Chính phủ yêu cầu không để 'vàng hóa' nền kinh tế
Chính phủ yêu cầu không để xảy ra "vàng hóa" nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Tại Nghị quyết ngày 5/6, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý thị trường vàng. Cơ quan này phải khắc phục tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, minh bạch.
"Không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô", Nghị quyết nêu.
Vàng hóa nền kinh tế là hiện tượng kim loại quý lấn át hoặc thay thế đồng tiền trong nước, được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ. Hơn 10 năm trước, tình trạng này xảy ra, tạo sức hút lớn với nhà đầu tư, người dân. Vàng trở thành nơi "làm ăn" của giới đầu cơ. Trong khi, người dân có thói quen quy đổi giá trị của một vật ra số vàng tương ứng, như một chiếc xe bằng 10 lượng.
Năm 2012, Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng được ban hành, giúp cân bằng cung - cầu, ổn định thị trường.
Người dân mua vàng ở chi nhánh của một trong 4 ngân hàng quốc doanh, TP HCM, chiều 3/6..Ảnh: Quỳnh Trần
Từ đầu năm nay, giá vàng liên tục biến động, hôm 10/5 chạm ngưỡng 92 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá trong nước và thế giới nới rộng, 18-20 triệu đồng.
Nhiều người có xu hướng chuyển sang tích trữ vàng, khiến nhu cầu kim loại quý tăng mạnh. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, quý I, Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng tăng 12%, tiêu dùng thêm 6% so cùng kỳ năm 2023.
Lo ngại về tình trạng vàng hóa, Chính phủ, Thủ tướng nhiều lần phát đi thông điệp yêu cầu cơ các bộ ngành phải có giải pháp để ổn định thị trường. Sau phương án tăng cung cho thị trường qua đấu thầu vàng không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước thay đổi sang bán vàng bình ổn tại 4 ngân hàng quốc doanh và SJC.
Hôm nay là ngày thứ tư các ngân hàng và SJC bán vàng miếng trực tiếp tới người dân. Giá vàng hạ khoảng 3 triệu đồng trong 4 ngày qua. Mức chênh với thế giới cũng thu hẹp, từ 10 triệu đồng hôm 3/6 - thời điểm bắt đầu bán vàng bình ổn, về còn 4 triệu.
Tại phiên chất vấn sáng nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết ngoài sử dụng các công cụ bình ổn thị trường vàng hiện nay, Chính phủ sẽ sửa Nghị định 24. Việc này góp phần bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, ngăn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước tăng kiểm tra, giám sát, thực hiện quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong kinh doanh, mua bán vàng. Việc này phải hoàn thành trước ngày 15/6.
Với những doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện quy định về hóa đơn, Chính phủ nhắc lại yêu cầu "rút, thu hồi giấy phép kinh doanh".
Nguồn: [Link nguồn]
Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn không còn nhiều.