Chênh lệch giá mua bán vàng nhẫn 9999 'chợ đen' ngang với vàng miếng SJC

Sự kiện: Giá vàng
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nếu mua vàng miếng SJC tại các ngân hàng thương mại và cộng thêm khoản phí "mua suất mua vàng" thì khách hàng không những không có lời mà còn lỗ.

Ngày 4-9, các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC quay trở lại giao dịch vàng miếng sau chuỗi ngày nghỉ lễ kéo dài, giá bán vẫn neo chặt ở mức 81 triệu đồng/lượng.

Ở chiều mua vào, Công ty SJC tiếp tục giữ nguyên ở mức 79 triệu đồng/lượng, không thay đổi trong suốt 2 tuần gần đây.

Giá vàng miếng SJC đóng băng suốt 2 tuần

Trong khi đó, các loại vàng nhẫn tuy đã được điều chỉnh giảm nhẹ nhưng mức giá giao dịch vẫn ổn định quanh vùng cao kỷ lục.

Hiện mỗi lượng vàng nhẫn tròn trơn tại Công ty SJC niêm yết giá mua vào 77,2 triệu đồng, bán ra 78,55 triệu đồng, giảm 100.000 – 150.000 đồng/lượng lần lượt ở chiều mua – bán so với cuối tuần trước.

Trong khi đó, Công ty PNJ neo giá mua vào 77,34 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 78,55 triệu đồng/lượng, thấp hơn 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên gần nhất.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay dao động ở ngưỡng 2.485 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá kim loại quý màu vàng tương đương 75 triệu đồng/lượng, cao hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 3,5 triệu đồng/lượng và đắt hơn vàng miếng SJC khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Cùng biên độ giảm tương đương song giá vàng nhẫn 9999 tại Sacombank-SBJ đang chênh chênh ở mức 76,7 – 78,9 triệu đồng/lượng (mua-bán).

Suốt 3 tuần trở lại đây, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC trên thị trường tự do chỉ loanh quanh ở ngưỡng 500.000 – 600.000 đồng/lượng. Nghĩa là nếu mua vàng miếng SJC tại các ngân hàng thương mại và cộng thêm khoản phí "mua suất mua vàng" không những không có lời mà còn lỗ nữa.

Bởi giá thu mua vàng miếng SJC trên chợ đen hiện chỉ còn 81,06 triệu đồng/lượng. Chính vì vậy, những người chuyên săn suất mua vàng miếng đã giảm giá không phanh. Từ chỗ mức phí lên đến gần 1 triệu đồng vào đầu tháng 6 thì bây giờ chi phí ngầm này rơi thẳng xuống còn khoảng 50.000 đồng/suất.

Trong khi đó, chênh lệch giá mua – bán của vàng nhẫn 9999 trên thị trường chợ đen đang phổ biến ở mức 500.000 đồng/lượng, tại các doanh nghiệp lớn khoảng cách này có thể nới rộng từ 1 – 1,3 triệu đồng/lượng do nguồn cung nhẫn trơn vô cùng khan hiếm.

Sau đợt tăng phi mã, giá vàng thế giới đang có phiên giảm thứ 4 liên tiếp với tổng mức giảm lên đến 40 USD/ounce, tương đương khoảng 1,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng quy đổi.

Giá vàng thế giới giảm trong những ngày gần đây chủ yếu đến từ nhu cầu chốt lời của các nhà đầu tư và chỉ số USD-Index phục hồi nhẹ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng đợt điều chỉnh này chính là để mua, do đó, có thời điểm trong phiên hôm nay giá vàng thế giới phục hồi nhẹ về mức 2.490 USD/ounce.

Vàng miếng SJC "đóng băng" ở mốc 81 triệu đồng suốt 2 tuần qua. Ảnh minh họa

Vàng miếng SJC "đóng băng" ở mốc 81 triệu đồng suốt 2 tuần qua. Ảnh minh họa

Lực đẩy cho giá vàng thế giới đến từ đâu?

Lực đẩy cho giá vàng trong giai đoạn hiện nay chủ yếu đến từ động thái của Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell vừa tuyên bố "đã đến lúc chính sách phải điều chỉnh" tại Hội nghị chuyên đề kinh tế ở Jackson Hole, Wyoming.

Theo đó, công cụ FedWatch của CME cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 là 100%, với 63% khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản và 37% khả năng cắt giảm đáng kể hơn là 50 điểm cơ bản.

Trong quý II-2024, các ngân hàng trung ương đã mua thêm 183 tấn vàng, đánh dấu mức tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 39% so với lực mua lên đến 300 tấn trong quý 1 năm nay.

Ông Krishan Gopaul - Chuyên gia phân tích cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới

Bên cạnh đó, tiềm năng của giá vàng còn được hỗ trợ bởi sức mua của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục tăng mạnh. Thực tế cho thấy ngay cả khi giá vàng thế giới leo lên mức cao kỷ lục thì số lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương vẫn lên tới 37 tấn vào tháng 7.

Trong báo cáo mới nhất của WGC, ông Krishan Gopaul, chuyên gia phân tích cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương tiếp tục tích trữ vàng trong những tháng gần đây.

Mặc dù lực cầu chung của toàn thị trường vàng có dấu hiệu hạ nhiệt khi giá vàng bật lên kỷ lục mới, thế nhưng sức mua của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục tăng.

Lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đạt 483 tấn trong nửa đầu năm 2024, cao hơn 5% so với kỷ lục từng thiết lập trước đó là 460 tấn trong nửa đầu năm 2023.

Trong tháng 7 có bảy ngân hàng trung ương đã mua thêm vàng với số lượng từ một tấn trở lên và chỉ có một ngân hàng trung ương giảm lượng vàng nắm giữ.

Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã ồ ạt mua vàng kể từ tháng 4 năm nay. Chỉ tính riêng tháng 7 nước này đã mua thêm 14 tấn và cũng là tháng mua nhiều nhất kể từ 11-2023. Qua đó, nâng lượng vàng nắm giữ của Ba Lan lên 392 tấn, chiếm 15% tổng dự trữ ngoại hối bằng vàng.

Vị trí mua vàng nhiều thứ hai trong tháng 7 thuộc về Ngân hàng Trung ương Uzbekistan với số lượng là 10 tấn vàng, nâng tổng lượng vàng nắm giữ của quốc gia này lên 375 tấn.

Tương tự, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã tăng dự trữ vàng thêm 5 tấn, đưa lượng vàng mua ròng lên 43 tấn kể từ đầu năm nay và nâng tổng dự trữ lên 846 tấn. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng mua thêm 4 tấn vàng, đánh dấu 14 tháng liên tiếp mua ròng.

Giá vàng hôm nay 5/9/2024 trên thế giới tăng trở lại nhưng chưa thể cán mốc 2.500 USD/ounce. Giá vàng trong nước điều chỉnh chậm một nhịp khi vàng miếng SJC giảm 500.000 đồng/lượng, còn vàng nhẫn SJC tăng nhẹ theo thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÙY LINH ([Tên nguồn])
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN