Cho vay ngang hàng với lãi suất trấn lột, ăn cướp

Sự kiện: Kinh Doanh

Thiếu quy định pháp luật để kiểm soát loại hình cho vay ngang hàng có thể đẩy nhiều công ty, cá nhân rơi vào cảnh tán gia bại sản.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng (NH) BIDV, cho rằng mô hình cho vay ngang hàng (P2P) thực sự đang phát triển rất nóng tại Việt Nam nhưng hành lang pháp lý chưa có hoặc chưa đầy đủ. Do vậy, khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ.

Như bom nổ chậm treo lơ lửng trên đầu

Ông Phạm Chí Quang (Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước) nhận định: Nếu được quản lý tốt, mô hình vay ngang hàng sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các nền kinh tế với hệ thống tài chính chưa phát triển với số đông dân số chưa hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, NH.

Bởi lẽ cho vay ngang hàng có một số ưu điểm như gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn trong xã hội đối với các cá nhân có thu nhập thấp, không có khả năng chứng minh tài chính với NH; các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa hoặc không tiếp cận được kênh tín dụng chính thống từ hệ thống NH.

Tuy vậy, đại diện NH Nhà nước cũng thừa nhận đối với hoạt động cho vay ngang hàng còn tiềm ẩn rủi ro, có thể biến người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp.

Mặt khác, Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (được bổ sung, sửa đổi năm 2017) quy định: Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NH Nhà nước cấp giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động NH tại Việt Nam. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động NH, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng cho vay ngang hàng để thực hiện một trong các hoạt động NH mà không được NH Nhà nước cấp phép là vi phạm pháp luật. Thế nhưng trên thực tế hiện có khá nhiều công ty cho vay ngang hàng vẫn nhởn nhơ vi phạm quy định này, như vừa huy động vốn vừa cho vay… với lãi suất cao kinh hoàng kiểu trấn lột, ăn cướp.

Một số chuyên gia cũng thống nhất quan điểm trên nhưng cảnh báo mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam đang bị biến tướng, do nhiều người huy động vốn xong không cho vay mà lấy tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác. Thậm chí có những bên cho vay với lãi suất có thể lên tới trên 700%/năm. Đây là con số rất kinh khủng.

“Những rủi ro trên chẳng khác nào quả bom hẹn giờ đang treo lơ lửng trên đầu nhà đầu tư, người vay và cả người cho vay. Một khi quả bom này phát nổ có thể gây rúng động, kéo theo hàng loạt người tán gia bại sản như từng xảy ra với tiền ảo đa cấp có tính chất lừa đảo” - một chuyên gia lo ngại.

Cho vay ngang hàng với lãi suất trấn lột, ăn cướp - 1

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng để không bị rơi vào bẫy lừa đảo của hệ thống tín dụng đen đội lốt cho vay ngang hàng. Ảnh: HTD

Đưa vay ngang hàng vào khuôn khổ

Nhiều chuyên gia, NH đều có chung đánh giá cho vay ngang hàng là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế số, có xu thế phát triển nhanh. Do đó Việt Nam cần có cách tiếp cận đúng và trúng theo hướng không nên và cũng không thể cấm cho vay ngang hàng. Thay vào đó cần có biện pháp quản lý để tránh hình thức này biến tướng thành tín dụng đen, đầu tư đa cấp trá hình, rửa tiền… gây nhiều hệ lụy kinh tế và xã hội.

Cụ thể, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng NH BIDV và nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu BIDV đề nghị cần sớm có hành lang pháp lý để chi phối, quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.

Chẳng hạn, có cơ chế cấp phép đối với công ty cho vay ngang hàng trên cơ sở xác định các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực về công nghệ, tiêu chuẩn đội ngũ quản lý và nhân viên… Cơ chế đảm bảo an toàn hoạt động đối với công ty cho vay ngang hàng cùng với quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty này.

Trong đó bao gồm quy định giới hạn đầu tư so với thu nhập của nhà đầu tư, quy định về giới hạn góp vốn của mỗi nhà đầu tư; quy định về quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm của công ty cho vay ngang hàng đối với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ…

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, cũng đặt vấn đề: “Một là cấm, hai là hợp thức hóa. Việc cấm thì gần như không thể. Vậy cần hợp thức hóa thế nào để quản lý hiệu quả, tránh làm nảy sinh những hậu quả đáng tiếc cho người dân là vấn đề cần phải được tính toán kỹ lưỡng và sớm có quy định pháp lý rõ ràng”.

Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết đã đề xuất Chính phủ cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý và đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên phải được cơ quan nhà nước cấp phép. Đồng thời đề xuất Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý cho loại hình cho vay ngang hàng.

Lãnh đạo NH Nhà nước cũng cho rằng trước mắt nên quản lý trong phạm vi cho vay ngang hàng kết nối trực tiếp người vay với người cho vay; chưa mở rộng cho sự tham gia của các tổ chức tài chính cũng như không cho phép các công ty cho vay ngang hàng được quyền huy động vốn để cho vay.

Nước ngoài quản lý cho vay ngang hàng ra sao

Đại diện NH Nhà nước cho hay hiện một số nước đã chính thức ban hành các quy định, cấp phép triển khai cho vay ngang hàng khá thành công. Điển hình như Latvia, Indonesia, Malaysia, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand…

Còn theo TS Cấn Văn Lực, tại Malaysia, Ủy ban Chứng khoán Quốc gia (SC) giữ vai trò chính trong việc quản lý mô hình cho vay ngang hàng (do quan niệm đây là hình thức đầu tư vốn). SC đã ban hành các quy định nghiêm ngặt trong việc quản lý các công ty cho vay ngang hàng. Trong đó, một số điểm đáng chú ý như lãi suất cho vay không vượt mức 18%/năm, chỉ có các công ty Malaysia với số vốn thực góp tối thiểu 5 triệu ringgit (khoảng 1,2 triệu USD) mới được cung cấp nền tảng và dịch vụ cho vay ngang hàng.

Tại Indonesia, các công ty cho vay ngang hàng (gồm cả Fintech tham gia dịch vụ này) phải có số vốn tối thiểu 1 triệu rupiah (khoảng 67.000 USD) khi đăng ký và 2,5 triệu rupiah để được chính thức cấp giấy phép kinh doanh. Các công ty cho vay ngang hàng này phải ký quỹ và có tài khoản định danh tại NH trong thời gian hoạt động. Ngoài ra, chính quyền Indonesia cũng đang xem xét quy định trần lãi suất đối với cho vay ngang hàng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Mai ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN