"Chìa khóa" phòng chống lừa đảo qua mạng (*): Bít cửa tài khoản không chính chủ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Các ngân hàng đang tích cực thu thập, kiểm tra và làm sạch dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để ngăn chặn lừa đảo

Một giải pháp đang được rất nhiều người kỳ vọng sẽ ngăn chặn được nạn đánh cắp tiền trong tài khoản chính là việc từ ngày 1-7, các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng/lần và tổng giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên phải xác thực bằng sinh trắc học. Đây là bước đi mạnh mẽ của ngành ngân hàng (NH) nhằm hạn chế tội phạm lừa đảo qua mạng.

Chạy đua đăng ký sinh trắc học

Việc này được triển khai theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN (Quyết định 2345) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ NH của NH Nhà nước.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, ngày 25-6, các NH thương mại đồng loạt "bắn" tin nhắn điện thoại và thông báo trên ứng dụng NH đề nghị khách hàng đăng ký sinh trắc học để tránh gián đoạn giao dịch khi thời điểm 1-7 đang đến gần.

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền là giải pháp góp phần hạn chế gian lận, lừa đảo trực tuyến. Ảnh: BÌNH AN

Xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền là giải pháp góp phần hạn chế gian lận, lừa đảo trực tuyến. Ảnh: BÌNH AN

Chị Lam Ngọc (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên tài khoản Vietcombank và ví MoMo. Các bước thực hiện khá đơn giản gồm: quét thông tin trên CCCD gắn chip và chụp ảnh khuôn mặt. 

"Tôi thường xuyên chuyển tiền hay thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua ứng dụng NH và ví điện tử nên phải tranh thủ đăng ký để tới ngày 1-7 sẽ không giao dịch được. Ngoài ra, các thủ đoạn lừa đảo qua mạng của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi nên tôi cũng lo lắng, đăng ký bảo mật sớm để được an toàn" - chị Lam Ngọc nói.

Trong khi đó, anh Khánh Hoàng (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) kỳ vọng sau khi quy định giao dịch chuyển tiền NH trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt, các tài khoản rác, các đối tượng mạo danh sử dụng thông tin trên CCCD của anh để mở tài khoản NH sẽ không thể thực hiện giao dịch hay lừa đảo ai đó chuyển tiền. 

Nguyên nhân là do anh Hoàng phát hiện có kẻ gian đã tạo một số tài khoản Facebook từ thông tin và hình ảnh của anh, đồng thời giả mạo luôn thông tin trên CCCD của anh để đi lừa bạn bè, người thân, như: mượn tiền, nhờ chuyển tiền…

Hiện tại, các NH đều đang tích cực thu thập, kiểm tra, làm sạch dữ liệu sinh trắc học của khách hàng để đáp ứng các yêu cầu tại Quyết định 2345. Các NH sẽ cập nhật và bổ sung dữ liệu sinh trắc học từ thẻ CCCD gắn chip của khách hàng, đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho hay khi khách hàng đăng ký sinh trắc học phải bảo đảm các dữ liệu trên tài khoản NH hoặc ví điện tử khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong thẻ CCCD gắn chip do chính cơ quan công an cấp…

Dùng AI để tăng cường bảo mật

Theo thống kê của Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), đến nay đã có 48 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip qua ứng dụng điện thoại; 60 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy. Có 24 tổ chức tín dụng đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng.

Những giải pháp này đã bước đầu đem lại hiệu quả. NH Quân đội (MB) cho biết vừa triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo một cách nhanh chóng. Khi thao tác chuyển tiền, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp người nhận là tài khoản lừa đảo. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng chặn các giao dịch lạ, nghi ngờ… tránh mất tiền oan.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong quá trình làm sạch dữ liệu tài khoản thanh toán của khách hàng, các NH sẽ có danh sách những tài khoản rác, mạo danh, lừa đảo... Từ đó, các NH có thể xây dựng tính năng nhận diện để cảnh báo cho khách khi chuyển tiền.

Ông Thái Trí Hùng, Giám đốc Công nghệ MoMo, cho biết MoMo đang thử nghiệm phương thức thanh toán bằng khuôn mặt (Face Payment), sử dụng công nghệ AI (trí thuệ nhân tạo) và sinh trắc học để bảo đảm an toàn và bảo mật cao song song với việc triển khai Quyết định 2345 của NHNN. Hiện MoMo đang đầu tư rất mạnh vào các công nghệ mới, đặc biệt là hệ thống cảnh báo phòng chống lừa đảo, tội phạm bằng AI được thực hiện bởi đội ngũ nghiên cứu hơn 200 kỹ sư và chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực AI. 

"Trường hợp người dùng cài đặt các phần mềm độc hại, ngoài các biện pháp thông thường, đội ngũ kỹ sư bảo mật tại MoMo sẽ tiến hành phân tích mã độc, trích xuất các đặc trưng nhận dạng và thực hiện cảnh báo đến người dùng nếu phát hiện các dấu hiệu bị tấn công. Trường hợp người dùng bị lộ mã OTP, mật khẩu… hệ thống AI sẽ phân tích hành vi của đối tượng lừa đảo, từ đó tìm ra luồng đi của dòng tiền. 

Dựa vào công nghệ dữ liệu lớn và AI, bước đầu chúng tôi đã phân biệt được các giao dịch bất thường dựa vào tốc độ giao dịch, hành vi giao dịch hay dòng tiền giao dịch, từ đó xây dựng các hệ thống cảnh báo và ngăn chặn sớm" - ông Hùng phân tích.

Với tình trạng tài khoản thẻ tín dụng bị rò rỉ thông tin trong quá trình thanh toán, bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia, Việt Nam, Campuchia và Lào của Mastercard, cho biết đã làm việc với bên cung cấp dịch vụ, áp dụng giải pháp "thẻ không số". Đây là những thẻ được mã hóa thông tin, khách hàng có thể kết hợp thẻ và điện thoại của mình để chủ động kiểm soát mở, đóng thẻ, cài đặt hạn mức, chỉ cho phép thẻ chi tiêu trong nước hoặc quốc tế...

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-6

Tránh cận ngày mới đi cập nhật dữ liệu

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, cho biết các NH đang gấp rút thu thập dữ liệu sinh trắc học của khách hàng. Tuy nhiên, hiện tại tốc độ còn chậm do nhiều khách hàng chưa nắm rõ về quy định mới.

"Do đó, lượng khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học có thể tăng đột biến vào ngày 1-7, ảnh hưởng đến hệ thống đối soát thông tin từ cơ sở dữ liệu CCCD và trải nghiệm khách hàng" - ông Hùng dự báo.

Để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo, các NH cảnh báo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng khác. Các NH không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật hoặc bất kỳ thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc qua đường link.

Với quy định phải xác thực khuôn mặt khi thực hiện giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng, tài khoản không chính chủ, mở bằng giấy tờ "vay mượn" sẽ bị loại bỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÁI PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN