chục tỷ...