“Chìm trong thua lỗ”, loạt khách sạn đất vàng sắp sang nhượng
Kinh doanh khó khăn, hàng loạt khách sạn phải tìm cách sang nhượng để có tiền trả nợ, thậm chí là khách sạn 5 sao tại vị trí “đất vàng” cũng không thoát khỏi tình cảnh này.
Loạt ông lớn báo nợ khủng
Báo Tuổi trẻ thông tin, Công ty TNHH một thành viên Khách sạn quốc tế Thiên Phúc (chủ sở hữu khách sạn Novotel Saigon Centre) cho biết lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 âm 370 tỷ đồng. Việc thua lỗ đã kéo dài nhiều năm, từ năm 2021 đã lỗ 785 tỉ đồng, 2022 lỗ 783 tỉ đồng.
Với tình trạng thua lỗ triền miên, tính tới cuối tháng 6/2023, chủ khách sạn Novotel Saigon Centre đã âm vốn chủ sở hữu gần 903 tỷ đồng. Cùng kỳnăm trước, vốn chủ sở hữu của Thiên Phúc ở mức hơn 7 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả cuối quý 2/2023 khoảng 8.696 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trái phiếu hơn 6.420 tỷ đồng, chiếm gần 74% nợ phải trả. Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2023, nhiều lô được Thiên Phúc phát hành trong năm 2020 đều chưa được thanh toán lãi đến hạn với lý do là chưa thu xếp được nguồn vốn.
Khách sạn Saigon Prince Hotel tiêu chuẩn 4 sao toạ lạc đất vàng vẫn kinh doanh thua lỗ.
Cùng tình cảnh, Công ty Cổ phần Bông Sen (Bông Sen Corp) vừa công bố tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, ông lớn trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn đã không thanh toán 4.800 tỷ đồng gốc trái phiếu và hơn 668 tỷ đồng lãi. Lý do mà Bông Sen đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.
Bông Sen Corp sở hữu chuỗi khách sạn đắc địa ở TP HCM, gồm: Bông Sen Saigon (117-123 Đồng Khởi), Palace Saigon (56-66 Nguyễn Huệ), Bông Sen Annex (61-63 Hai Bà Trưng)… cùng chuỗi nhà hàng ở khu phố đi bộ Nguyễn Huệ…
Ông lớn này được giới truyền thông nhắc đến nhiều hơn gần đây khi nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Trả lời cổ đông, lãnh đạo Bông Sen cho biết công ty phát hành 4.800 tỉ đồng trái phiếu. Hiện cơ quan điều tra đang làm việc về vấn đề này.
Ngày 30/8, đại hội đồng cổ đông bất thường của Bông Sen đã thông qua phương án chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra Bộ Công An để khắc phục hậu quả của vụ án. Đồng thời thông qua việc xử lý tài sản của công ty để thực hiện nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành.
Các tài sản bao gồm phần góp vốn của bà Trần Thi Phơ; cổ phần Công ty Daeha; và hồ sơ thế chấp một loạt tài sản là bất động sản (tại 55-56 Nguyễn Huệ - Khách sạn Palace; 61-63 Hai Bà Trưng – khách sạn Bông Sen 2; số 5 Nguyễn Thiệp, 93-95-97 Đồng Khởi…)
Doanh nghiệp nhỏ hơn cũng điêu đứng
Từ đầu năm 2023, không ít doanh nghiệp, cá nhân tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng phải tìm cách rao bán bất động sản là các khách sạn lớn, nhỏ khác nhau nhằm “thoát lỗ”.
Tại Hà Nội, thông tin rao bán các khách sạn thuộc khu vực phố cổ có thể dễ dàng tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử về bất động sản. Có thể kể đến như khách sạn 5 sao cao 10 tầng, diện tích 176 m2, tại Hoàn Kiếm hiện đang được rao bán với giá 171 tỷ đồng,
Hay một khách sạn khác nằm tại mặt phố Hàng Bông có diện tích 350 m2, với 14 tầng, có mức giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ đồng/m2. Một khách sạn nằm tại mặt phố Lương Ngọc Quyến, 338 m2, 10 tầng cũng được rao bán với giá 530 tỷ đồng, tương đương 1,57 tỷ đồng.
Tại Hồ Chí Minh, có thể kể đến như khách sạn 10 tầng gần chợ Bến Thành, được rao bán với giá 123 tỷ đồng. Hay một khách sạn khác góc 2 mặt tiền tại đường Lý Tự Trọng và Lê Anh Xuân (phường Bến Thành) được chủ sở hữu rao bán với giá 430 tỷ đồng.
Loạt khách sạn tại Hà Nội rao bán nhưng... không ai mua?
Khách sạn rao bán tuy nhiều, nhưng số lượng người tìm mua lại là chuyện khác. Chủ một khách sạn đang rao bán tại phố Hàng Buồm cho hay, khách sạn của anh có 14 phòng, thời điểm trước dịch COVID-19, doanh thu hàng tháng khoảng 400 - 500 triệu đồng, nhưng từ thời điểm dịch bệnh, việc kinh doanh trở nên khó khăn, khách sạn đã để không trong thời gian dài, trong khi chi phí hàng tháng để duy trì vô cùng lớn.
“Hiện khách sạn đã bắt đầu có khách trở lại, kinh doanh có lãi nhưng vì áp lực tài chính mấy năm dịch bệnh vẫn chưa được giải quyết nên tôi mới đành phải bán đi để trả nợ”, vị này cho hay.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 5,6 triệu lượt, tương đương 70% kế hoạch năm 2023 nhưng đã phục hồi 66% mức năm 2019. Tổng số khách nội địa đạt khoảng 64 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 343,1 nghìn tỉ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước thềm lên quận, mặt bằng giá đất ở Gia Lâm đang có mức chênh lệch lớn giữa các vị trí, trong đó đất khu vực chợ đầu mối Ninh Hiệp có giá hơn cả tỷ đồng - cao...