Chính thức ban hành gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ.

Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025.

Nhiều đối tượng được hỗ trợ

Nghị quyết nêu rõ đối tượng hỗ trợ bao gồm: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Thời gian hỗ trợ chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Theo đó, có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, nhóm thứ nhất là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh, như sau:

Ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022 - 2023); tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Nâng cao năng lực y tế dự phòng là yếu tố được chú trọng trong phát triển y tế (Ảnh: Hữu Thắng).

Nâng cao năng lực y tế dự phòng là yếu tố được chú trọng trong phát triển y tế (Ảnh: Hữu Thắng).

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của hệ thống y tế cơ sở;

Tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.

Hàng chục nghìn tỷ cho vay ưu đãi

Nhóm thứ hai, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm: hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Trong đó mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1 triệu đồng/tháng và người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 500.000 đồng/tháng. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo các quy định tại Nghị định số 61 năm 2015, Nghị định số 74 năm 2019 và các văn bản có liên quan. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 10.000 tỷ đồng.

Cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng. 

Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập với nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỷ đồng.

Cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với nguồn vốn cho vay tối đa là 9.000 tỷ đồng.

Cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch với nguồn vốn cho vay tối đa là 1.400 tỷ đồng.

Cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi thuộc Chương trình theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý quy định tại quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong giai đoạn 2022 - 2023. Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng.

Giảm ngay nhiều loại thuế, phí

Nhóm thứ ba, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó miễn, giảm thuế, phí, lệ phí như sau:

Trong năm 2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% được giảm 2% thuế suất (còn 8%) đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ và giảm 20% mức tỉ lệ phần trăm khi thực hiện xuất hóa đơn đối với cơ sở kinh doanh, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỉ lệ phần trăm trên doanh thu, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Cụ thể: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.

Ngành du lịch được thúc đẩy để có cơ hội phục hồi trong năm 2022 (Ảnh: Phạm Tùng).

Ngành du lịch được thúc đẩy để có cơ hội phục hồi trong năm 2022 (Ảnh: Phạm Tùng).

Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế suất thuế nhập khẩu theo Nghị định số 101 năm 2021 và các văn bản có liên quan. Giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 103 năm 2021. Gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

Cùng với đó, hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong các ngành, lĩnh vực.

Cụ thể: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (đã bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuốc, hoá dược, dược liệu); xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.

Gói hỗ trợ tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế (Ảnh: Hữu Thắng).

Gói hỗ trợ tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhóm thứ tư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.

Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL… Áp dụng các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.

Nhóm thứ năm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Khẩn trương xây dựng, trình ban hành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội Khóa XV…

Năm mới Nhâm Dần 2022: Người kinh doanh cần lưu ý điều gì để tiền vào như nước?

Đầu xuân năm mới, ai trong chúng ta cũng đều mong được may mắn, bình an... Tuy nhiên, điều gì nên làm và không nên làm thì...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thu Huyền ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN