Chính thức đấu thầu vàng vào đầu tuần tới
Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước - cho biết: “Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước công bố để 15 doanh nghiệp xem điều kiện tham gia đấu thầu vàng với những quy trình cụ thể. Theo đó, thứ 2 tuần tới (tức 22/4) sẽ bắt đầu đấu thầu”.
Sẵn sàng đấu thầu vàng
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I của Ngân hàng Nhà nước sáng 19/4, ông Tuấn cho biết hiện Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Tuấn thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng báo cáo tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã lấy ý kiến các bộ ngành. Ngoài việc đánh giá đúng vai trò của nghị định trong hơn 10 năm qua và xem xét trong bối cảnh hiện nay. Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trả lời câu hỏi của phóng viên sáng 19/4 (ảnh: N.M).
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về ngoài việc tăng cung vàng miếng SJC qua đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước có xem xét nhập khẩu vàng nguyên liệu hay không? Ông Tuấn cho biết, trong Nghị định 24 quy định rõ với những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công với nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu được thực hiện qua chi nhánh Ngân Nhà nước. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các chi nhánh nắm bắt nhu cầu nhập khẩu và báo cáo lại.
Theo ông Tuấn, việc quản lý thị trường vàng ngoài Ngân hàng Nhà nước phải có sự phối hợp với Bộ Công Thương và Tài chính làm sao cho hiệu quả.
Chia sẻ thêm về giá vàng trong nước trong thời gian qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện giá vàng quốc tế rất cao. Giá thế giới lên bởi tác động yếu tố tâm lý do chiến tranh, giá dầu… Tất cả những cái này tác động đến giá trong nước. Ông Tú khẳng định, Nghị định 24 đã thực hiện hơn 10 năm và có những điều cần phải thay đổi.
Ngân hàng Nhà nước can thiệp tỷ giá
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, tỷ giá USD "nóng" từ đầu năm đến nay với mức tăng 4,9%. Đây là mức đáng quan tâm. Theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước theo sát diễn biến tỷ giá và dùng công cụ như tỷ giá trung tâm điều phối lên xuống đảm bảo cung cầu.
Việc tỷ giá USD tăng nóng bởi yếu tố khách quan thế giới cũng như nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, so với nhiều nước xung quanh, tỷ giá cũng có biến động mạnh như: Đài Loan tăng 5,96%, Thái 7,96%...
"Ở Việt Nam, quan điểm Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, làm sao quản lý ổn định tỷ giá nhưng không cố định, tránh tác động mạnh của thế giới, tạo ra sự cân đối hài hoà, sẵn sàng can thiệp nếu bất lợi", ông Tú nói.
Nói rõ hơn về can thiệp điều hành tỷ giá, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước - khẳng định: "Việt Nam không thả nổi đồng tiền. Ngân hàng Nhà nước theo sát diễn biến tỷ giá và giảm áp lực. Từ đầu năm, đặc biệt tháng 3, Ngân hàng Nhà nước kịp thời trung hoà lượng tiền dư thừa liên ngân hàng thông qua phát hành tín phiếu, giảm bớt áp lực tỷ giá. Ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước công bố công khai phương án bán ngoại tệ với ngân hàng đang âm mức 25.450 đồng/USD. Sau khi bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, tâm lý thị trường bình ổn".
Giá vàng thế giới tăng rất mạnh, vượt 2.400 USD. Trong khi đó giá vàng trong nước lại có diễn biến trái chiều.
Nguồn: [Link nguồn]