Chủ dự án Triển lãm Giảng Võ hé lộ danh mục dự án đầu tư lên tới 80.000 tỷ đồng
Các dự án đều được thực hiện trực tiếp bằng nguồn vốn của nhà đầu tư, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Ngày 23/7/2020, HĐQT CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (UpCom: VEF) đã công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phê duyệt và thông qua chủ trương đầu tư các dự án của công ty.
Các dự án đều được thực hiện trực tiếp bằng nguồn vốn của nhà đầu tư, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho cả 4 dự án là 78.745 tỷ đồng
Đáng chú ý nhất trong số này là Dự án tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ.
Theo đó, VEF cho biết, tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 17.439,81 tỷ đồng, bao gồm: Vốn góp của nhà đầu tư (20% tổng vốn đầu tư); vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác (80%). VEF chưa công bố cụ thể quy mô đầu tư cũng như tiến độ thực hiện dự án.
Dự án 148 Giảng Võ. Ảnh: Trí thức trẻ
Ngoài dự án số 148 Giảng Võ, VEF xin đầu tư 3 dự án lớn khác, trong đó có 2 dự án được đề cập trong lần xin ý kiến cổ đông năm 2019 của VEF nêu trên.
Cụ thể, là Dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia (xã Đông Hội, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội). Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 7.336 tỷ đồng, trong đó vốn góp của VEF là 15%, tương đương khoảng 1.100 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công vào quý 4/2020 và hoàn thành vào quý 3/2024, hoặc theo tiến độ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Năm 2019, kế hoạch vốn của VEF cho dự án này là 5.777 tỷ đồng.
Dự án khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 19.090 tỷ đồng, trong đó VEF góp 15%, tương đương khoảng 2.863 tỷ đồng. Năm 2019, VEF dự kiến số vốn cho dự án này là 2.362 tỷ đồng.
Cuối cùng là Dự án Khu đô thị mới Đông Anh (xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Đây là dự án mới và chưa được đề cập trong lần xin ý kiến cổ đông năm 2019 của VEF. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 34.879 tỷ đồng, trong đó VEF góp 15%, tương đương khoảng 5.232 tỷ đồng.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2019 của VEF (tổ chức ngày 28/6/2019) cũng đã thông qua phương án phát hành hơn 1,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó tăng vốn lên gấp 7 lần từ 1.666 tỷ lên 13.894,6 tỷ đồng.
Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, phương án tăng vốn nói trên vẫn chưa được VEF hoàn thành.
Công ty hiện có tổng giá trị tài sản gần 6.800 tỷ đồng, trong đó hơn 4.900 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 tháng. Số tiền 4.900 tỷ đồng này là khoản được Vingroup ứng trước nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu đề tăng vốn điều lệ.
6 tháng đầu năm 2020, công ty đạt doanh thu thuần 3,7 tỷ đồng nhưng có lãi sau thuế hơn 29 tỷ đồng, nhờ các khoản thu tài chính.
Giá vàng liên tục tăng lên mức giá cao hơn, duy trì mức giao dịch trên 1.800 USD/ounce, vượt qua một cột mốc từ năm 2011....
Nguồn: [Link nguồn]