Chặn cho vay "sân sau", sở hữu chéo

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đã có thêm nhiều giải pháp nhằm giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua là giảm tỉ lệ nắm giữ cổ phần của một tổ chức tại một ngân hàng (NH) từ 15% xuống 10% và giảm tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông và người liên quan từ 20% xuống 15%.

Mở rộng đối tượng liên quan

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng quy định tỉ lệ cho vay đối với 1 khách hàng giảm từ 15% xuống 10% vốn tự có của một NH, giảm tỉ lệ cho vay đối với 1 khách hàng và người liên quan từ 25% xuống 15%. Đặc biệt, luật này còn mở rộng khái niệm người có liên quan, bao gồm: vợ, chồng; cha, mẹ đẻ/cha, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế; con đẻ, con nuôi, con riêng, con dâu, con rể; anh, chị, em; ông bà nội - ngoại; cháu nội - ngoại và cô, dì, chú, bác...

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tình trạng thao túng dẫn đến rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng.Ảnh: TẤN THẠNH

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế tình trạng thao túng dẫn đến rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng.Ảnh: TẤN THẠNH

Theo TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, hiện nay việc kiểm tra, xử lý vấn đề sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo NH không đơn giản bởi các cổ đông lớn và người liên quan cố tình che giấu, nhờ người khác đứng tên cổ phần để lách luật. Việc này thường dẫn đến tình trạng các cổ đông lớn có thể chi phối NH khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Nhiều năm trước, đã có trường hợp một phó chủ tịch hội đồng quản trị một NH lớn được NH cho vay hàng chục ngàn tỉ đồng. Điều đáng nói, người này và người liên quan đều là cổ đông lớn của NH đó. Hậu quả là cổ đông lớn không trả được nợ, buộc phải giao toàn bộ số cổ phần của mình cho nhà nước xử lý. Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết xong. NH cho vay đã có lúc phải đối mặt không ít khó khăn về thanh khoản do chưa thu hồi hết vốn gốc và lãi.

Một dẫn chứng khác là NH A. có vốn điều lệ chỉ vài ngàn tỉ đồng nhưng hầu hết cổ phần của NH này lại thuộc về chủ một doanh nghiệp lớn và hàng chục công ty trực thuộc doanh nghiệp này. Những năm gần đây, tổng dư nợ cho vay của NH A. chỉ đạt vài chục ngàn tỉ đồng/năm, nếu phần lớn số tiền này dồn vào một khách hàng thì hết sức rủi ro. Nếu không may khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền dẫn đến không trả được nợ vay thì NH không thu hồi được vốn, dẫn đến mất thanh khoản. Khi đó, NH buộc phải tăng đua lãi suất huy động vốn nhằm bù đắp thiếu hụt thanh khoản, có thể gây ra bất ổn thị trường.

Hạn chế cổ đông lớn chi phối

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định quy định mới về tỉ lệ sở hữu cổ phần, cho vay cổ đông lớn và người liên quan sẽ hạn chế tình trạng sở hữu chéo, cho vay "sân sau", giúp thị trường nhận biết được những rủi ro lớn, như trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Maybank cũng cho rằng việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần, cho vay cổ đông lớn có ý nghĩa giảm rủi ro thao túng NH.

TS Lê Đạt Chí chỉ rõ các quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã tập trung vào hoạt động cho vay của NH thương mại, từ việc mở rộng khái niệm người có liên quan đến việc lập công ty mẹ, công ty con và những người có liên quan. "Như vậy, luật đã mở rộng đối tượng giới hạn cấp tín dụng, giúp việc tiếp cận vốn và lãi suất từ hệ thống NH của các chủ thể trong nền kinh tế công bằng hơn. Ngoài ra, việc thắt chặt hơn đối với cổ đông lớn trong việc sử dụng hệ sinh thái doanh nghiệp để vay vốn NH giúp tăng tính cạnh tranh cho nguồn vốn tín dụng, hạn chế được việc cổ đông lớn chi phối, giảm nợ xấu và phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế" - TS Lê Đạt Chí bình luận.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần và tỉ lệ cho vay tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là phù hợp, song vẫn khó hạn chế tình trạng cá nhân, tổ chức "lách" luật để tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phần, tỉ lệ vay vốn thực tế và chi phối hoạt động NH. 

"Muốn triệt tiêu tình trạng này, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với trường hợp cổ đông lớn là người đang nắm giữ chức vụ cao cấp tại một NH che giấu thông tin. Đặc biệt, cần xử phạt mạnh tay một số NH sai phạm để làm gương cho toàn thị trường" - TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, dẫn thực tế năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng đã từng quy định giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần cũng như cho vay đối với cổ đông lớn và người liên quan nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng NH. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là NH Nhà nước kiểm soát như thế nào để hạn chế tối đa tình trạng sở hữu chéo? 

Tăng cường thanh tra

Để khắc phục tình trạng sở hữu chéo, kiểm soát tỉ lệ nắm giữ cổ phần và cho vay, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cơ quan này sẽ tăng cường thanh tra tình hình sở hữu cổ phần và cho vay tại các NH thương mại. Đồng thời, xem xét chuyển cơ quan điều tra trong trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm như thâu tóm, chi phối NH hay cấp tín dụng cho khách hàng lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Với hơn 4.300 tỷ đồng mang cho vay và gửi tiết kiệm ngân hàng, công ty con này của Tập đoàn Vingroup đã ghi nhận lãi kỷ lục trong năm 2023.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY THƠ ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN