Chợ lao động hắt hiu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ còn 20 ngày nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024 nhưng tại các khu “chợ người” ở Hà Nội, các lao động vẫn “đói” việc làm. Tuy nhiên, nhiều người nhanh nhạy, thông qua internet lại tìm được nhiều việc, thu nhập tốt…

Ngại Tết vì ít tiền

Tại khu đô thị Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sáng nào cũng có hơn 10 lao động tự do đứng chờ việc. Người đứng ngóng, người xếp ghế nhựa ngồi thành hàng trên vỉa hè chờ người thuê. Hầu hết họ trên 40 tuổi, cùng quê lên Hà Nội từ nhiều năm trước để kiếm sống bằng cách bán sức lao động.

Lao động tại “chợ người” ngóng người thuê.

Lao động tại “chợ người” ngóng người thuê.

Ông Nam (53 tuổi, huyện Xuân Trường, Nam Định) đã lên Hà Nội được 22 năm và cũng bằng từng ấy năm, ông gắn bó với công việc lao động chân tay này. Ông chia sẻ, thời điểm trước dịch COVID-19, công việc khá nhiều, đặc biệt là gần Tết. Lúc đó, các thành viên trong nhóm làm không hết việc. Thế nhưng, những năm trở lại đây, nhu cầu thuê người làm đã suy giảm rõ rệt.

“Chúng tôi không trừ việc gì. Phá dỡ nhà, phụ hồ, sơn sửa, xe ôm… đều làm được hết. Công việc vất vả nhưng cũng thất thường, trừ chi phí ăn uống, ở trọ mỗi tháng thu nhập từ 4 - 7 triệu đồng. Nhưng năm nay ít việc, gần Tết mà không có việc, chán lắm!”, ông Nam than thở.

Ông Tùng (49 tuổi, cùng quê với ông Nam) đang ngồi cạnh cũng lắc đầu ngao ngán kể: “Nắng 40 độ, chúng tôi vẫn ngồi đợi. Mưa nhỏ thì anh em trú tạm gốc cây, hiên nhà, đợi đến khi đèn đường bật sáng thì về. Nghề này như đi câu ấy, ngày được ngày không. Tiền công sẽ tuỳ lượng công việc mà thương lượng. Hôm nào may mắn có thể được cả triệu đồng. Còn ngày hôm qua, tôi chỉ được một khách thuê chuyển nhà, tiền công có 200.000 đồng. Còn hôm nay thì vẫn ế”. Ông Tùng cho biết, sau ngày 20 âm lịch, cả nhóm ông cơ bản sẽ về quê ăn Tết. Sau những ngày vui Xuân, họ sẽ ra đồng cấy lúa theo đúng lịch thời vụ rồi lại lên Hà Nội làm nghề.

Tại khu vực “chợ người” tại phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), hàng chục lao động ngồi trên yên xe máy, thành cầu chờ người thuê. Dừng xe tại một điểm, thấy phóng viên, nhóm lao động tưởng khách thuê ùa ra hỏi với ánh mắt đầy hi vọng: “Thuê người à chú ơi”; “Có việc gì không chú…”. Khi biết là phóng viên, họ vò đầu bứt tai, cười trừ.

Ông T. (45 tuổi, quê Hoà Bình, đề nghị giấu tên) có 3 mặt con. Đứa lớn đang học đại học tại một trường Hà Nội, ở cùng ông. Với thu nhập bấp bênh, tiết kiệm hết cỡ, ông T. cũng chỉ đủ kinh phí nuôi người con cả ăn học. Tháng nào may mắn, việc nhiều, dư tiền, ông gửi về cho vợ. Phòng trọ của hai bố con ông T hiện không bình nóng lạnh, không điều hoà. Còn vợ ông ở quê vừa làm công nhân, vừa tranh thủ nuôi thêm gà để nuôi hai đứa nhỏ. Ông T. chia sẻ: “Năm nay ít việc quá chú ơi! Tết đến là lại ngại vì không có tiền. Nhà khó, con đông, hai vợ chồng cũng chỉ biết bảo nhau cố gắng làm, động viên cho các cháu chăm ngoan, cố gắng học hành”.

Dáng người mảnh khảnh, ông T. đội mũ để giấu đi đầu hói. Lông mi, lông mày ông cũng rụng hết. Ông bị như vậy từ năm 2007, tuy nhiên chưa một lần đi khám. “Tôi thấy vẫn khoẻ, chắc không sao. Mong ông trời thương, ban cho sức khoẻ, nhiều việc làm để kiếm tiền nuôi các con học hết đại học. Còn mình sao cũng được”, ông T. nói. Ông cố bám trụ đến 27 âm lịch mới về quê để kiếm thêm cho vợ con cây quất nhỏ, tấm bánh chưng.

Không chỉ thợ chân tay phổ thông, nhóm thợ mộc chuyên nghiệp đứng chờ việc tại góc phố Nguyễn Đình Chiểu, Trần Nhân Tông cũng đang “đói” việc. Họ là những người thợ mộc gia truyền của làng Bùi, Bình Lục, Hà Nam lên đây để đồ mộc quanh năm. Ông Hải (56 tuổi, thuộc nhóm thợ mộc “di động” nói: “Tôi làm nghề này đã hơn 20 năm. Có nhiều khách quen, gắn bó lắm. Có những người 20 năm nay, cứ có đồ gỗ gì hỏng là gọi. Tiền công họ trả sòng phẳng, không bao giờ sợ thiệt. Nhưng công việc cả năm nay và trong dịp Tết này cũng giảm so với năm ngoái”.

Tìm được nhiều việc qua internet

Trong khi công việc tại “chợ người” suy giảm thì nhiều người vẫn tìm được nhiều công việc thời vụ thông qua internet. Trên nền tảng mạng xã hội, các hội nhóm như “Việc làm Tết 2024”, “Việc làm thời vụ Tết”, “Dọn dẹp giúp việc theo giờ Hà Nội”… đăng tải hàng nghìn bài viết tuyển dụng, tìm việc làm thời vụ dịp Tết trên khắp các tỉnh, thành phố.

Với những bài đăng chỉ một nội dung trên các hội nhóm: “Em nhận dọn nhà theo giờ, nhận khoán, giặt đệm sofa, phun thuốc muỗi, tẩy mốc trần nhà, chuyển nhà trọn gói... Đầy đủ dụng cụ máy móc, hóa chất. Ai có có nhu cầu xin liên hệ 0984998XXX”, chị Thu (36 tuổi, quê Thái Bình) làm không hết việc trong tháng cuối của năm.

Chị Thu cho biết: “Thời điểm cuối năm, nhà nhà có nhu cầu dọn dẹp nhà cửa nên lượng công việc của tôi tăng đột biến. Tôi tự nhận việc, tự làm một mình, tiền công dọn dẹp theo giờ sẽ là 80.000 đồng/giờ. Còn công khoán sẽ từ 15.000 - 25.000 đồng/m2, tuỳ nhà”. Theo chị Thu, giá 80.000 đồng là trước ngày 20 âm lịch, còn từ sau ngày 20, giá phí dọn dẹp sẽ tăng lên từ 120.000 - 150.000 đồng/giờ.

Mới ra trường chưa xin được việc làm, Nguyễn Ngọc (Phú Thọ, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội) thất nghiệp 3 tháng nay. Nhận thấy nhu cầu chụp ảnh dịp cận Tết cao, sẵn có sở trường chụp ảnh, Ngọc lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm tạm thời tại một hiệu ảnh ở Hà Nội. “Rất nhiều việc làm có thể lựa chọn trong dịp Tết này, nhưng em chọn làm tại studio (hiệu ảnh) để phù hợp với khả năng của mình. Tháng đầu thử việc, lương 10 triệu đồng. Từ tháng sau tăng lên 12 triệu đồng. Thu nhập đó cũng đủ tiêu Tết. Sang năm, em sẽ tiếp tục công việc này tới khi tìm được việc làm chuyên ngành”, Ngọc chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Dịch vụ Tư vấn Savills Hà Nội, thị trường đang chứng kiến một sự mất cân đối giữa nguồn cầu và nguồn cung căn hộ tại Hà Nội, đặc biệt là với các sản phẩm ở phân khúc vừa túi tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hải ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN