Chi phí xây nhà đắt đỏ khiến dân chuyển hướng làm nhà lắp ghép giá rẻ

Trước thực trạng giá xây dựng nhà ở tăng cao, nhiều doanh nghiệp xây dựng bắt đầu chuyển hướng sang xây dựng nhà tiền chế giá rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người thu nhập thấp.

Vật liệu xây dựng tăng giá, dân điêu đứng

Theo thống kê từ Hội Vật liệu Xây dựng (VLXD) Việt Nam, từ cuối năm 2021 đến nay, giá của các loại VLXD liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong đó, tính đến tháng 7/2022, giá xi măng đã tăng 70% so với quý IV/2020, giá thép vài tháng qua mặc dù giảm nhiệt nhưng vẫn tăng gần 40% so với đầu năm, còn giá nhựa đường, đá xây dựng, cát đổ nền, gạch lát đường,… cũng tăng bình quân 1,5 lần/tháng, mức tăng đạt khoảng 30% - 35% so với cuối năm ngoái.

Trước tình trạng này, chia sẻ với Tiền Phong, chủ một số doanh nghiệp xây dựng cho biết họ liêu xiêu trong cơn bão giá VLXD, bởi càng làm nhiều thì càng lỗ nhiều.

Không những vậy, việc giá VLXD tăng nhanh còn tác động tiêu cực đến việc đầu tư xây dựng nhà ở của người dân. Đơn cử là việc anh L.K (30 tuổi, Bắc Giang) đã hoãn kế hoạch xây nhà cho bố mẹ suốt vài tháng qua, bởi giá xi măng, cát, thép đều tăng, vượt dự trù kinh phí của anh.

“Tôi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan 3 năm, tích cóp được gần 400 trăm triệu đồng và dự tính xây một căn nhà cấp 4 mái Thái nho nhỏ cho bố mẹ. Tuy nhiên, do giá VLXD liên tục tăng, nên chi phí xây nhà của tôi hiện giờ đã không còn theo dự kiến, tăng thêm hơn 100 triệu đồng. Vì thế, tôi quyết định tạm hoãn xây nhà, chờ một thời gian nữa xem giá VLXD có giảm hay không rồi tính tiếp”, anh K nói.

Người dân lao đao vì giá đất và giá VLXD tăng cao, khiến ước mơ xây nhà của họ ngày càng xa vời. (Ảnh: Lộc Liên)

Người dân lao đao vì giá đất và giá VLXD tăng cao, khiến ước mơ xây nhà của họ ngày càng xa vời. (Ảnh: Lộc Liên)

Tương tự anh K, gia đình bà H (55 tuổi, Hà Nội) cũng đang lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vì giá VLXD leo thang. Cụ thể, nhà bà H bắt đầu cho xây dựng căn nhà 5 tầng từ hồi đầu năm, khi thi công đến tầng 2, gia đình có việc nên nhà bà này tạm dừng xây dựng. Mới đây, bà H cho thợ tiếp tục thi công thì tá hỏa phát hiện VLXD đã đồng loạt tăng giá, vượt dự kiến hơn 300 triệu đồng.

“Vật liệu tăng giá, thợ cũng đòi tăng tiền công nên tôi không biết xoay xở thế nào. Hoặc là giật gấu bá vai họ hàng để xây cho xong, hoặc là tôi chỉ xây đến tầng thứ 3 thì dừng”, bà H tâm sự.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và VLXD TP HCM chia sẻ, mỗi công trình, dự án, chi phí VLXD chiếm 70%-80% giá thành. Do đó, khi giá VLXD tăng bắt buộc nhà thầu phải tăng giá. Tuy nhiên, khi hợp đồng đã ký, mọi thứ sẽ rất khó khăn nếu chủ đầu tư yêu cầu bên thi công giữ giá cũ. Nếu tăng giá, nhà đầu tư cũng đứng trước nguy cơ lỗ nặng bởi biên độ lợi nhuận trong ngành xây dựng hiện nay khá thấp. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ nhà thầu không thể tiếp tục thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Kha, Giám đốc một công ty xây dựng cho biết, ở Việt Nam, nhu cầu làm nhà ở rất lớn, nhất là các vùng nông thôn do tâm lý “an cư thì mới lạc nghiệp”. Nhưng để có nhà, cần có tài chính để mua đất và tài chính để xây nhà. Tuy nhiên, vài năm gần đây, do hệ lụy từ các cơn “sốt đất” mà giá đất khắp nơi tăng cao, trong khi giá VLXD cũng liên tục tăng nên giấc mơ xây nhà của nhiều người ngày càng xa vời.

Chuyển hướng làm nhà tiền chế giá rẻ

Trước thực trạng giá xây dựng nhà ở tăng cao, nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết, họ bắt đầu chuyển hướng sang xây dựng nhà tiền chế giá rẻ, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho những người thu nhập thấp.

Theo chuyên gia xây dựng, loại nhà kiểu mới này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như nhà thép tiền chế, nhà khung thép dân dụng, nhà lắp ghép,… Đây là kiểu nhà được xây dựng bằng cấu kiện thép kết hợp với các tấm tạo hình cùng nhiều vật liệu khác để tạo thành công trình hoàn chỉnh.

Các mẫu nhà tiền chế có tính ứng dụng rất cao, được xem là giải pháp tối ưu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp như: Kho bãi, nhà xưởng tiền chế, nhà ở, văn phòng, trung tâm mua sắm,…

Trong đó, vật liệu thường được áp dụng như tấm bê tông nhẹ, gạch bọt khí, tấm panel,... các vật liệu này hoàn toàn sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nên một phần nào đó giúp bảo vệ môi trường tốt hơn và giảm thiểu chi phí thi công so với các loại hình truyền thống.

Chi phí xây nhà đắt đỏ khiến dân chuyển hướng làm nhà lắp ghép giá rẻ - 2

Một mẫu nhà tiền chế với chi phí 200 - 300 triệu đồng từng gây "sốt" mạng xã hội.

Một mẫu nhà tiền chế với chi phí 200 - 300 triệu đồng từng gây "sốt" mạng xã hội.

Cụ thể, với gạch bọt khí, bản chất là bê tông được tạo ra từ tro nhiệt điện, xi măng, chất tạo bọt khí, sợi PP gia cường được đông kết tự nhiên nên chúng không thấm nước. Gạch có đặc tính chống nóng, chống cháy và cách âm, cách nhiệt. Đặc biệt, thời gian để thi công với kiểu vật liệu này rút gọn bằng 1/2 so với cách thi công truyền thống.

Theo chủ một công ty xây dựng, hiện tại, với các mô hình nhà giá rẻ, khách hàng chỉ mất khoảng 200 – 300 triệu đồng, là đã có được một ngôi nhà với đầy đủ công năng, kèm nội thất mà thiết kế vẫn đảm bảo sự trẻ trung và hiện đại.

“Phần lớn người dân Việt Nam, để xây được một ngôi nhà họ rất áp lực về tài chính, vì họ coi như đó là cả một gia tài, rồi tài chính phải tiền tỷ mới có thể xây nhà. Và trên thực tế, có nhiều bạn trẻ đặc biệt là đôi vợ chồng mới cưới chỉ có vài trăm triệu đồng nên họ rất quan ngại và khó để mơ đến việc làm được ngôi nhà để ở với đầy đủ tiện nghi.

Tôi đi khảo sát thì thấy rằng đa số bạn trẻ sở hữu đất để xây nhà, thì đất thường có diện tích không lớn, chỉ khoảng 100 -150m2, nhưng họ cũng không biết phải làm gì với diện tích này khi tiền tỷ chưa có. Chính vì thế, mô hình nhà tiền chế giá rẻ là phù hợp với những người có thu nhập thấp”, ông Kha Duy bày tỏ.

Được biết, hiện tại xu thế làm nhà tiền chế giá rẻ đã và đang được lan rộng ở khoảng 15 tỉnh thành, và khách hàng lựa chọn kiểu nhà này đa số là những người trẻ. Thậm chí, nhiều chuyên gia xây dựng còn cho rằng, trong tương lai gần, kiểu nhà này sẽ dần chiếm lĩnh thị trường xây dựng và được phủ rộng hơn như xu hướng của thế giới.

Trước tình trạng bão giá VLXD, Bộ Xây dựng đã ra quyết định kiểm tra việc quản lý chi phí hợp đồng xây dựng, trong đó có việc quản lý giá VLXD, thiết bị, đơn giá xây dựng tại bảy địa phương là TP Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang. Thời gian kiểm tra trong Quý II và Quý III/2022.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà riêng trong ngõ nhỏ, ngách hẹp Hà Nội tăng giá mạnh

Mất dần sức hút và lượng người quan tâm sụt giảm mạnh, nhưng nhà liền thổ trong ngõ nhỏ, ngách hẹp ở Hà Nội vẫn tăng giá mạnh thời gian gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lộc Liên ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN