Chủ đầu tư đất đẹp xây nhà ở để bán, quỹ đất NƠXH 'nhét' khu mồ mả

"Nguyên nhân do vị trí các ô đất được quy hoạch vào khu vực khó khăn trong GPMB, như có nhà dân, mồ mả; khu vực đất lấn chiếm, vi phạm; hoặc không có hệ thống đường giao thông tiếp cận... Các chủ đầu tư cơ bản đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở để bán, không tập trung thực hiện GPMB đối với các ô đất này”, UBND TP Hà Nội lý giải về việc khó khăn trong GPMB phát triển các dự án, khu nhà ở xã hội hiện nay.

Quỹ đất 20% đẩy vào khu mồ mả, đất lấn chiếm

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo thực hiện rà soát tổng thể việc quản lý, khai thác đối với quỹ đất 20-25%.

Theo UBND TP, đối với quỹ đất 20% theo Quyết định số 123 ngày 6/12/2001, số 153 ngày 31/8/2006 của UBND TP, quỹ đất này được sử dụng chủ yếu để xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, đấu giá quyền sử dụng đất.

Kết quả rà soát, có 89 dự án (181 ô đất) tổng diện tích khoảng 87,6ha. Trong đó, quỹ đất đã sử dụng là 73 dự án (132 ô đất); quỹ đất đã bàn giao Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội đã tiếp nhận hoặc giao đất cho chủ đầu tư nhưng chưa sử dụng là 6 dự án (11 ô đất); quỹ đất đã bàn giao cho UBND các quận, huyện, thị xã là 2 dự án (19 ô đất).

Quỹ đất chưa tiếp nhận (chưa hoàn thành GPMB hoặc đã hoàn thành GPMB nhưng chưa bàn giao) là 8 dự án (19 ô đất).

Nhiều dự án nhà ở xã hội đã có quyết định chấp thuận nhà đầu tư nhưng chậm triển khai. Ảnh minh họa.

Nhiều dự án nhà ở xã hội đã có quyết định chấp thuận nhà đầu tư nhưng chậm triển khai. Ảnh minh họa.

Thực hiện Kết luận của Thường trực HĐND TP tại Thông báo số 45 ngày 18/10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các quận, huyện, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội rà soát, kiểm tra hiện trạng các ô đất, qua kiểm tra các ô đất hiện nay cơ bản vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB.

"Nguyên nhân do vị trí các ô đất được quy hoạch vào khu vực khó khăn trong GPMB, như: có nhà dân, mồ mả; khu vực đất lấn chiếm, vi phạm; hoặc không có hệ thống đường giao thông tiếp cận... Các chủ đầu tư cơ bản đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở để bán, không tập trung thực hiện GPMB đối với các ô đất này”, UBND TP cho biết.

Trên cơ sở rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, đối với quỹ đất Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội đã tiếp nhận hoặc giao đất cho chủ đầu tư nhưng chưa sử dụng, trong đó 3 ô đất tại dự án Khu nhà ở và Khu phụ trợ công nghiệp thực phẩm Hapro (huyện Gia Lâm) có chức năng xây dựng nhà ở cao tầng và ô đất “Khu 2" tại Khu nhà ở Mai Lâm (huyện Đông Anh), giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Thời gian thực hiện năm 2023.

2 ô đất tại dự án Khu nhà ở và Khu phụ trợ công nghiệp thực phẩm Hapro (huyện Gia Lâm) có chức năng xây dựng nhà tái định cư, giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND TP cơ chế đầu tư xây dựng theo quy định. Thời hạn báo cáo tháng 7/2023.

Đối với 5 ô đất gồm: ô OCT1, OCT3 tại dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) được UBND TP thu hồi, giao cho Công ty cổ phần đầu tư Vietasset và Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp Contrexim 8 để thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại tái định cư theo phương thức đặt hàng;

Nhà ở xã hội tại ô CT8, CT9 tại Khu nhà ở và thương mại Berjaya (quận Long Biên) do Công ty TNHH Berjaya- Handico12 làm chủ đầu tư; ô đất tại Khu nhà ở Xuân Đỉnh đã được UBND TP giao Công ty Cổ phần thi công cơ giới và Xây lắp làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nhưng chưa đầu tư xây dựng, kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát việc lựa chọn chủ đầu tư, sự phù hợp của hình thức và cơ chế thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay và tình hình triển khai thực hiện dự án.

Trong đó làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan chậm triển khai tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND TP phương án giải quyết tồn tại (nếu có) theo quy định. Thời hạn báo cáo trong tháng 7/2023…

Đối với quỹ đất chưa tiếp nhận, giao UBND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Thanh Trì, Mê Linh tổng hợp tình hình triển khai công tác GPMB và xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trong đó nêu rõ kết quả thực hiện, nguyên nhân chậm triển khai, khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị...).

Đối với các chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện các quận, huyện tổng hợp báo cáo UBND TP thu hồi, giao UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất cơ chế thực hiện GPMB và đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn ngân sách cấp huyện, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định. Thời hạn báo cáo trong tháng 7/2023.

90% chủ đầu tư nộp tiền thay cho việc dành quỹ đất nhà ở xã hội

Đối với quỹ đất 20-25% theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị quyết số 06 năm 2013 của HĐND TP (dự án có quy mô trên 10ha), kết quả rà soát có 94 dự án, trong đó, 85 dự án (khoảng 90%) thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%.

Trong đó, 77 dự án chủ đầu tư đã nộp với tổng số tiền hơn 6.255 tỷ đồng; 8 dự án đang trong quá trình xác định giá.

Bên cạnh đó, 8 dự án thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội bằng hình thức bàn giao quỹ đất (24 ô đất), diện tích 21ha, trong đó có 2 dự án (4 ô đất) đã được UBND TP chấp thuận chủ trương giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng chưa thực hiện.

1 dự án (1 ô đất) hiện UBND TP đang xem xét việc chấp thuận chủ trương giao chủ đầu tư khu đô thị thực hiện dự án nhà ở xã hội; 2 dự án (4 ô đất) đã có quyết định giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội nhưng chưa tiếp nhận sử dụng…

Theo đó, đối với 2 ô đất BT6, BT11 tại Khu đô thị mới Xuân Phương Tasco (quận Nam Từ Liêm) có chức năng nhà ở thấp tầng đã có quyết định của UBND TP thu hồi, giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý nhưng chưa tiếp nhận sử dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND TP cơ chế đầu tư xây dựng theo quy định. Thời hạn báo cáo tháng 7/2023.

Đối với các ô đất gồm: ô CT5+CT6 tại Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), UBND TP đã giao Tổng Công ty Licogi - Công ty Cổ phần làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội từ năm 2017;

Ô CT4+CT5 tại Khu đô thị mới Đại Kim (quận Hoàng Mai), UBND TP giao cho Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội từ năm 2016;

Ô CT-XH tại dự án Khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70 (quận Nam Từ Liêm), chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà mới đang đề nghị UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, kiến nghị giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát việc lựa chọn chủ đầu tư, sự phù hợp của hình thức và cơ chế thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay và tình hình triển khai thực hiện dự án, tổng hợp, báo cáo và đề xuất UBND TP phương án giải quyết tồn tại theo quy định.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt mặt bằng trên đất vàng ở phố cổ Hà Nội ế khách thuê

Dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng nhiều mặt bằng diện tích lớn tại Hà Nội dù đã giảm giá nhưng vẫn khó tìm khách thuê.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Phong ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN