Cho vay tiêu dùng, ngân hàng cũng “chặt chém” lãi suất tới 75%
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Basico cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào lãi suất thì khó có thể khép vào hình thức tín dụng đen.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico.
Chia sẻ tại hội thảo “Phát triển tài chính tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen” do báo Đầu tư tổ chức ngày 15/3, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty luật Basico cho biết, có những ngân hàng thông qua khối tín dụng tiêu dùng đã cho vay tiêu dùng với lãi suất lên tới 70-75%/năm.
Nhưng ông Hải cũng nói rằng, nếu căn cứ vào các quy định của pháp luật mà ở đây là Luật Hình sự và Luật Dân sự để quy rằng đây là tín dụng đen là “hỏng” bởi theo quan điểm của ông Hải các tổ chức cho vay trên cơ sở đánh giá rủi ro khách hàng.
Ông Hải nêu quan điểm, đối với tín dụng nên tách bạch theo hướng tín dụng hợp pháp và tín dụng bất hợp pháp. Và nếu áp dụng cách tách bạch này thì tín dụng đen chính là tín dụng bất hợp pháp và gây hậu quả nghiêm trọng.
Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư 43 và Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước. “Tôi xin khẳng định, nếu căn cứ theo Thông tư 43 và Thông tư 39 thì các ngân hàng và công ty tài chính đều cho vay sai phạm vì nhu cầu cho vay nếu chiếu theo Thông tư 43 là không phù hợp chút nào với thực tiễn. Nhu cầu tiêu dùng theo nghĩa đen chỉ phục vụ nhu cầu như mua sắm thiết bị…. Nhưng về thị phần, các công ty tài chính tập trung vào mảng tiểu thương. Nó không phải chỉ phục vụ đời sống mà lai trộn với kinh doanh, kinh tế hộ gia đình và nhiều yếu tố khác. Nên nếu căn cứ theo Thông tư 43 là sai. Nên công ty tài chính phải lái đi trong tờ trình”, giám đốc Basico nêu.
Ông Hải cũng nêu một trường hợp, năm 2018 có một nhóm chuyên gia ngân hàng rút khỏi ngành và muốn công ty tổ chức hoạt động cho vay. “Tôi đi theo và xem cách họ cho vay với tiểu thương, hàng xén. Tôi phát hiện ra là họ cho vay chuyên nghiệp, nghiêm túc, tương trợ cộng đồng nhưng lại bất hợp pháp vì hệ thống pháp luật không chấp nhận do quy định chỉ có hoạt động cho vay của công ty cầm đồ và hoạt động tín dụng khác nên chưa biết cân vào đâu. Tôi tư vấn đến cơ quan đăng ký thì cơ quan này không cho đăng ký. Họ sợ trường hợp này sẽ trở thành tín dụng đen trong tương lai”, ông Hải kể và lấy làm tiếc cho trường hợp này.
Đề cập tới việc mở rộng mạng lưới của công ty tài chính để mở rộng phạm vi của tín dụng tiêu dùng, ông Hải cũng cho rằng các quy định hiện nay đang khá ngặt nghèo và nên nới lỏng, cho phép công ty tài chính mở rộng chi nhánh, cơ sở kinh doanh.
“Thời gian qua, tôi đón nhận nhiều nhu cầu vốn nước ngoài và nhà đầu tư trong nước muốn tham gia thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam. Họ chấp nhận chi phí cao để mở chi nhánh ở Việt Nam nhưng cực khó. NHNN nên thay đổi quan điểm này”, ông Hải đề xuất.