Chiêu trò tạo sốt ảo từ đấu giá đất nông thôn

Giới đầu cơ bỏ tiền gom đất từ trước, khi đấu giá họ chỉ cần bỏ thầu 1-2 lô với giá cao vọt, lập tức mặt bằng giá mới của vùng được thiết lập.

Khi đó, việc xả hàng đã “ôm” để kiếm lời trở nên đơn giản. Thậm chí, sau khi trúng giá đấu “trên trời”, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền cọc.

Hét giá cao ngất rồi… bỏ cọc

Giữa tháng 9/2021, UBND huyện Nho Quan, Ninh Bình thông báo đấu giá quyền sử dụng 174 lô đất quy hoạch xây dựng nhà ở tại khu dân cư Vườn Lang tại xã Phú Lộc, có diện tích từ 95- 402m2 với giá khởi điểm từ 4,5 -5 triệu đồng/m2.

Tiền đặt trước theo phương án đấu giá (tiền cọc) được quy định từ 70-100 triệu đồng/hồ sơ.

Khu đất được đưa ra đấu giá tại điểm dân cư Vườn Lang, Nho Quan, Ninh Bình sau khi trúng đấu giá nhiều người đã bỏ tiền cọc

Khu đất được đưa ra đấu giá tại điểm dân cư Vườn Lang, Nho Quan, Ninh Bình sau khi trúng đấu giá nhiều người đã bỏ tiền cọc

Theo tìm hiểu của PV, giá khởi điểm này đã được cho là cao, khi trước đó 1 năm giá mỗi lô đất khoảng 100m2 tại khu vực này có giá thị trường chỉ từ 100-150 triệu đồng nhưng rất ít giao dịch.

Kết quả, trải qua 5 vòng đấu giá công khai, giá đã đẩy lên 5,6-7,8 triệu đồng/m2; trong đó có lô đất có giá khởi điểm chỉ khoảng 650 triệu đồng đã bị đẩy lên hơn 1,3 tỷ đồng. Khi có kết quả trúng đấu giá từ vòng đầu, địa phương này nhộn nhịp xe qua lại của dân môi giới, “cò đất”.

Thế nhưng tới thời điểm địa phương yêu cầu nộp đủ số tiền trúng đấu giá, hàng loạt “nhà đầu tư” sẵn sàng bỏ cọc.

“Các vị trí khi đưa ra đấu giá đều bán rất nhanh và người trúng đấu giá cao hơn so với giá sàn từ gấp rưỡi đến gấp đôi. Nhưng khi đến hạn nộp tiền, họ lại bỏ cọc và đi đấu tiếp các lô khác. Đáng nói, rất ít người địa phương tham gia đấu giá, thay vào đó là người từ nơi khác đến. Giá đất bị cò mồi đẩy lên cao, trong khi chính quyền lại đau đầu tìm cách giải quyết”, một cán bộ địa chính tại Nho Quan cho hay.

Theo ghi nhận, thời gian qua, tình trạng nhà đầu tư bỏ cọc sau khi trúng giá đấu thầu “trên trời” không chỉ diễn ra tại Ninh Bình.

Mới đây, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã ra hàng loạt quyết định về việc hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 35 lô đất.

Trước đó, kết quả rà soát của UBND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cũng cho thấy, đến thời điểm tháng 4/2021, toàn huyện có 103 lô đất sau đấu giá đã hết thời hạn nộp tiền nhưng khách hàng bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất…

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một nhà đầu tư từng có kinh nghiệm tham gia các phiên đấu giá đất cho biết, ngoài đối tượng chủ định bỏ cọc sau khi đã đạt mục đích “đẩy sóng” thì cũng có nhiều người bị “vỡ” thật, do nghe theo tin đồn, hăng hái ôm thầu giá quá cao, sau đó không bán lại được.

“Mỗi địa phương tự ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất. Tương tự, mức tiền đặt trước cũng được địa phương quyết định từ 5-20% giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Do đó, chỉ khi tuân thủ đúng Luật Đấu giá, đưa ra được mức giá khởi điểm phù hợp với thị trường điều chỉnh mức tiền cọc hợp lý, địa phương mới có thể hạn chế tình trạng chơi xấu, đầu cơ trong đấu giá đất”, vị này nói.

Cần xem lại đấu giá đất ở tại nông thôn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất (Bộ TN&MT) thừa nhận có sự bất thường đang diễn ra tại các cuộc đấu giá đất ở vùng nông thôn.

Sốt đất được xem là chướng ngại của quá trình phát triển. Bởi lẽ khi giá đất tăng, tiền đền bù cho các dự án hạ tầng cũng sẽ tăng theo, ngoài ra cũng là áp lực với người dân khi chi phí cho đời sống sẽ đắt đỏ hơn. Nếu không tính toán kỹ lưỡng và ngăn chặn từ sớm sẽ gây áp lực không nhỏ cho ngân sách địa phương.

Ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Theo đó, giới đầu cơ đã bỏ tiền gom đất từ trước, trong khi diện tích đấu giá lại rất nhỏ nên khi địa phương thông báo đấu giá, họ chỉ cần bỏ thầu 1-2 lô với giá cao vọt, lập tức mặt bằng giá mới của cả vùng được thiết lập.

Khi đó, việc xả hàng đã ôm để kiếm lời trở nên đơn giản.

Theo vị đại diện, việc đấu giá đất nông thôn lâu nay đều có mục đích tăng thu ngân sách địa phương và cấp nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên đất đai không giống như hàng hoá khác, chính quyền muốn tung hàng ra can thiệp thị trường để bình ổn giá phải trải qua nhiều thủ tục, đảm bảo các yếu tố về cơ sở hạ tầng…

“Mỗi huyện chỉ có vài điểm đấu giá mà mấy tháng, thậm chí cả năm mới tổ chức một lần; chưa kể mỗi lần cũng chỉ có vài chục thửa đất từ 70 đến vài trăm m2 thì quá bé nhỏ. Người dân ở địa phương có nhu cầu thật sự lại không tiếp cận được trong khi người từ thành phố hay nơi khác về lại găm hàng rất nhiều, thậm chí chưa kể chiêu bài môi giới, cò mồi bắt tay để thổi giá lên…”, vị này nói và cho rằng, cần thiết phải xem lại các quy định về đấu giá đất ở tại nông thôn.

Liên quan tới việc xác định giá sàn đấu giá khởi điểm, vị đại diện phân tích: “Dù được xác định bằng phương pháp định giá đất hay theo hệ số điều chỉnh của bảng giá thì cơ sở đưa ra giá sàn trong các phiên đấu giá cũng chỉ là tương đối. Vì vậy ngay cả khi đấu giá công khai minh bạch thì cũng có thể không phải mặt bằng giá thật”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Kim Chung, dù chưa có sự đong đếm chính xác về sự tác động đấu giá đất tới thị trường bất động sản, nhưng hiện tượng “đẩy sóng” đất đã được cảnh báo từ lâu, song vì quá nhiều cơ quan cùng quản lý nên chưa được giải quyết triệt để.

“Chủ trương giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá giúp tăng thu cho ngân sách địa phương nhưng phần nào cũng gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản. Đây cũng chính là vấn đề những người làm chính sách và cả đội ngũ tổ chức thực hiện đấu giá phải xem lại quy định về quy mô, tỷ lệ đất đấu giá phù hợp với từng điều kiện cụ thể tại địa phương”, ông Chung chia sẻ.

Cũng theo ông Chung, khi Luật Đất đai 2013 ra đời, Bộ TN&MT cũng nhấn mạnh, khi thực hiện đấu giá đất, các địa phương cần phải vận dụng linh hoạt để vừa phát triển kinh tế, vừa không để môi trường đầu tư bị xấu đi.

“Chính vì vậy, để chủ trương đấu giá đất đạt hiệu quả, trước mắt cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong hội đồng đấu giá tại địa phương, làm sao kết quả đấu giá không thấp quá mà cũng không cao quá. Bởi khi mặt bằng giá đất bị đẩy lên cao, sẽ gây nhiều hệ luỵ cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt giảm sức hút đầu tư”, ông Chung nói.

Nguồn: [Link nguồn]

150 dự án bị ”ách tắc”, nhà ở vừa túi tiền đẩy giá thành nhà cao cấp

Chỉ 20 dự án tại Tp.HCM được giải quyết, chấp thuận chủ trương đầu tư trong 11 tháng qua, còn 150 dự án nhà ở thương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN