Chân dung đại gia kín tiếng xây chùa Tam Chúc thu hút hàng vạn khách thập phương
Đầu tư 11.000 tỷ đồng xây khu du lịch Tam Chúc, hàng vạn người chen chân chiêm bái, nhưng tỷ phú Xuân Trường từng khẳng định xây chùa không vì tiền.
Tỷ phú xây chùa "không vì tiền"
Những ngày gần đây, lượng khách đổ về chùa Tam Chúc (huyện Kim Bảng, Hà Nam) tăng đột biến. Một số tấm ảnh được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội cho thấy cảnh tượng dòng người chen chúc đến thăm chùa vào hôm 14/3, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Chia sẻ với báo chí, Thượng tọa Thích Minh Quang - Phó trụ trì chùa Tam Chúc - ước tính số khách tham quan hôm 14/3 lên tới hơn 60.000 người, gấp 3 lần lượng khách trong cả tháng 1 âm lịch.
Cảnh người dân chen chúc tại chùa Tam Chúc hôm 14/3/2021.
Điều này thêm một lần khiến dư luận tò mò về vị đại gia kín tiếng: Tỷ phú Xuân Trường, người từng chi 11.000 nghìn tỷ đồng xây dựng ngôi chùa này.
Trước đó, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt cho tỉnh Hà Nam và doanh nghiệp xây dựng (DNXD) Xuân Trường đầu tư phục dựng ngôi chùa Tam Chúc (còn gọi là chùa Ba Sao).
Sau đó, bên cạnh ngôi cổ tự Tam Chúc, một ngôi chùa mới cùng tên được doanh nghiệp (DN) này công bố rót 11.000 tỷ đồng xây dựng, nằm bên trong khu du lịch quốc gia (DLQG) Tam Chúc. Công trình có tổng diện tích 5.100ha, trong đó diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển khu DLQG Tam Chúc là 4.000ha.
Công trình này kỳ vọng đón được 3,7 triệu lượt khách vào năm 2025, khoảng 6 triệu lượt khách vào năm 2030 với mức tổng thu dự kiến các năm 2025 và 2030 lần lượt là 1.100 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng.
Thực tế, sau khi đi vào hoạt động, chùa Tam Chúc ngày càng có nhiều khách thập phương ghé thăm. Năm 2019, dù còn đang trong quá trình xây dựng dang dở nhưng ngôi chùa vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày.
Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao dự kiến đạt doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng vào năm 2030
Nhắc đến chùa Tam Chúc hay những "siêu dự án" tâm linh, người ta nghĩ ngay đến tỷ phú Xuân Trường: Ông Nguyễn Văn Trường (SN 1963, quê gốc Hoa Lư, Ninh Bình) - Tổng giám đốc DNXD Xuân Trường.
Vị đại gia gốc Ninh Bình từng nổi tiếng với câu nói: "Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý".
Trong một lần trả lời câu hỏi của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật: "Người ta nói ông kinh doanh dịch vụ tâm linh?", ông Trường nói: "Tôi bỏ tiền xây chùa rồi giao lại cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Tôi có thu tiền đâu mà bảo tôi kinh doanh tâm linh?"
Vị đại gia kín tiếng
Không chỉ có dự án khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, hàng loạt "siêu dự án" tâm linh mà vị tỷ phú này bỏ tiền đầu tư đã khiến nhiều người kinh ngạc.
Vào năm 1993, DN của ông Nguyễn Văn Trường được thành lập tại số 16, đường Tân Thành, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình, với số vốn 1.500 tỷ đồng.
Là một doanh nhân, ông Trường từng đoạt danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu", Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Ông cũng từng là Ủy viên BCH phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, giải trí; là ông chủ của nhiều doanh nghiệp tư nhân như doanh nghiệp Xuân Trường Ninh Bình, công ty CP Du lịch Hoa Lư, khách sạn Hoa Lư, công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Tràng An, sân Golf Tràng An, khu du lịch hồ Đồng Chương (Ninh Bình) và khu du lịch Tam Chúc.
Tuy nhiên, tên tuổi ông Trường được biết đến nhiều hơn kể từ sau khi "siêu dự án" Tràng An - Bái Đính khởi công năm 2006 với số vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án chùa Bái Đính được đầu tư xây dựng thành một ngôi chùa lớn hàng đầu châu Á với 9 kỷ lục lớn nhỏ về khuôn viên, tượng Phật, bảo tháp, giếng ngọc hay số lượng tượng la hán.
Năm 2010 chùa Bái Đính là nơi tổ chức đại lễ đón xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam. Ông Trường đã phải chi tới 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ để đón xá lợi. Ở sân bay Nội Bài ông Trường thuê 3 chiếc siêu xe Limousine, Hummer, Lincol để chở xá lợi và các cao tăng về chùa Bái Đính.
"100.000 USD để cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam rước xá lợi Phật về hay là hàng triệu USD cũng không thể mua được cái tâm của những người hướng Phật", ông Trường nói.
Sau thành công ở Ninh Bình, doanh nghiệp Xuân Trường được chào đón tại các tỉnh khác như Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng.
Tại Thái Nguyên, dự án khu du lịch Hồ Núi Cốc được khởi công vào tháng 2/2016, có tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, trên diện tích 18.940ha đất, gồm khu tâm linh có chùa tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; khu làng văn hóa các dân tộc.
Tại dự án này, công ty Xuân Trường tuyên bố sẽ xây dựng tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được 5.000 - 10.000 người cùng lúc.
Dự án gần đây của tỷ phú Xuân Trường là khu du lịch tâm linh tại đảo Cái Tráp (Hải Phòng) với diện tích 450ha, đầu tư 9.800 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha gồm các hạng mục: Chùa Cái Tráp, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m, điện Pháp chủ, điện Tam quan...
Ngoài ra, ở lĩnh vực khách sạn – du lịch, tỷ phú Xuân Trường đầu tư các khu du lịch và dự án như: Hồ Đồng Chương, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, công viên văn hóa Tràng An. Ông cũng chi 200 tỷ đồng để hoàn thiện nhà khách 5 sao trên diện tích 20.000m2, theo phong cách Á Đông cổ điển, với nguyên vật liệu chính là các loại gỗ quý hiếm như trắc, cẩm lai, gỗ đỏ.
Dù tên tuổi ông gắn với những công trình tâm linh nổi tiếng, những "siêu dự án" đình đám nhưng thông tin về vị doanh nhân này khá hiếm hoi. Cho đến nay, những gì mà truyền thông nhắc đến ông chỉ xoay quanh “đại gia kín tiếng”, “giản dị” và “ăn chay trường”.
Nguồn: [Link nguồn]
Tài sản của Chủ tịch Berkshire Hathaway Inc. đã tăng vọt lên 100,4 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg, giúp Buffett trở thành...