Chủ nhà không giảm giá, cửa hàng kinh doanh trả mặt bằng vì bù lỗ quá nhiều

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng phải đóng cửa trong thời gian dài vì vắng khách. Thậm chí phải trả mặt bằng vì chủ nhà không giảm giá thuê.

Từ năm 2018, anh Phạm Đức thuê mặt bằng tại phố Hoàng Cầu, Hà Nội để kinh doanh nhà hàng với giá thuê 30 triệu/tháng. Chi phí cả tiền thuê nhân viên, điện, nước mỗi tháng lên đến 40-50 triệu đồng. Thế nhưng, từ Tết đến giờ, nhà hàng luôn trong tình trạng vắng khách. “Thấy cửa hàng vắng khách, chủ nhà mình hỏi luôn rằng cháu có trụ được không, không trụ được trả nhà để bác cho người khác thuê. Người ta đang trả 45 triệu/tháng kia kìa”, anh Đức kể.

Hiện tại, anh Đức đã cho nhân viên tạm nghỉ và đóng cửa nhà hàng để nghe ngóng tình hình. “Bây giờ, chủ nhà không giảm giá thuê thì mình cũng phải chịu, đóng cửa chờ đợi thôi chứ tiền mình đầu tư mấy trăm triệu, giờ bảo bỏ là bỏ luôn được đâu. Không trụ được cũng phải cố trụ, nhưng nếu tình hình này kéo dài, chắc tôi phải trả cửa hàng thật vì mỗi tháng tôi phải bù lỗ quá nhiều”, anh Đức chia sẻ.

Thuê cửa hàng để bán quần áo nam nữ trên phố Chùa Bộc, chị Thảo cho biết riêng tiền thuê nhà đã 12 triệu/ tháng, đóng 6 tháng một lần, thêm tiền cọc 1 tháng. “Tôi thuê chỗ này 5-6 năm nay rồi, bây giờ làm ăn không được, muốn trả lại cửa hàng khi hết hợp đồng thuê nhà nhưng chủ nhà không những không trả lại tiền thuê đã trả trước mà lấy luôn cả tiền cọc. Tôi chịu thiệt hại mấy chục triệu tiền nhà để dọn dẹp, thanh lý cửa hàng, chuyển sang bán online trên mạng”, chị Thảo buồn bã.

Thuê mặt bằng với giá 60 triệu/ tháng để làm quán lẩu nướng bình dân tại Mỹ Đình với 3 cơ sở, anh Trần Công cho biết có 3 cơ sở thì anh đóng cửa 2 cơ sở rồi, còn một chỗ đang phải bù lỗ mỗi tháng 15-20 triệu.

 Những quán ăn cửa đóng then cài  vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 Những quán ăn cửa đóng then cài  vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Quán lẩu nướng của tôi chỉ chủ yếu bán cho sinh viên, người bình dân, nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ khi ra Tết đến giờ hầu như không có khách. Tiền nhà đóng 6 tháng một lần, tôi có ý kiến đóng mỗi tháng một lần trong đợt này nhưng họ không chịu. Cứ thế này chắc chỉ cầm cự được tháng nữa thôi”, anh Công nói.

Đứng về phía người cho thuê nhà, anh Đạt (trú tại Phùng Khoang, Hà Nội) cho rằng, lúc làm ăn có lãi lớn chủ nhà cũng không được cho thêm nên cũng đừng mong lúc vắng khách họ giảm giá thuê. “Kinh doanh thì phải có dự phòng rủi ro, tiền lúc làm ăn được phải để ra phòng lúc xấu nhất. Đã là kinh doanh thì không nói chuyện tình cảm, trước khi chờ người khác cứu thì phải tự cứu lấy mình. Không làm được thì phải tự tìm phương án khác thôi. Chủ nhà có giảm hay không là quyền của họ, đây là thuận mua vừa bán chứ không ai chèn ép nhau cả”, anh Đạt nói thêm.

Do không được hỗ trợ tiền thuê cửa hàng, nhiều người tâm sự phải trả lại mặt bằng.

Do không được hỗ trợ tiền thuê cửa hàng, nhiều người tâm sự phải trả lại mặt bằng.

Khác với ý kiến của anh Đạt, chị Vũ Linh cho biết, đúng là làm ăn phải theo hợp đồng, nhưng có những rủi ro ngoài ý muốn như thiên tai, dịch bệnh. Quan trọng là nghĩ lâu dài cho cả hai bên.

“Bệnh dịch là tình huống không ai muốn, những lúc như thế này thì các chủ nhà cho thê nên hỗ trợ người đi thuê để cả hai cùng có lợi. Người đi thuê bỏ công sức, tiền của để đầu tư và để trụ lại hai tháng vừa qua là không nhỏ. Nếu tình hình kéo dài thêm thì hàng quán đóng cửa, người đi thuê cũng không mặn mà để thuê thêm, người cho thuê thì khó có thể tìm được người thuê mới”, chị Linh nhấn mạnh.

Nhiều mặt bằng đẹp nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó tìm được khách thuê.

Nhiều mặt bằng đẹp nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khó tìm được khách thuê.

Mới đây, luật sư Nguyễn Kiều Hưng cũng đã lên tiếng kêu gọi các chủ cho thuê mặt bằng miễn, giảm tiền thuê cho người kinh doanh. “Một lần nữa, tôi kêu gọi các chủ cho thuê mặt bằng cần miễn, giảm giá thuê cho người kinh doanh. Dịch CoVid-19 là sự kiện bất khả kháng, nếu có tranh chấp, người thuê hoàn toàn có cơ sở để tòa tuyên lợi thế về khả năng chi trả tiền thuê. Nhưng đó không phải là lý do chính, điều quan trọng là phải biết chia sẻ khó khăn với người kinh doanh,  ông Hưng nhấn mạnh.

Hiện nay, chỉ có một số ít chủ đầu tư chấp nhận giảm giá thuê mặt bằng, văn phòng, cửa hàng, shophouse để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn của dịch Covid-19. Trong khi đó, cửa hàng cho thuê do tư nhân sở hữu, hầu hết, chủ nhà đều nhất quyết không giảm giá thuê. Một số chủ nhà thừa nhận, sau khi người thuê cũ chuyển đi, không dễ tìm người thuê như trước.                                                                  

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 13/3: ”Lao dốc” mạnh chưa từng có sau quyết định khẩn cấp của Mỹ

Mở phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước “bốc hơi“ hơn 1 triệu đồng/lượng mỗi chiều.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh An ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN