Chân dung ông chủ 8X ngành nhựa vừa được đề cử đại biểu quốc hội
CEO của Nhựa Đại Đồng Tiến là doanh nhân thuộc thế hệ 8X trưởng thành từ công ty gia đình, người từng có chiến lược khiến cổ đông cho là liều mạng.
Trong số hai ứng cử viên vừa được hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề cử làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV (2021 - 2026) mới đây, có doanh nhân Trịnh Chí Cường (SN 1982) - Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Đại Đồng Tiến.
Nhiều người nhận ra đây là gương mặt không mấy xa lạ trong lĩnh vực kinh doanh nhựa gia dụng ở Việt Nam bởi hầu hết mọi gia đình Việt đều đang sử dụng ít nhất một sản phẩm nhựa của Đại Đồng Tiến, từ tủ nhựa kéo đến hộp đựng thực phẩm, khay, xô, thùng đựng gạo…
Công ty CP Đại Đồng Tiến, địa chỉ ở 16 Tân Thành, phường 15, quận 5, TP. HCM, có tiền thân là tổ hợp sản xuất nhựa Đại Đồng Tiến, được thành lập năm 1983. Năm 1997, đơn vị trở thành công ty TNHH Nhựa Đại Đồng Tiến và đến 2007 thì chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi chính thức như hiện nay.
Khởi nghiệp là cơ sở của hộ gia đình, chuyên sản xuất bút bi, những năm về sau, Đại Đồng Tiến bắt đầu sản xuất các sản phẩm gia dụng thiết yếu và đến nay thì có 6 dòng sản phẩm chính: Household (nhựa gia dụng chất lượng cao), Foodpak (hộp thực phẩm cao cấp với nút thắt hơi, thố), Nice (tủ nhựa, tủ mini), Sina (hộp thực phẩm công nghiệp), G.I.P (sản phẩm công nghiệp nhẹ), Viking. Trong đó, dòng sản phẩm House Hold đóng góp hơn 50% doanh thu toàn công ty.
Ngoài trụ sở chính tại TP. HCM, công ty có hai nhà máy đặt tại quận Bình Tân (TP.HCM) và khu công nghiệp Nhơn Trạch II ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Là doanh nghiệp nhựa nội địa, công ty chủ yếu phân phối trong nước qua mạng lưới hơn 60 nhà phân phối, hơn 10 chuỗi siêu thị và khoảng 3.000 đại lý bán lẻ.
Ngoài ra, sản phẩm của Đại Đồng Tiến được xuất khẩu sang hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 200 chủng loại sản phẩm, tương đương trên 300 mặt hàng. Trong đó, các sản phẩm mang nhãn hiệu Household, Sina, Nice, Foodpak, GIP... được xuất khẩu đến nhiều quốc gia: Lào, Campuchia, Australia, các quốc gia châu Âu và Trung Đông...
Nếu như năm 2009 doanh thu của công ty gia đình này mới đạt 625 tỷ đồng thì đến năm 2014, tổng doanh thu của công ty đạt 1.019 tỷ đồng.
Từ đó, trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của Nhựa Đại Đồng Tiến (công ty mẹ) luôn duy trì trên mức 1.000 tỷ đồng, như năm 2018 là 1.122 tỷ đồng và 2019 là 1.118 tỷ đồng.
Tuy vậy, theo số liệu của Người Đưa Tin Pháp luật, lợi nhuận của Đại Đồng Tiến lại không mấy khả quan. Theo đó, năm 2017 Đại Đồng Tiến báo lãi 10,9 tỷ đồng, nhưng sang năm 2018 lại lỗ hơn 91 tỷ, riêng năm 2019 lỗ thuần 214 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Đại Đồng Tiến ở mức 1.009 tỷ đồng.
Doanh nhân Trịnh Chí Cường - người có triển vọng trở thành ĐBQH khóa XV tới.
Nói về Tổng Giám đốc Trịnh Chí Cường thì đây là một người thuộc thế hệ doanh nhân 8X trưởng thành từ cái nôi gia đình nhưng được đào tạo về quản lý và quản trị kinh doanh ở nước ngoài nên có khát vọng hết sức mạnh mẽ.
Điều đặc biệt, Trịnh Chí Cường được đặt vào vị trí Tổng Giám đốc của Đại Đồng Tiến hoàn toàn bất ngờ, khi người cha của anh, ông Trịnh Đồng, đột ngột lâm bệnh nặng vào năm 2007. Đó cũng là năm Đại Đồng Tiến vừa cổ phần hóa và thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Khi đó, Cường mới 26 tuổi, vừa trở về từ Singapore sau 7 năm du học và làm việc ở nước ngoài.
Việc đầu tiên của Cường khi ngồi vào ghế Tổng Giám đốc là lên kế hoạch thành lập phòng nghiên cứu và phát triển cho công ty. Điều này trước đây, lúc còn hoạt động theo mô hình công ty gia đình, Đại Đồng Tiến chưa từng nghĩ tới.
Cuối năm 2007, sản phẩm mang nhãn hiệu Sina, ứng dụng công nghệ kháng khuẩn nano Bạc ra đời chủ yếu phục vụ cư dân đô thị. Những hộp nhựa Sina có thể ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn, là cột mốc giúp Đại Đồng Tiến có nhãn hàng mang phong cách hiện đại, chú trọng yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Bước khởi đầu đột phá không tránh khỏi sóng gió. Chiến lược đẩy mạnh sản xuất hàng cao cấp của Cường chưa kịp đưa ra thị trường thì cơn bão khủng hoảng kinh tế ập tới vào năm 2008. Người tiêu dùng thờ ơ, nhà phân phối không mặn mà, sản phẩm làm ra phải xếp vào kho. Có thời điểm, công suất của nhà máy phải giảm đến 40%. Tuy nhiên, vị lãnh đạo trẻ kiên quyết “khó mấy cũng phải làm bởi sự sáng tạo, theo sát công nghệ hiện đại là sự sống còn của Công ty”.
Sau đó, nhờ chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Chính phủ năm 2009, Đại Đồng Tiến đã hồi phục rất nhiều, kéo doanh số tăng 7% năm 2008 lên 15% năm 2009, đạt 625 tỷ đồng.
Khắc phục khó khăn cho công ty xong, Cường đưa ra chiến lược “đẩy và kéo”: Dùng đòn bẩy khuyến mãi để đẩy ra lượng lớn hàng hóa nhằm kéo lượng khách hàng lớn đến với công ty.
Chiến lược này đã mang lại cho Đại Đồng Tiến một lượng lớn khách hàng mới, giúp doanh số công ty tăng nhanh sau những đợt bán hàng đó, thậm chí tăng đến 30% so với dự kiến, mặc dù trước đó ý tưởng của anh bị các cổ đông cho là liều mạng.
Táo bạo và có logic – là những gì mà bà Trần Thị Huê - Phó Chủ tịch HĐQT của Đại Đồng Tiến, mẹ của Cường, nhận xét về con trai trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây vài năm. “Tôi ủng hộ những ý tưởng táo bạo có logic của Cường. Nó làm việc có đầu có đuôi và suy nghĩ độc lập cả khi quản lý lẫn khi đề ra chiến lược kinh doanh. Có thể Cường chưa am hiểu hệ thống sản xuất như cha mình, nhưng Cường có suy nghĩ và lối làm việc hiện đại khiến tôi yên tâm…”, bà Huê nói.
“Tham vọng thương hiệu toàn cầu” là cụm từ mà vị doanh nhân trẻ hay nhắc đến. Thay vì lựa chọn học xong sẽ ở lại nước ngoài làm việc rồi lập nghiệp như bao bạn trẻ khác, Cường quyết định về quê tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ. “Đọc nhiều sách về kinh tế học, tìm hiểu lịch sử kinh tế thế giới, mới thấy Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển. Tôi quyết định trở về”, doanh nhân 8X trả lời phỏng vấn vào năm 2018, sau khi Đại Đồng Tiến nhận giải thưởng thương hiệu quốc gia.
Vị thiếu gia ngành nhựa có thói quen đọc nhiều sách nghiên cứu và sách viết về các công ty gia đình nổi tiếng thế giới. Anh nói, hơn 90% công ty thành đạt trên thế giới xuất phát từ công ty gia đình. Cường cho biết rất thích cách quản trị của cựu Tổng Giám đốc tập đoàn General Electric, ông Jack Welch và tính sáng tạo của cựu Tổng Giám đốc Apple, ông Steve Jobs.
Cường tiết lộ, anh mong ước không chỉ là doanh nhân thành đạt mà còn là nhà khoa học, có thể vừa kinh doanh vừa nghiên cứu làm ra những sản phẩm tốt, có giá trị bền vững phục vụ xã hội.
Giống như các công ty gia đình khác, áp lực lớn nhất của Cường là làm thế nào để vượt qua cái bóng của người đi trước. Để làm được điều đó, anh tự cho mình quyền không hoàn hảo và cho phép đổ lỗi để học nhiều hơn.
“Không hoàn hảo để biết mình còn phải học hỏi nhiều hơn nữa. Đổ lỗi một chút để biết rằng mình cần những người thân xung quanh và họ thật quan trọng trên mỗi bước đường thử thách. Tuy nhiên, tuyệt đối không ỷ lại”, ứng cử viên ĐBQH khoá XV từng chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Warren Buffett đã gia nhập câu lạc bộ 100 tỷ USD cùng với Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates.